Âm thầm bên em, Không phải dạng vừa đâu, Khuôn mặt đáng thương… 3/10 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Google Việt Nam 2015 thuộc về Sơn Tùng M-TP.


Thông lệ thường niên, cứ đến gần cuối tháng 12, trang tìm kiếm trực tuyến lớn nhất thế giới Google lại đưa ra danh sách thống kê 10 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trong năm trên toàn thế giới và khu vực.

Theo thống kê từ Bloomberg, trong 10 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Google tại Việt Nam năm 2015 chủ yếu liên quan đến các sự kiện, chương trình giải trí.

{keywords}
Sơn Tùng M-TP

Đặc biệt, có 3 từ khóa đi liền với tên tuổi của ca sĩ Sơn Tùng M-TP, gồm Âm thầm bên em, Không phải dạng vừa đâu, Khuôn mặt đáng thương.

Ngoài ra, các từ khóa được tìm kiếm nhiều khác có thể kể đến ca khúc Vợ người ta của ca sĩ Phan Mạnh Quỳnh, chương trình Hài Xuyên Việt và bộ phim Cô dâu 8 tuổi. How-Old.net”– một ứng dụng của Microsoft cho phép đoán số tuổi dựa theo hình của bạn cũng lọt vào danh sách này.

Việc người Việt mê nhạc Sơn Tùng M-TP, hay quan tâm đến các sự kiện giải trí nhiều hơn là sức khỏe, chính trị, xã hội… phản ánh điều gì? Xung quanh vấn đề này, Blogger Truyền thông Xã hội Nguyễn Ngọc Long đã có cuộc trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội:

9/10 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Google của Việt Nam là các sự kiện giải trí, đặc biệt, có đến 3 từ khóa liên quan đến Sơn Tùng M-TP. Điều này phản ánh điều gì? Liệu nó có liên quan đến vấn đề về văn hóa, truyền thông hoặc tâm lý đám đông không, thưa anh?

Blogger Nguyễn Ngọc Long: Với 52% của hơn 90 triệu dân đã có cơ hội tiếp cận Internet và gần như 100% có sử dụng Google, thì số liệu này đủ sức nặng để phản ánh sự quan tâm của đại đa số người dân Việt Nam khi sử dụng Internet.

Tất nhiên, kết quả này không nhất thiết sẽ phản ánh đầy đủ sự quan tâm của mọi người nói chung.

Một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng giới trẻ đang có xu hướng dịch chuyển từ đọc báo truyền thống qua cập nhật tin tức trên Facebook. Cho nên, kết quả tìm kiếm hàng đầu của Google phải cộng thêm kết quả tìm kiếm hàng đầu của Facebook nữa mới thực sự chuẩn xác.

{keywords}
Blogger truyền thông xã hội Nguyễn Ngọc Long cho rằng, không nên bi quan với kết quả tìm kiếm của Google Việt Nam

Cá nhân tôi tin rằng số liệu trên Facebook cũng sẽ tiệm cận hoặc trùng phần lớn với Google. Vì vậy, bảng kết quả này đủ để chúng ta kết luận rằng giới trẻ đang dành sự quan tâm quá nhiều cho giải trí.

Dưới góc độ một người nghiên cứu truyền thông, anh lý giải sự quan tâm của người Việt này thế nào?

Thử hình dung xem giới trẻ có những mối bận tâm nào? Tình dục, giải trí (phim ảnh, ca nhạc, thời trang...), học tập, ăn uống, chính trị, xã hội, thể thao, sức khoẻ, môi trường v.v...

Chúng ta sẽ lại chia tiếp các mối bận tâm này vào 3 nhóm là mối quan tâm thường trực, mối quan tâm có tính chu kỳ và mối quan tâm bất chợt.

Tôi nghĩ, tình dục, giải trí, ăn uống sẽ luôn là mối quan tâm thường trực. Vậy nếu không phải từ khoá "sex" mà là "Sơn Tùng" được tìm kiếm nhiều nhất thì cũng không có gì quá khó để dự đoán, và thực ra cũng đáng mừng!

Theo anh, thói quen tìm kiếm được thay đổi ra sao trong giai đoạn hiện nay?

Facebook càng phát triển, trở thành một đối trọng đáng kể của Google thì thói quen tìm kiếm sẽ dần thay đổi. Do Facebook là mạng xã hội, sử dụng các thuật toán tìm kiếm dữ liệu lớn (big data) và có tính cá nhân hoá rất cao nên nó sẽ gần như tự gợi ý những vấn đề người dùng quan tâm, kéo theo việc tìm kiếm dịch chuyển từ "quan tâm" qua thành "tra cứu" nhiều hơn.

Nhiều người đã bi quan khi biết kết quả tìm kiếm Google. Theo anh, kết quả này có đáng phải bi quan không? Chúng ta nên tiếp nhận thông tin này theo chiều hướng nào?

Bình thường thôi, không có gì phải bi quan.

Như tôi phân tích ở trên, những từ khoá đầu bảng chỉ thể hiện đâu là mối quan tâm thường trực chứ không thể hiện tương quan với các mối quan tâm khác là đi lên hay đi xuống.

Nếu mang ra so sánh, nó giống như việc nói rằng "cô giáo này không nổi tiếng bằng Hồ Ngọc Hà". Như vậy là khập khiễng.

Cho nên, nếu ai thực sự cần, có thể tự phân loại các từ khoá tìm kiếm theo các "mối quan tâm" tôi gợi ý ở trên để đo lường sự thay đổi theo từng năm.

Ví dụ từ khoá "biến đổi khí hậu" năm ngoái được tìm kiếm 10 triệu lần, năm nay được tìm kiếm 20 triệu lần, thì chứng tỏ sự quan tâm đến vấn đề này đã được cải thiện. Chứ đừng mang con số 20 triệu lần tìm kiếm từ khoá biến đổi khí hậu so với 200 triệu lần tìm kiếm từ khoá "Sơn Tùng" rồi bi quan một cách... hơi vô lý!

Cảm ơn anh đã tham gia cuộc trò chuyện!

Tại Nhật Bản, Các nước hồi giáo là từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất. Bão, Bóng bầu dục; Kenji Goto (Nhà báo Nhật bị giết bởi IS); Naomi Kawashima (Sao phim 18+ qua đời vì ung thư); Windows 10 và 10 là iPhone 6s cũng là những từ khóa được tìm kiếm nhiều.

Còn tại Singapore, đứng đầu là từ khóa “PSI Singapore” (Singapore bị ô nhiễm khói bụi). 3 từ khóa khác liên quan đến Thủ tướng Lý Quang Diệu, gồm bản thân tên ông; Lý Vỹ Linh ( con gái cố Thủ tướng Lý Quang Diệu); Lý Hiển Long (con trai của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu và đang là Thủ Tướng Singapore).

Một số từ khóa khác như WhatsApp nền web; iPhone 6S; MERS (Hội chứng hô hấp Trung đông); QZ8501 (Mã số máy bay AirAsia rơi) được tìm kiếm nhiều nhất tại quốc đảo sư tử.

Theo Gia đình & Xã hội