- Câu chuyện học sinh ở Quảng Trị đi học 7 năm không viết nổi tên mình khiến nhiều người “không thể hiểu nổi” chuyện gì đang xảy ra. Qua xác minh, Bộ GD-ĐT khẳng định thông tin báo chí phản ánh là đúng.
Trường TH A Túc, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị. (Ảnh: NTNN) |
Báo Nông thôn ngày nay số ra 1/4/2015 đưa tin về việc không chỉ một mà nhiều học sinh đang theo học tại các trường tiểu học và THCS tại huyện Hướng Hóa, Quảng Trị đi học nhiều năm không biết viết, dù chỉ là tên mình.
Thông tin trên báo cũng cho biết mặc dù địa phương đã lên tiếng phản đối nhưng nhà trường vẫn có giấu sự thực và học sinh vẫn được lên lớp bình thường.
Chia sẻ với báo chí, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội giật mình nói “không thể hiểu nổi sự việc”.
Trước vấn đề đặt ra, Bộ GD-ĐT đã cử đoàn công tác vào làm việc và cùng với đại diện Sở GD-ĐT Quảng Trị và phòng GD-ĐT huyện Hướng Hóa trực tiếp đến Trường Tiểu học A và Trường TH&THCS A Dơi để xác minh.
Qua làm việc trực tiếp với Ban giám hiệu, giáo viên, cha mẹ học sinh và kiểm tra thực tế đã khẳng định nội dung thông tin báo chí nêu đã phản ánh đúng sự thật.
Cụ thể, tại Trường Tiểu học A Túc: ba em H.V.T, H.V.Q (lớp 5) và H.V.T (lớp 4) không đọc được, chỉ viết được một vài chữ đơn giản. Phòng khám khu vực vùng Lia và BV Đa khoa huyện Hướng Hóa có giấy chứng nhận đây là ba học sinh khuyết tật. Các em được học hòa nhập.
Trong đó, có em H.V.T và H.V.T có vấn đề về thần kinh, ảnh hưởng đến học tập và em H.V.Q bị điếc bẩm sinh, khó khăn về nói, thần kinh chậm phát triển-xếp loại sức khỏe loại 5.
Học sinh H.V.L, năm học 2013-2014 thực tế không bỏ học nhưng thường xuyên không đến trường. Tuy nhiên, cuối năm học em L. vẫn được nhà trường tặng giấy khen đạt danh hiệu học sinh tiên tiến.
Tại Trường TH&THCS A Dơi: Ba em H.V.Th, H.V.H (lớp 7) khả năng đọc, viết, tính toán rất hạn chế, chỉ làm được những bài toán cộng, trừ đơn giản. Chưa đảm bảo được yêu cầu về chuẩn kiến thức, kĩ năng của học sinh ở trình độ lớp 7.
Có buông lỏng thực tế
Công văn ký ngày 10/4 của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển gửi Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Trị kết luận: Để xảy ra tình trạng trên trách nhiệm trước hết thuộc về các giáo viên dạy và đánh giá học sinh từng năm học đã thiếu tinh thần trách nhiệm, không thực hiện đúng các quy chế chuyên môn, không báo cáo thật chất lượng và trình độ của học sinh với Ban giám hiệu nhà trường. Thầy cô cũng không có giải pháp khắc phục tình trạng yếu kém của học sinh.
Về phía sở, phòng và nhà trường - Bộ GD-ĐT cho rằng, có sự buông lỏng quản lý chỉ đạo, thiếu sâu sát thực tế, không thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý chất lượng giáo dục.
Bởi, Trường Tiểu học A Túc không có hồ sơ giáo dục cá nhân cho học sinh khuyết tật, không có giải pháp riêng phù hợp với đặc điểm sức khỏe và khả năng nhận thực của các em cũng không có biện pháp phối hợp với gia đình để theo dõi, giúp đỡ học trò.
Cả hai nhà trường đều không thực hiện việc nghiệm thu bàn giao chất lượng học sinh từ giáo viên dạy năm học trước (lớp dưới) cho giáo viên dạy năm học sau (lớp trên), từ tiểu học lên THCS. Phòng GD-ĐT huyện Hướng Hóa, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng trị không chỉ đạo nghiêm túc việc này.
Công tác thanh, kiểm tra hàng năm của các cấp quản lý giáo dục địa phương không phát hiện được hoặc đã bỏ qua những thiếu sót của giáo viên và nhà trường trong nhiệm vụ dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh.
Khắc phục ngay tình trạng "ngồi nhầm lớp"
Bộ GD-ĐT yêu cầu Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị khẩn trương triển khai chỉ đạo Trường Tiểu học A Túc và Trường TH & THCS A Dơi khắc phục ngay tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp”.
Hiệu trưởng hai trường cần nghiêm túc kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân liên quan, chấn chỉnh công tác quản lí chỉ đạo dạy và học của giáo viên, học sinh; xây dựng kế hoạch cụ thể để giúp đỡ những học sinh đang “ngồi nhầm lớp”...
Phòng GD-ĐT huyện Hướng Hóa kiểm tra, đôn đốc và hỗ trợ các nhà trường trong việc tổ chức phụ đạo, kèm cặp, giúp đỡ những học sinh đang “ngồi nhầm lớp”. Định kỳ báo cáo cụ thể bằng văn bản về chất lượng giáo dục của các học sinh trên với sở GD-ĐT.
Lãnh đạo ngành giáo dục Quảng Trị cũng cần chỉ đạo chặt chẽ công tác kiểm tra, đánh giá học sinh trong năm học, cuối học kỳ, cuối năm học; tất cả các trường trong tỉnh rà soát trình độ học sinh, phân loại và có biện pháp kịp thời giúp đỡ để học sinh đều có thể đạt yêu cầu theo chuẩn kiến thức, kĩ năng, không để xuất hiện thêm những học sinh “ngồi nhầm lớp”.
Sở, phòng và nhà trường cùng giáo viên cần rút kinh nghiệm, triển khai các giải pháp nhằm tăng cường sự phối hợp thường xuyên giữa giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.
Bộ GD-ĐT đề nghị Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị chỉ đạo, triển khai tốt các yêu cầu trên và báo cáo bằng văn bản về Bộ.
- Văn Chung