“Trốn nhà” đi xuyên Việt một mình
Giữa tháng 7/2019, Hà Trang (1990, cô gái Tây Bắc, đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội) quyết định gác lại công việc bận rộn, xách theo chiếc balo đựng laptop, ba bốn bộ quần áo, bình nước, một vài món đồ phòng thân thiết yếu... và lên đường đi xuyên Việt bằng xe máy - chuyến đi mà cô ấp ủ thực hiện từ lâu.
Trang lái chiếc xe máy rong ruổi từ Hà Nội vào Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng… Để chuẩn bị cho chuyến đi độc hành “dài hơi”, cô từng thử sức nhiều cung đường dài 200 - 300km với bạn bè.
Trang cũng chuyển từ công việc full-time trong ngành quảng cáo sang làm tự do để có thể chủ động thời gian trong những chuyến đi dài ngày. Trước khi đi, Trang tự “lên kịch bản” về sự cố có thể gặp phải và cách giải quyết.
Đồ dùng được Hà Trang chuẩn bị cho chuyến độc hành
"Người bạn đồng hành" của Trang trong chuyến đi xuyên Việt
Ngày đầu tiên, Trang đi một mạch từ Hà Nội vào Vinh, dọc theo con đường mòn Hồ Chí Minh. Cung đường này tuy xa và khó đi hơn nhưng Trang có cơ hội chiêm ngưỡng nhiều cảnh đẹp, núi non trập trùng, hùng vĩ.
“Mình đi qua một cung đường vắng, thưa thớt nhà dân, chỉ toàn rừng là rừng. Một chiếc xe tải vượt lên mình. Bất ngờ từ trong xe, vài ba cánh tay cố nhoài ra khỏi khe hẹp vẫy vẫy.
Mình giật mình, hơi hoảng hốt”, Trang nhớ lại. Cô gái bất giác sợ hãi: liệu trong xe có phải là những người bị bắt cóc, đang gặp nguy hiểm hay không?; Đoạn đường vắng như thế này, liệu cô có gặp nguy hiểm?.
Dù lo lắng nhưng Trang vẫn cố bình tĩnh, đi qua rồi vượt lên trước để quan sát chiếc xe. “Hóa ra đây là một chiếc xe chở phạm nhân. Họ đang di chuyển về phía trại giam Thanh Lâm (Thanh Hóa) nằm cách đó không xa.
Mình dừng lại trước cổng nhà giam, nhìn chiếc xe đi vào phía trong. Những cánh tay vẫn đưa ra vẫy chào. Bất giác mình thấy xúc động vì dường như, họ đang khao khát sự tự do mà mình đang có”, Trang tâm sự.
Dù không rõ những người phạm nhân này có nghe thấy không nhưng cô gái trẻ vẫn nói với theo: “Chào tất cả các bạn! Mong các bạn cải tạo tốt để sớm trở về với cuộc sống tự do và làm việc có ích cho đời”.
“Đó là kỉ niệm ấn tượng trong hành trình của mình. Cuộc gặp gỡ bất ngờ ấy khiến mình trân trọng thêm giá trị của sự tự do”, Trang tâm sự.
Hà Trang "check-in" tại đường mòn Hồ Chí Minh
Dù đã chuẩn bị kĩ cho chuyến đi nhưng Trang vẫn không dám tiết lộ với bố mẹ. Cô sợ bố mẹ lo lắng sẽ ngăn cản con gái.
Nhưng “cái kim trong bọc” không thể giấu mãi. “Sau hơn một tuần nghe những cuộc video call mỗi tối của mình, bố bắt đầu thắc mắc, tại sao mỗi ngày mình lại gọi ở một địa điểm khác nhau.
Đến khi mình vào tới Đà Nẵng thì bị bố phát hiện. Bố cau mày: “Á à, thế này có to gan không”, Trang nhớ lại.
Nhưng trái với tưởng tượng của Trang, bố mẹ không giận, không trách móc vì dường như hiểu được ước mơ xê dịch lâu nay của con. Thấy bố thích thú với câu chuyện về chuyến đi, Trang thử mời bố tham gia hành trình.
“Lúc đó mình nghĩ, cả đời bố lo toan cho gia đình, chưa từng có một chuyến du lịch, tận hưởng đúng nghĩa. Tại sao không tận dụng cơ hội này mời bố đi cùng mình?”, Trang chia sẻ.
Thật bất ngờ, bố Trang đồng ý. Ông nhờ con gái đặt vé máy bay và ngay lập tức sắp xếp công việc, bay thẳng vào Sài Gòn.
“Khi vào tới Sài Gòn, bố mượn chiếc xe của người bạn cùng quê tại đây, chạy ra Nha Trang, còn mình thì di chuyển từ Đà Nẵng vào Nha Trang. Chuyến đi xuyên Việt một phần cũng là ao ước bấy lâu của bố nhưng mình nghĩ, ban đầu, ông chấp nhận đi vì lo lắng cho sự an toàn của mình nhiều hơn”, Trang chia sẻ.
Từ Nha Trang, hai bố con Hà Trang bắt đầu hành trình 20 ngày khám phá các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, miền Tây Nam bộ và Sài Gòn.
Bố của Hà Trang mượn chiếc xe cũ của người bạn để cùng con đi xuyên Việt
Ông Hà Tiến Bằng (sinh năm 1964), bố Hà Trang chia sẻ với phóng viên báo VietNamNet: "Trước đây, Trang cũng từng nhiều lần bày tỏ mong muốn được đi du lịch xuyên Việt, nhưng tôi khuyên con nên đi ô tô để an toàn. Tôi lo con đi xe máy thì nhiều mối nguy hiểm. Có lẽ vì thế mà khi đi, Trang giấu bố mẹ, không dám kể". Ông nói thêm: "Tôi thấy trong lòng nóng ruột lắm nên gác lại công việc để vào đồng hành cùng con".
Vượt qua hiểu nhầm...
Trang chia sẻ, bố của cô sinh năm 1964. Ông là người Hưng Yên nhưng lên sống, lập nghiệp ở Tây Bắc.
Bố mẹ làm kinh doanh bận rộn nên gia đình Trang hiếm có chuyến đi chơi xa, du lịch nào cùng nhau. Bản thân ông cũng ấp ủ mong muốn được đi đây đi đó, thăm thú cảnh non sông đất nước nhưng quanh năm lo “cơm áo gạo tiền”, chẳng khi nào rời bỏ được công việc.
“Bố mình đơn giản lắm, khi đi bố chỉ mang theo vài bộ quần áo. Vào Sài Gòn, ông mượn chiếc xe Dream không yếm, đã cũ, yếu lắm rồi của bạn để đi. Thật may là chiếc xe nhìn thì cũ kĩ mà lại không hỏng hóc gì trên đường”, Trang kể.
Hai bố con rong ruổi trên hai chiếc xe máy. Trang là người lựa chọn điểm đến và dẫn đường. Đi dọc cung đường ven biển Việt Nam tới mũi Cà Mau, "đôi bạn" đã cùng nhau tham quan vịnh Ninh Vân (Khánh Hòa); vịnh Vĩnh Hy, tháp Chăm Kalan Po Klong Giarai (Ninh Thuận); cồn Thới Sơn (Tiền Giang)...
Đã rất lâu, từ khi xuống thành phố học và làm việc, Trang không có cơ hội bên bố lâu đến thế
Một điểm đến khiến Trang và bố đều ấn tượng là vịnh Vĩnh Hy, Ninh Thuận. Hai bố con choáng ngợp trước cung đường một bên là núi cao, một bên là biển trong xanh, lấp lánh như sao trời giữa ban ngày, đẹp tuyệt. Đứng trước khung cảnh như trong phim đó, cả hai bố con đều xúc động và tự hào về cảnh đẹp đất nước.
Trang ghi lại hình ảnh của bố tại vịnh Vĩnh Hy
Nhiều cảnh đẹp của đất nước làm hai bố con ngỡ ngàng, nhưng cũng xúc động, tự hào
Có lần, hai bố con đang trên đường tới Cà Màu thì xe hết xăng giữa đường. Lúc ấy đã gần 6h tối, xung quanh vắng vẻ, hoang sơ, nhà dân thưa thớt. Mây tối sầm trời, cơn mưa giông như sắp ập ới.
Không dám để con ở lại đây một mình để đi tìm mua xăng, bố quyết định dắt xe đi bộ cùng Trang. Hai bố con đi suốt 2 cây số, khi cơn mưa giông sắp đổ xuống thì may mắn tìm được gia đình bán lẻ xăng bên đường.
“Cũng trong tối đó, bố con mình xảy ra hiểu nhầm. Mình cảm thấy bố lúc nào cũng lo lắng thái quá cho mình, trong khi mình đã lớn. Mình không hiểu bố đang muốn đi khám phá, du lịch hay chỉ vì muốn đi theo, đảm bảo an toàn cho con”, Trang nhớ lại. “Khi mình hỏi bố điều ấy, bố nói: “Bố đi vì một phần là lo cho con”. Mình cảm thấy bực lắm vì bố lo lắng quá, suy nghĩ quá nên không thoải mái tận hưởng hành trình mà cả đời ông mơ ước”, Trang nói.
Chiếc xe hết xăng khi bố con Hà Trang di chuyển tới Cà Mau
Tối đó, hai bố con nghỉ lại một căn nhà ở Cà Mau. Ở vùng này không có những nhà nghỉ, khách sạn mà chỉ có nhà mái tôn, xây không mấy kiên cố, nằm len lỏi ở trong các rừng tràm.
Cơn bão ập tới rất mạnh, gió rít ầm ầm, cảm tưởng như có thể cuốn phăng mái nhà. Hai bố con đều trằn trọc không thể ngủ, một phần vì lo ngại cơn bão, một phần vì những hiểu lầm chưa được giải tỏa.
“Mình thức trắng tới 5h sáng và dường như bố cũng vậy. Cuối cùng, hai bố con quyết định nói chuyện với nhau. Mình xin lỗi vì đã không đặt mình vào vị trí của bố. Có lẽ, người bố nào cũng vậy, dù con có lớn đến đâu cũng mãi chỉ là đứa trẻ trong mắt bố”, Trang tâm sự.
Hai bố con rời Cà Mau đi ngược về An Giang, Cần Thơ, Sài Gòn. Trong thời gian ở An Giang, bố con Hà Trang ở tại một homestay. Chủ của homestay là một bạn trẻ cũng từng đi xuyên Việt với mẹ. Câu chuyện của 2 gia đình có nhiều sự tương đồng nên họ nhanh chóng lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ với nhau.
Sau lần đó, hai bố con đồng cảm hơn. Ông gạt bớt lo toan để tận hưởng chuyến đi. “Bố bắt đầu vui vẻ, thích thú hơn. Bố còn lên kế hoạch đưa mẹ và cả nhà xuyên Việt, khám phá các quốc gia Đông Dương. Nếu không có dịch bệnh, có lẽ gia đình mình đã lên đường”, Trang chia sẻ.
Hai bố con Hà Trang trở nên đồng cảm, thấu hiểu nhau hơn
Trước đây, Trang từng nghĩ cô đã rất hiểu bố và bản thân đã rất trưởng thành. Nhưng sau chuyến đi, Trang nhận ra, dù cô có bao nhiêu tuổi, bố mẹ vẫn luôn lo lắng cho con. Hành trình đã giúp kết nối hai thế hệ, khiến Trang và bố hiểu nhau nhiều hơn, tìm ra nhiều điểm tương đồng. Trang cũng học theo bố, sống đơn giản hơn.
“Mình thực sự biết ơn vì mình còn đầy đủ bố mẹ, người thân, họ đều vẫn đang khoẻ mạnh. Mình biết ơn bởi hành trình thực hiện ước mơ của mình có bố đồng hành. Và mình mong chờ sớm được thực hiện một chuyến đi xuyên Việt cùng cả gia đình; và tương lai là ước mơ về hành trình lang thang ngắm nhìn thế giới cùng gia đình nhỏ của riêng mình. Mình tin những ước mơ đó của mình sẽ thành hiện thực”, Trang chia sẻ.
Tấm hình bố chụp cho Hà Trang tại sông Dinh, Phan Thiết
Với ông Bằng, dù đã 2 năm trôi qua nhưng chuyến đi với con gái vẫn để lại những kỉ niệm sâu sắc với ông. Sau hành trình đó, bản thân ông đã đưa ra nhiều quyết định thay đổi.
"Trước đây tôi ôm đồm công việc, không biết cách chăm sóc bản thân, người thân. Sau chuyến đi, tôi dẫn giãn bớt công việc rồi dừng hẳn, dành thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc mẹ, gia đình, gạt bỏ những kế hoạch kinh doanh trang trại", ông chia sẻ.
Trong thời gian tham quan các tỉnh như An Giang, ông Bằng có dịp tới nhiều ngôi chùa. Ở đây, ông tìm hiểu về ăn chay và lợi ích của ăn chay.
"Nửa năm sau khi trở về, tôi dần chuyển sang ăn chay, đơn giản hơn. Thật vui khi sức khỏe tốt ra trông thấy, chữa được bệnh nóng trong cả chục năm trời. Khi dịch ổn định, nhất định tôi sẽ cùng con tham gia các chuyến đi khác. Đợt trước không kịp khám phá Tây Nguyên nên tôi muốn tới đó xem sao. Tôi rất hạnh phúc khi thấy con quan tâm, yêu thương bố", ông Bằng chia sẻ.
Hành trình 40 ngày qua 40 tỉnh thành khắp đất nước của cô gái trẻ “trốn nhà” đã có cái kết đẹp viên mãn ngoài sức tưởng tượng.
Linh Trang (Ảnh: NVCC)