LỜI TÒA SOẠN

Cuộc chiến thương mại toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc bùng nổ sau khi Tổng thống Donald Trump tăng thuế đối ứng với Trung Quốc lên 245% vào giữa tháng 4/2025. Sau 8 năm chống chọi với các chính sách thuế quan từ Mỹ, Trung Quốc đã tích lũy được không ít bài học và kinh nghiệm. Nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam có thể tham khảo để dựa trên điều kiện cụ thể của mỗi nước mà xây dựng các chính sách phù hợp.

Phản ứng “ăn miếng trả miếng”

Trung Quốc nhận thức rằng, những hành động thuế quan và rộng hơn là cuộc thương chiến chỉ là một trong các công cụ của Mỹ nhằm vào Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh địa chính trị lớn hơn giữa hai cường quốc này. Mỹ cho rằng, Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh duy nhất có cả ý định định hình lại trật tự quốc tế và ngày càng có sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để thúc đẩy mục tiêu đó.

Trung Quốc cũng nhận thức được rằng, không giống như các chính sách thương mại truyền thống, chính sách thuế quan của ông Trump quyết liệt rõ ràng và mang tính “mặc cả”. Thông qua chính sách này, ông Trump cho thấy rõ rằng việc ông không hài lòng với trật tự kinh tế quốc tế hiện tại và sẵn sàng sử dụng các biện pháp cứng rắn, đặc biệt là khi liên quan đến lợi ích của Mỹ. Cách tiếp cận này không chỉ phá vỡ mô hình hợp tác đa phương trước đây mà còn làm gia tăng căng thẳng thương mại trên quy mô toàn cầu và gây ra những hậu quả chính trị và kinh tế phức tạp.

trung quoc.png
Trung Quốc cũng nhận thức được rằng, không giống như các chính sách thương mại truyền thống, chính sách thuế quan của ông Trump quyết liệt rõ ràng và mang tính “mặc cả”. Ảnh minh họa. Ảnh: Bloomberg.

Trung Quốc coi việc Mỹ áp đặt thuế quan là vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và là hành vi “bắt nạt đơn phương” điển hình, do đó Trung Quốc sử dụng các biện pháp đối phó dựa trên luật pháp trong nước như Luật Ngoại thương của CHND Trung Hoa và Luật Thuế quan của CHND Trung Hoa, nhằm mục đích chứng minh lập trường của Trung Quốc trong việc bảo vệ hệ thống thương mại đa phương. Lập trường cứng rắn này đã phát đi tín hiệu “chấm dứt chiến tranh bằng chiến tranh”.

Nhìn lại lịch sử, vào tháng 3/2017, ngay sau khi trở thành tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, ông Donald Trump với quyết tâm giảm thâm hụt thương mại với các quốc gia khác, đã ký một sắc lệnh hành pháp kêu gọi thực thi thuế quan chặt chẽ hơn trong các vụ kiện chống bán phá giá. Tháng 4/2017, trong chuyến thăm Bắc Kinh, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí về một kế hoạch đàm phán thương mại kéo dài 100 ngày nhằm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Các cuộc đàm phán thương mại đã thất bại vào tháng 7.

Tháng 8/2017, ông Trump mở cuộc điều tra về cáo buộc Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ, mà Mỹ ước tính đã khiến nước này thiệt hại tới 600 tỷ USD/năm. Tháng 1/2018, Mỹ công bố mức thuế 30% đối với các tấm pin mặt trời nhập khẩu, chủ yếu đến từ Trung Quốc.

Tháng 4/2018, Bắc Kinh đáp trả bằng cách áp thuế đối với hàng nhập khẩu của Mỹ trị giá khoảng 3 tỷ USD, bao gồm 15% thuế đối với các sản phẩm trái cây, hạt, rượu vang và ống thép, và thuế 25% đối với thịt lợn, nhôm tái chế và 6 loại hàng hóa khác.

Từ tháng 6 – 8/2018, hai nước áp đặt ít nhất ba đợt thuế quan trả đũa ảnh hưởng đến hơn 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và hơn 110 tỷ USD hàng nhập khẩu của Mỹ vào Trung Quốc. Tháng 12/2018 - 5/2019, Washington và Bắc Kinh không đạt được thỏa thuận thương mại sau khi đồng ý dừng áp dụng thuế quan mới vào tháng 12/2018.

Sau khi các cuộc đàm phán sụp đổ, ông Trump tiếp tục tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Tháng 5/2019, Washington cấm công ty công nghệ Trung Quốc Huawei mua các bộ phận và linh kiện từ các công ty Mỹ.

Tháng 1/2020, Mỹ và Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một, theo đó Trung Quốc cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong hai năm sau đó. Tuy nhiên, một nhóm nghiên cứu sau đó phát hiện ra rằng Trung Quốc về cơ bản không mua bất kỳ hàng hóa nào đã hứa. Một ngày sau, Mỹ tăng mức thuế bằng cách áp thuế 25% đối với hàng hóa Trung Quốc từ các ngành hàng không vũ trụ, máy móc và y tế trị giá khoảng 50 tỷ USD. Trung Quốc trả đũa bằng cách áp thuế 25% đối với máy bay, ô tô, đậu nành và hóa chất cùng các mặt hàng nhập khẩu khác, trị giá khoảng 50 tỷ USD khác.

Tháng 10/2022, Tổng thống Mỹ Biden, người đã giữ lại hầu hết các mức thuế được ban hành dưới thời ông Trump, ban hành các hạn chế mới toàn diện đối với việc bán chất bán dẫn và thiết bị sản xuất chip cho Trung Quốc. Các hạn chế này sẽ được mở rộng vào tháng 10/2023 và tháng 12/2024.

Tháng 5/2024, ông Biden tăng thuế đối với xe điện, pin mặt trời, thép, nhôm và thiết bị y tế của Trung Quốc. Chính quyền của ông Biden đã xây dựng và ban hành danh sách trừng phạt nhắm vào hơn 140 công ty Trung Quốc, áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với ngành công nghiệp bán dẫn và chip của Trung Quốc. Để đáp trả động thái của Mỹ, Trung Quốc đã hạn chế nghiêm ngặt việc xuất khẩu nhiều loại kim loại quý hiếm sang Mỹ. Ngoài ra, theo quy định của Trung Quốc, không những các công ty Trung Quốc không được bán kim loại hiếm bị hạn chế cho Mỹ mà các công ty nước ngoài cũng không được bán lại kim loại hiếm nhập khẩu từ Trung Quốc cho Mỹ.

Sau khi ông Trump nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ 2, ngày 4/2/2025, mức thuế mới 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ có hiệu lực.

Trung Quốc trả đũa cùng ngày bằng cách công bố một loạt các biện pháp đối phó, bao gồm tăng thuế đối với than, khí đốt tự nhiên hóa lỏng và máy móc nông nghiệp của Mỹ. Liên quan đến chính sách thuế quan đối với Trung Quốc, nước Mỹ thời ông Trump đã tăng thuế suất đối với hàng hóa Trung Quốc lên 34%, tăng dựa trên mức thuế ban đầu là 20%, khiến hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ phải đối mặt với áp lực thuế quan 54%.

Hơn nữa, Trung Quốc còn phải trả thêm thuế quan đối với các loại thuế đặc thù của ngành do Mỹ áp dụng đối với thép, nhôm và ô tô nhập khẩu. Nếu tính cả mức thuế áp dụng đối với Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, tổng mức thuế mà Mỹ áp dụng đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ lên tới khoảng 65%.

Ngày 4/4/2025, Bắc Kinh tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế bổ sung 34% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu có nguồn gốc từ Mỹ ngoài mức thuế hiện hành có hiệu lực từ ngày 10/4, tương đương với mức “thuế quan có đi có lại” mà chính quyền Trump áp dụng đối với năm 2025 các sản phẩm của Trung Quốc.

Đồng thời, Bộ Thương mại Trung Quốc đã ban hành một số thông báo, bao gồm việc thực hiện kiểm soát xuất khẩu đối với 7 loại đất hiếm vừa và nặng, thêm 16 thực thể của Mỹ vào danh sách kiểm soát xuất khẩu và thêm 11 công ty Mỹ vào danh sách thực thể không đáng tin cậy.

Ngày 9/4, Mỹ đã chính thức áp thuế đối với Trung Quốc tổng cộng lên tới 104%. Lập tức, Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo sẽ áp thuế nhập khẩu 84% đối với hàng hóa Mỹ kể từ ngày 10/4, tăng thêm 50% so với mức 34% đã công bố trước đó. Chưa đầy 24 giờ sau đó, ông Trump tuyên bố sẽ tăng thuế nhập khẩu từ Trung Quốc lên 125% và quyết định có hiệu lực ngay lập tức.

Cuối ngày 15/4 (giờ Mỹ), chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế lên tới 245% với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh khẳng định không thay đổi lập trường về thuế quan (trước đó, Trung Quốc cũng nâng thuế nhập khẩu với hàng hóa xuất xứ Mỹ lên 125%, đồng thời siết chặt kiểm soát xuất khẩu với các khoáng sản công nghệ cao thiết yếu).

Trò chơi “tổng âm”

Có thể thấy, Trung Quốc tương đối cứng rắn trước các hành động áp thuế của Mỹ. Phản ứng của Trung Quốc đối với mức thuế mới của Mỹ có thể sẽ tập trung nhiều hơn vào kích thích kinh tế trong nước và tăng cường quan hệ với các đối tác thương mại. Do đó, trọng tâm không tập trung chủ yếu vào những biện pháp ăn miếng trả miếng như ở giai đoạn đầu, thay vào đó, Trung Quốc có thể sẽ đa dạng hóa các điểm đến và sản phẩm xuất khẩu, cũng như tăng gấp đôi ưu tiên thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Trung Quốc đã tăng cường các nỗ lực kích thích kinh tế kể từ tháng 9/2024 bằng cách mở rộng thâm hụt tài khóa, tăng chương trình trợ cấp đổi hàng tiêu dùng và kêu gọi chấm dứt tình trạng suy thoái bất động sản. Đáng chú ý, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tổ chức một cuộc họp hiếm hoi với các doanh nhân công nghệ bao gồm cả nhà sáng lập Alibaba là Jack Ma vào tháng 2/2025, để thể hiện sự ủng hộ đối với khu vực tư nhân.

Đồng thời, Bắc Kinh có thể tập trung vào việc vẫn sử dụng danh sách đen, kiểm soát xuất khẩu các khoáng sản quan trọng và điều tra các công ty nước ngoài tại Trung Quốc. Hơn nữa, Bắc Kinh còn có thể giữ đồng nhân dân tệ mạnh so với USD và phản đối các lời kêu gọi giảm giá từ các nhà bán lẻ như một cách để đẩy áp lực lạm phát lên Mỹ.

Theo tính toán của phía Trung Quốc, trong các cuộc chiến thương mại phát động trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald Trump, khoảng 90% mức thuế quan tăng thêm được người tiêu dùng và các công ty Mỹ trả. Bất kể ông Trump chuẩn bị phát động loại “cuộc chiến” nào chống lại Trung Quốc trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, kết quả cũng sẽ tương tự như vòng đầu tiên của cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng thuế quan trừng phạt của ông Trump chắc chắn sẽ tác động đến nền kinh tế Trung Quốc. Vì Trung Quốc là nền kinh tế định hướng xuất khẩu nên rất nhạy cảm với những thay đổi trong thương mại quốc tế. Trong số đó, thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đặc biệt quan trọng. Theo số liệu của hải quan Trung Quốc, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc sang Mỹ đã vượt quá 500 tỷ USD vào năm 2024, chiếm 16,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Điều nguy hiểm hiện nay là cả Trung Quốc và Mỹ đang chơi “trò chơi tổng âm”, tức là “tôi có thể chịu thua lỗ, miễn là thua lỗ của bạn lớn hơn thua lỗ của tôi”. Trên thực tế, “trò chơi có tổng âm” giữa Trung Quốc và Mỹ từ lâu đã vượt ra ngoài lĩnh vực thương mại và mở rộng sang địa chính trị. Điều này về cơ bản sẽ ảnh hưởng tới trật tự quốc tế trong tương lai.

* Kỳ 2: Tự chủ về công nghệ, chìa khóa để Trung Quốc chống chọi thuế của Mỹ

PGS.TS. Dương Văn Huy  là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Việt-Trung, Viện Nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.