Hôm con thi xong, về khoe "Con làm hết bài mẹ ạ, các bạn lớp con bảo hôm nay là ngày tận số...". Con kể là các bạn ai cũng bảo mấy hôm ôn thi khổ quá, chẳng được ra ngoài chơi, toàn phải học suốt để thi nên bọn con gọi là ngày tận số. Ngẫm lại thấy con nói cũng có lý...

Con trai tôi trước đợt thi kỳ 2, cháu sốt vi rút phải nghỉ ở nhà gần hết tuần. Tôi cũng đứng ngồi không yên vì con để lỡ mất tuần ôn thi quan trọng. Con hỏi "mẹ ơi con có phải mượn vở các bạn về chép lại bài đã học không hả mẹ", tôi hỏi con xem các bạn ở lớp từng bị ốm nằm nhà thì làm thế nào? Con trả lời "không phải chép gì mẹ ạ". 

Mấy hôm liền con sốt khá cao, nằm bê bết, ăn uống mẹ phải dỗ dành để con mau khỏe. Cuối tuần, bạn cùng lớp gần nhà mang sang cho con trai đề cương ôn thi tiếng Việt - Toán, con lẩm bẩm "rõ nhiều, rõ khó". 

{keywords}
Hình ảnh minh họa

Rút kinh nghiệm từ những lần thi học kỳ trước, tôi lơ là không xem xét bài vở của con hàng ngày nên không nắm được con yếu phần nào. Đến khi có lịch thi, mẹ mới rờ đến sách vở của con và tá hỏa vì nhiều bài con làm sai, làm ẩu, gặp bài khó là cho qua luôn. Mẹ lao vào học cùng con thâu đêm, có hôm đến gần 11 giờ đêm mới tạm xong, con mệt bơ phờ, mẹ uể oải, tức tối vì thấy con "quá kém".

Năm nay con vào lớp 3, hàng tuần tôi đều hỏi bài con, xem lại sách vở của con và kịp thời hướng dẫn những bài con yếu kém. Tiếng Anh là môn học khó, để hướng dẫn con làm bài đúng có khi mẹ phải đi hỏi bài giúp con vì để con tự hỏi thì con rất mau quên, con cứ chạy đi chạy lại mấy lần hỏi bạn lớp trưởng mà về đến nhà là chữ rơi sạch. 

Môn tiếng Việt đã có những bài tập làm văn hóc búa, đòi hỏi con cách viết sáng tạo, câu cú rõ ràng và phải biết quan sát. Mỗi lần đi chơi cùng con, tôi đều kết hợp dạy con cách quan sát, cách dùng từ ra sao cho phù hợp. Vì thế con không lúng túng, sợ sệt với bài Tập làm văn cô giao nữa. 

Tôi thường giao cho con làm bài tập ra vở nháp, mẹ xem và sửa sai, sau đó con mới viết vào vở. Nhờ cách rèn đơn giản này mà con làm bài cẩn thận hơn, không láu táu vội vàng "nhanh ẩu đoảng" như trước nữa. 

Học cùng con như vậy nhưng tôi biết lực học của con so với các bạn không có gì nổi trội. Đến kỳ thi học kỳ, mẹ cứ lo nơm nớp mặc dù bên ngoài giả bộ tươi cười, hỏi han con. Con vừa ốm dậy nên tôi không bắt con học nhiều, bài nào khó mẹ giảng lại, con học khoảng 1 tiếng là đi chơi. Buổi tối mẹ kèm từ 8 rưỡi tối đến 10 giờ tối là đi ngủ. Mẹ chủ trương cũng rất AQ, con cứ cố gắng hết sức, nhớ làm bài cẩn thận nhé, đừng gạch xóa nhiều kẻo bị trừ điểm trình bày. 

Hôm con thi xong, về nhà mẹ hỏi chuyện, con cười hí hửng khoe "Con làm hết bài mẹ ạ, các bạn lớp con bảo hôm nay là ngày tận số...". Con kể là các bạn con ai cũng bảo mấy hôm nay khổ quá, chẳng được ra ngoài chơi, toàn phải học suốt để thi nên bọn con gọi là ngày tận số. Mẹ buồn cười quá nhưng thấy con nói cũng có lý. Mấy hôm con thi, đi làm về là mẹ tất bật chợ búa, hì hục nấu nướng các món mà con thích để con có sức khỏe mà thi cử. 

Mấy môn thi chính rải rác trong cả tuần, hôm con báo đã thi xong tiếng Anh là môn cuối cùng, mẹ thở phào. May quá, con thi mà mẹ cũng cứ như "ra trận", lo lắng, mong ngóng và giả vờ bình tĩnh. 

Bố mẹ nào cũng mong con thi đạt điểm cao. Tôi thì chỉ mong con thi xong để con không còn phải ôn bài tối ngày, mẹ thì được rảnh rang làm việc này việc khác mà mẹ thích. Mẹ không treo giải thưởng gì cả mà tự con thủ thỉ "Nếu con được học sinh giỏi, mẹ mua cho con 5 quyển Đô rê mon...". Tháng nào mẹ cũng cho tiền đi mua truyện, cậu bé đắm chìm vào thế giới của mèo máy và các bạn nhỏ nên rất hay tưởng tượng ra trò này trò kia, đặt ra nhiều câu hỏi oái oăm làm mẹ tắc tịt.

Con thi cử xong, cảm giác thật dễ chịu. Điểm cao thấp không quan trọng, miễn con có ý thức chăm chỉ học hành, bớt nói chuyện riêng trong giờ học là tôi cảm thấy phấn khởi, mãn nguyện.

  • Thanh Mai (Đông Anh, Hà Nội)