- Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Đinh Trung trao đổi với VietNamNet về đơn gửi Tổng bí thư, Thủ tướng xung quanh việc đổ 1 triệu m3 bùn xuống biển Bình Thuận.

Nguyên Bí thư Bình Thuận khẳng định đơn kiến nghị Tổng bí thư, Thủ tướng xem xét cho dừng chủ trương đổ các chất được nạo vét xuống biển để “giải cứu” biển và việc này "hết sức cần kíp".

"Ngày 17/7, đồng chí trợ lý Tổng bí thư điện thoại cho tôi nói đã nhận được bức thư này", ông Đinh Trung cho hay ông muốn gửi đơn đến Tổng bí thư vì Tổng bí thư là Trưởng ban phòng chống tham nhũng TƯ.

Ông cũng khẳng định gửi đơn này cho Thủ tướng với tư cách nguyên lãnh đạo tỉnh và hơn hết là một công dân. 

"Đây là việc hệ trọng ảnh hưởng đến môi trường và dân sinh kinh tế cả một vùng rộng lớn không chỉ ở Bình Thuận mà còn cả khu vực, tôi tin là Thủ tướng sẽ xem xét lại vấn đề này", nguyên Bí thư Bình Thuận nhấn mạnh.

Dừng để giải cứu biển

Với trải nghiệm ở địa phương, ông căn cứ trên cơ sở thực tế nào để đưa ra các kiến nghị như nêu trong đơn?

Đó là vấn đề về ô nhiễm môi trường và cách xử lý còn rất hạn chế. Hiện nay chỉ mới có một nhà máy Vĩnh Tân 2 đưa vào vận hành nhưng hàng ngày thải ra khoảng 1.300 tấn tro xỉ. 

{keywords}
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Đinh Trung: Nói đưa bùn thải về với biển là không đúng

Tro xỉ được xử lý bằng cách đổ ra bãi, đầm nén, phun nước rồi dùng bạt che phủ lại. Giải pháp như thế ở vùng đất Tuy Phong đầy nắng gió liệu có ổn không? 

Mới một nhà máy hàng ngày thải một khối lượng tro xỉ như thế thử hỏi khi 5 nhà máy đi vào vận hành trong vòng 30, 40 năm, thì khối lượng chất thải rắn này sẽ cao lên thành núi?

Sự cố năm 2015 đã khiến nhân dân trong vùng chịu không nổi do bụi bay phát tán vào khu dân cư, vì quá bức xúc nên tụ tập đông người để phản đối làm kẹt xe trên QL 1A mà cả nước đều biết là hết sức nghiêm trọng.

Một năm gần đây lại có hiện tượng nguồn nước ngầm, nước giếng và đất trồng cây ở khu vực gần bãi đổ sỉ bị nhiễm bẩn không còn sử dụng được. 

Cây trồng như cây trôm giúp nhân dân Tuy Phong xóa đói, giảm nghèo bị khô héo, chết dần. Dân sống gần đây phải di dời đi nơi khác.

Còn trên biển, theo tài liệu tôi có thì tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân có 3 dự án phải đổ các chất được nạo vét ra biển trên diện tích 300 ha tại 2 vị trí cách khu bảo tồn biển Hòn Cau khoảng 8km. 

Vừa qua Bộ TN&MT đã cấp phép cho nhận chìm khoảng 1 triệu m3 bùn xuống biển, mới đây Tổng công ty phát điện 3 xin nhận chìm thêm 2,4 triệu khối nữa, sau đó sẽ là bao nhiêu?

Ngoài ra, hàng ngày gần 5 triệu m3 nước làm mát của hệ thống nhiệt điện được thải ra biển ở nhiệt độ từ 36 đến 40 độ C hòa vào nước biển tự nhiên, nhiệt độ sẽ tăng lên, chưa nói nước bị ô nhiễm, chắc chắn không một sinh vật nào sống ven bờ tồn tại được.

Tôi cũng trình bày rõ, Hòn Cau là một trong rất ít khu bảo tồn biển của nước ta có nhiều rạn san hô và nhiều loài sinh vật biển rất phong phú, đa dạng. 

Bờ biển quanh khu vực Nhiệt điện Vĩnh Tân là nơi sinh sống của cư dân bằng nghề làm muối với nước biển trong sạch, đánh bắt và nuôi hải sản, đặc biệt là vùng nuôi tôm giống rất tốt có chất lượng cao, hàng năm cung cấp một sản lượng tôm giống lớn cho các tỉnh phía Nam. 

Nếu đổ một lượng lớn chất nạo vét xuống vùng biển nơi đây cùng với lượng nước thải do làm mát hệ thống nhiệt điện chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến khu bảo tồn và dân sinh không chỉ ở vùng biển Tuy Phong (Bình Thuận) mà còn cả vùng Cà Ná (Ninh Thuận).

Biển không giống ao làng

Ông đánh giá thế nào về giải thích trước HĐND tỉnh Bình Thuận của đại diện Bộ TN&MT rằng việc nhận chìm này sẽ không ảnh hưởng đến Hòn Cau và khu vực xung quanh?

Tôi đọc báo thấy đại diện Bộ TN&MT nói các chất nạo vét chỉ là đất, cát, sỏi… các chất này có từ lâu đời dưới biển nên đưa về với biển. Nói như thế không đúng đâu. 

{keywords}

Cụm nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân. Ảnh: Văn Châu

Đó là các chất do sóng biển đưa vào cùng với nhiều loại đất đá, tạp chất, rác rưởi…ở ven bờ bị chôn vùi, trầm tích lại hàng bao nhiêu năm, bây giờ nạo vét, đào bới, xới tung lên. Đó là hỗn hợp nhiều loại chất chứ đâu phải chỉ đất, cát bằng phẳng như dưới đáy biển ngoài khơi.

Vì thế đem các chất được nạo vét này đổ xuống biển là điều không nên làm. Biển, đại dương không giống như ao làng, hồ nước mà mọi thứ chìm xuống đều ngủ yên ở đó, nó còn có các dòng hải lưu, chịu tác động của bão tố, triều cường, sóng thần, nhất là biến đổi khí hậu như hiện nay mà cho rằng các chất này đổ xuống biển không lan tỏa đi đâu thì thật khó hiểu.

Trong đơn, ông cũng nêu rõ quá trình ra chủ trương về xây dựng Trung tâm nhiệt điện tại Vĩnh Tân trước đây đã có nhiều ý kiến không đồng thuận?

Tôi nghỉ hưu từ năm 2000. Khoảng từ năm 2006, khi có chủ trương quy hoạch xây dựng Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, đã có nhiều ý kiến của nhân dân và các vị nguyên lãnh đạo tỉnh, trong đó có tôi không đồng thuận vì nhiều lý do và lo lắng sợ ảnh hưởng đến môi trường.

Chứ sản xuất điện để phát triển, làm giàu đất nước không một người dân yêu nước nào lại không muốn, không làm ở nơi này thì làm ở nơi khác. Có lẽ các lãnh đạo tỉnh lúc bấy giờ vừa muốn có nguồn điện cho đất nước, vừa muốn có nguồn thu cho ngân sách địa phương mà chưa lường hết tác động xấu đến môi trường sinh thái và đời sống của nhân dân về lâu dài.

Sao cứ phải đem đổ xuống biển?

Theo ông, giải pháp để giải quyết vấn đề về chất thải sau nạo vét này như thế nào?

Tôi biết trước đây Bộ NN&PTNT đã có văn bản không đồng ý với phương án đổ vật liệu nạo vét ra biển và đề nghị nghiên cứu phương án khác. Tôi đồng tình với ý kiến này. Tại sao không tìm một giải pháp khác an toàn hơn mà cứ đem đổ bùn xuống biển? 

{keywords}
Hòn Cau nhìn từ vị trí bãi đổ bùn thải

Tôi đã từng đến thành phố ChiBa (New Tokyo) ở Nhật Bản và nghe họ nói việc xây dựng thành phố cũng từ phương pháp lấn biển, xây dựng sân bay Kansai cũng hút cát, đất từ biển lên, nhưng chắc chắn họ không đụng đến khu vực bảo tồn biển và cuộc sống người dân. Tại sao chúng ta không nghiên cứu theo hướng này?

Trong thư kiến nghị ông có nói đến vấn đề “lợi ích nhóm”?

Đúng, vấn đề xem xét có lợi ích nhóm chi phối trong sự việc này cũng cần phải được kiểm tra làm rõ. 

Cuối tháng 6/2017, Bộ TN&MT đã ký giấy phép chấp thuận cho công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát ra vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân (Bình Thuận).

Trước đó, công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đã nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhận chìm ở biển vật liệu nạo vét vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1.

Tổng diện tích được phép nhận chìm là 30ha mặt nước biển, nơi nhận chìm có độ sâu không quá 30m.

Theo hồ sơ của công ty Vĩnh Tân, chất nhận chìm có hàm lượng 80% là sạn sỏi cát, chỉ có 2% là bùn và sét, còn lại là là vỏ ốc, sò… nên khả năng phát tán ra môi trường biển khi nhận chìm là rất thấp.

Lý giải về việc cấp phép, Phạm Ngọc Sơn - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ TN&MT) khẳng định, quá trình thẩm định Bộ TN-MT đã bám sát 4 yếu tố theo quy định: Không được là chất chứa phóng xạ, chất độc vượt tiêu chuẩn môi trường; Không tác hại ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và nguồn lợi thuỷ sản; Không thể lưu giữ trên đất liền hoặc không hiệu quả về KTXH; Thuộc danh mục được phép nhận chìm. 

Cấp phép 'nhận chìm' bùn thải ở Hòn Cau: Bộ TN&MT tin kiểm soát được tình hình

Cấp phép 'nhận chìm' bùn thải ở Hòn Cau: Bộ TN&MT tin kiểm soát được tình hình

Thừa nhận việc nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải có tác động tới môi trường, đại diện Bộ TN&MT tin rằng 'vẫn có thể kiểm soát được tình hình".   

Vụ biển Hòn Cau: ‘Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế’

Vụ biển Hòn Cau: ‘Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế’

Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận phát biểu tại kỳ họp HĐND tỉnh sau khi thông tin cắt bỏ diện tích khu bảo tồn biển Hòn Cau “làm nóng” nghị trường.

EVN: Không có nổ, chỉ cháy và khói ở nhiệt điện Vĩnh Tân 4

EVN: Không có nổ, chỉ cháy và khói ở nhiệt điện Vĩnh Tân 4

Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sự cố ở nhiệt điện Vĩnh Tân 4 chỉ có cháy và khói, không có tiếng nổ lớn.

Bình Thuận gửi công văn “hỏa tốc” về NM Nhiệt điện Vĩnh Tân 2

Bình Thuận gửi công văn “hỏa tốc” về NM Nhiệt điện Vĩnh Tân 2

Những ngày gần đây, ống khói của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân tiếp tục xả khói đen, có nguy cơ tiếp tục gây ô nhiễm môi trường ở Vĩnh Tân.

Bộ Tài nguyên lý giải việc cấp giấy nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải

Bộ TN&MT lý giải việc cấp giấy nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải

Bộ TN&MT vừa ký giấy phép chấp thuận cho công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát ra vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân.

Lê Huân - Đàm Đệ