Thú thực, từ ngày đi lấy chồng, tôi không còn thấy hào hứng với Tết như thời con gái nữa. Ngày xưa, Tết với tôi là được ngủ nướng thêm một chút buổi sáng, được xem một bộ phim hay, đọc nốt cuốn sách còn đang dở. Đến bữa, cả nhà quây quần ngồi bên mâm cơm kể chuyện vui buồn trong năm.
Nhà tôi có 3 anh chị em, mỗi người đi làm một nơi, cả năm chỉ có 1-2 lần là đầy đủ cả nhà. Những dịp này rất hiếm hoi nên mấy anh chị em chủ yếu ở nhà nấu nướng, trò chuyện. Nhiệm vụ đi chúc Tết đã có bố mẹ tôi lo. Mấy anh chị em chỉ tới thăm các cô chú anh em ruột của bố mẹ. Lâu ngày, mọi người không gặp nhau trò chuyện đủ thứ trên đời, rất vui vẻ.
Nhưng từ ngày đi lấy chồng, các thú vui khác của tôi bị dẹp sang một bên. Ngoài việc chuẩn bị cơm nước ngày 3 bữa, vợ chồng tôi còn phải dành phần lớn thời gian đi chúc tụng làng trên xóm dưới, đủ các cô dì chú bác họ hàng gần xa đến là oải.
Công bằng mà nói thì bố mẹ chồng cũng tích cực phụ giúp tôi chuyện bếp núc chứ không để tôi phải làm cả. Nhưng ngại nhất vẫn là nhiệm vụ đi chúc Tết thì các cụ không làm thay được. Chồng tôi sau khi lấy vợ được giao đại diện cho các cụ đi chúc Tết đủ hết họ hàng ba bề bốn bên, bỏ sót nhà nào là thiếu sót nhà ấy.
Ngày mồng 1, mồng 2 Tết, mỗi ngày hai vợ chồng ghé tầm hai chục nhà bà con nội ngoại. Mỗi nhà chỉ ngồi chơi được 10-15 phút, chưa kịp hỏi han đến câu thứ 3 là phải nhấc mông đi, nếu không thì… cháy giờ. Mồng 3 chúng tôi sang nhà ngoại, lại vẫn chương trình ấy tiếp diễn sang đến mồng 4. Mồng 5 hoạ may rảnh rỗi thì bạn bè lại gọi nhau tụ tập, hoặc còn nhà ai chưa đi thì đi nốt.
Chồng tôi vẫn hay nói đùa màn đi Tết này là “chạy sô”. Nhà nào nhà ấy tay xách nách mang hộp bánh, chai rượu, đặt vội lên bàn thờ, hỏi nhau mấy câu xã giao, thậm chí không kịp để ý cả người kia đáp lại thế nào đã phải xin phép ra về. Tết nhất bỗng dưng lại thành dịp “sống nhanh” thay vì “sống chậm lại”.
Có năm tôi định “làm cách mạng” - xin phép ông bà 2 bên chỉ ghé thăm các cô chú ruột thịt, còn nhà ai xa xôi rồi thì thôi. Nhưng vừa mới ngỏ ý thì mẹ đẻ tôi đã giãy nảy: “Không được con ạ. Người ta tới nhà mình, mình cũng phải đi lại mới phải phép. Làm thế thì thất lễ với họ hàng, làng xóm. Rồi người ta nói ra nói vào cả năm ấy. Sống ở quê thì phải theo lệ làng, sống như thế không chơi được với ai đâu con ạ!”.
Nghe mẹ nói thế, tôi cũng không dám gợi lại chủ đề này thêm một lần nào nữa. Dù gì, ông bà sống ở quê ít nhiều cũng phải sống theo tập thể.
Năm nay, gia đình tôi đóng cửa, đón Tết tại gia để sống chậm lại. Ảnh: Minh Chuyển |
Thế nhưng, ai mà biết trước được con Covid này lại làm đảo lộn cuộc sống đến thế. Trong cái rủi có cái may, Tết này tôi có ngồi ru rú trong nhà cả mấy ngày Tết thì cũng không ai dám chê trách gì.
Hôm trước, mẹ chồng tôi thậm chí còn gọi điện ướm hỏi: “Hay là chúng mày ăn Tết ở Hà Nội cũng được. Quê mình chưa có dịch dã gì, nghe người Hà Nội về là làng xóm cũng e ngại đấy con ạ!”.
Tôi hí hửng trong bụng đáp: “Thôi, bọn trẻ con cũng muốn về chơi với ông bà dịp Tết. Nhà mình đi xe riêng nên cũng không tiếp xúc đông người trên tàu xe. Bọn con về chơi với ông bà nhưng đóng kín cửa ở trong nhà là được. Năm nay, nhà mình không đi chúc Tết ai mẹ nhé! Mẹ cũng dáo trước với mọi người là năm nay nhà mình xin phép không tiếp khách mẹ ạ!”.
Mẹ chồng tôi chỉ đợi có thế gật đầu luôn. Cúp máy xuống là tôi thở phào nhẹ nhõm. Ngay lập tức, tôi tải xuống máy tính vài bộ phim, soạn ra vài cuốn sách, dự tính mua cho bọn trẻ con mấy cuốn truyện tranh để mang về quê ăn Tết. Quà bánh, thực phẩm năm nay tôi cũng không sắm nhiều, chỉ mua đủ ăn trong gia đình mấy ngày.
Chỉ nghĩ đến cảnh mấy ngày Tết không phải ăn vội miếng bánh chưng để còn kịp đi chúc tụng là tôi đã thấy sung sướng vô cùng.
Tôi may mắn có bố mẹ chồng hiền lành nên không thấy việc về quê chồng có gì khó khăn. Vì thế, năm nay hai vợ chồng đã xin phép ông bà ngoại chỉ ăn Tết bên nội để hạn chế tiếp xúc. Ông bà ngoại cũng thường xuyên lên Hà Nội thăm cháu nên để dịp khác gặp nhau cũng không sao. Vả lại, nhà tôi còn có một anh trai, một em trai đều đã có gia đình riêng. Mọi người về Tết với ông bà cả nên cũng không lo ông bà tủi thân vì vắng vẻ con cháu.
Tôi thấy bạn bè trên mạng xã hội than thở ăn Tết mất vui, chẳng dám đi đâu chơi bời. Tôi thì nghĩ quan trong nhất lúc này là sự an toàn. Ăn Tết bớt vui một tí cũng chẳng sao, năm sau mình lại đi chơi bù. Hãy tìm những niềm vui bớt ồn ào, bớt đông đúc hơn, coi như một sự trải nghiệm mới mẻ trong cuộc sống.
Xem thêm video: Ùn tắc tại chốt kiểm dịch Covid-19 cửa ngõ TP Hạ Long
Những ngày rộn ràng trên cánh đồng mai Tết ở Sài Gòn
Rằm tháng Chạp năm nào, chị Hiền và gia đình cũng bỏ hết công việc thường ngày để đi lặt lá mai thuê. Đây là công việc không đòi hỏi nhiều kỹ thuật và sức khỏe nhưng mang lại thu nhập khá nên được nhiều người lựa chọn.
Độc giả Thuý Vân