Vỉa hè Lê Lợi quá chói chang
Đường Lê Lợi (quận 1, TP.HCM) có chiều dài khoảng 800m, từ đường Đồng Khởi đến đường Lê Lai và giao cắt với các tuyến đường như Pasteur, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Huệ.
Trước khi bị rào chắn phục vụ công trường thi công tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) thì đây là một trong những tuyến đường có hoạt động kinh doanh nhộn nhịp, sầm uất bậc nhất TP.HCM. Không những thế, con đường này cũng được mệnh danh là một trong những ‘đại lộ xanh’ của TP với những hàng cây cổ thụ cho bóng mát.
Tuy nhiên, kể từ ngày bị rào chắn phục vụ thi công cho đến nay, hàng loạt cây xanh trên tuyến đường phải chặt hạ, di dời. Đến nay, dù đã được metro Bến Thành- Suối Tiên bàn giao mặt bằng, tái lập nhưng mảng xanh vẫn chưa thể bố trí.
Việc thiếu mảng xanh đã khiến tuyến đường trở nên trống trơn. Vỉa hè, lòng đường bệ rạc, thiết kế toàn bê tông cùng gạch đá gây oi bức ảnh hưởng đến mọi hoạt động thương mại, dịch vụ cũng như cuộc sống người dân.
Chị Trần Thị Diệu (du khách) chia sẻ, di chuyển trên đường Lê Lợi vào những ngày nắng như "cực hình". Trên thì mặt trời rọi trực tiếp xuống đầu, dưới thì nhiệt tỏa lên xông vào mặt gây cảm giác oi bức.
“Giá như có cây xanh, bóng mát thì đỡ biết bao. Tôi có nghe đề xuất lắp mái che trên vỉa hè, giải pháp này khá hợp lý cho tình hình hiện này trên tuyến đường Lê Lợi”, chị Dịu chia sẻ.
Du khách cho rằng, việc bố trí mảng xanh là rất cần thiết vì cây xanh vừa cho bóng mát lại có chức năng lọc không khí, làm mát khu vực xung quanh. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay thì không thể hôm nay trồng cây thì ngày mai cho bóng mát liền được.
Anh Hoàng Thắng (tiểu thương kinh doanh trên đường Lê Lợi) cho biết, mới đây có nghe ngành chức năng đề xuất lắp mái che nhân tạo trên vỉa hè. Bản thân anh mong muốn TP sớm có giải pháp để giúp người dân, du khách di chuyển qua tuyến đường này có chỗ che nắng, che mưa khi chưa thể bố trí mảng xanh.
“Tôi thấy lắp mái che cũng là giải pháp nhưng thành phố cần nên ưu tiên trả lại cây xanh. Có cây xanh thì mới hiệu quả bền vững, không khí thoáng mát, khách đi bộ cũng cảm thấy thoải mái hơn”, anh Thắng chia sẻ.
Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nếu nói lắp mái che để che nắng, mưa thì nhiều tuyến đường khác ở thành phố cũng cần chứ không riêng gì đường Lê Lợi. Do đó, ông cho rằng TP nên cân nhắc giữa việc bỏ hàng chục tỷ đồng ra lắp mái che và lợi ích việc này đem lại.
Sẽ nghiên cứu trồng cây xanh
Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM Nguyễn Thanh Nhã cho biết, đề xuất làm mái che tại đường Lê Lợi không có nghĩa là để thay thế toàn bộ cây xanh trên tuyến đường này. Phía đơn vị đang nghiên cứu bố trí mảng xanh, chọn loại cây phù hợp, hài hoà với không gian để mang lại hiệu quả cao nhất về cảnh quan cho khu vực.
Theo ông Nhã, hiện nay thành phố rất cần thu hút du khách, phát triển thương mại, dịch vụ ở khu vực Lê Lợi sau khi tuyến metro Bến Thành- Suối Tiên giao mặt bằng. Trong khi chờ đợi việc bố trí mảng xanh thì làm mái che là một giải pháp được tính đến để tạo bóng mát, che nắng nóng cho người đi bộ cũng như hoạt động mua sắm, nhất là khi ngành du lịch đang tập trung hướng du khách về nơi này.
Cũng theo Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM, quanh ga trung tâm Bến Thành của metro Bến Thành - Suối Tiên, hiện được quy hoạch không gian ngầm và thành phố đã tổ chức thi tuyển tìm phương án. Hiện việc bố trí diện tích trồng cây xanh lớn, rễ sâu phía trên đang được tính toán, cân nhắc rất kỹ để không ảnh hưởng công trình ngầm và đồng bộ cảnh quan cho khu vực.
Còn về phương án mái che thì đây mới là đề xuất sơ bộ. Sau khi được chấp thuận chủ trương, định hướng đơn vị tư vấn chuyên nghiệp sẽ tính toán chi tiết hơn và lựa chọn loại tiện ích, thẩm mỹ, chi phí phù hợp.
Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM đề xuất giải pháp chi 20-30 tỷ đồng để lắp mái che dọc vỉa hè đường Lê Lợi theo hướng từ Nhà hát thành phố về chợ Bến Thành để tạo bóng mát, chống nắng, che mưa, hình thành không gian đi bộ. Dự kiến, thiết kế mái che với kết cấu khung sắt lợp tôn và đóng trần phía dưới; kích thước mái che vươn ra 4m trên vỉa hè rộng 5,5–6m. |