Cáo buộc cho rằng, Trịnh Xuân Thanh, với vai trò TGĐ, Chủ tịch HĐQT PVC, biết rõ liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện gói thầu TK05 dự án Ethanol Phú Thọ.
Dù vậy, bị cáo vẫn tiếp nhận sự chỉ đạo của ông Đinh La Thăng, bà Trần Thị Bình (cựu Phó TGĐ PVN) ký văn bản gửi PVB, PVN xin được chỉ định thầu; Chủ trì cuộc họp HĐQT và Ban TGĐ PVC đồng ý thực hiện gói thầu với giá 59,177 triệu USD.
Các bị cáo tại tòa |
Cáo buộc cho rằng, Thanh còn ký công văn gửi ông Thăng xin cam kết thực hiện gói thầu và ký quyết định của HĐQT PVC chấp thuận nội dung hợp đồng EPC nhằm được thực hiện gói thầu TK05 dự án Ethanol Phú Thọ theo chỉ đạo của ông Đinh La Thăng.
Hành vi của bị cáo Trịnh Xuân Thanh dẫn đến dự án bị dừng thi công, gây thiệt hại hơn 543 tỷ đồng.
Trả lời thẩm vấn tại tòa, Trịnh Xuân Thanh khai: PVC từng triển khai dự án lọc dầu Dung Quất, Nhơn Trạch, đủ khả năng làm được dự án Ethanol Phú Thọ nên PVN mới chọn PVC.
Theo Trịnh Xuân Thanh, lý do dự án bị dừng không phải do năng lực của Liên danh nhà thầu mà do thiếu tiền để thực hiện dự án.
Để triển khai được dự án Ethanol Phú Thọ, cần đến 85-90 triệu USD, chứ không phải với giá hơn 59 triệu USD như PVN yêu cầu PVC thực hiện.
Số thiệt hại mà cáo trạng quy kết là do dừng dự án vì Liên danh nhà thầu thiếu năng lực, bị cáo Thanh cho rằng, việc không triển khai được dự án là do chủ đầu tư, nhưng lại bắt bị cáo chịu trách nhiệm là không thỏa đáng.
"Bị cáo lấy tiền đâu mà trả", Trịnh Xuân Thanh trình bày.
Theo lời khai của Trịnh Xuân Thanh, việc bị cáo ký quyết định của HĐQT PVC chấp thuận nội dung hợp đồng EPC nhằm được thực hiện gói thầu TK05 dự án Ethanol Phú Thọ là ký thay mặt HĐQT. Nếu bị cáo không đồng ý thì nghị quyết phiên họp vẫn được thực hiện.
“Thành viên HĐQT thông qua, dù tôi có đồng ý hay không thì nghị quyết đó sẽ phải thực hiện. Tôi ký là ký thay mặt HĐQT”, lời khai của Thanh.
Cáo trạng cho rằng, năm 2010, với mục đích mua 3.400m2 đất tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc, lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Chủ tịch HĐQT PVC, Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo cấp dưới tại PVC cho PVC Kinh Bắc tạm ứng 25 tỷ đồng trái quy định.
Để hợp thức việc cho tạm ứng và dùng tiền tạm ứng trái quy định, Thanh còn chỉ đạo chuyển 21 tỷ đồng tiền tạm ứng thành tiền góp vốn điều lệ của PVC tại PVC Kinh Bắc trái quy định, gây thiệt hại cho PVC hơn 13 tỷ đồng.
Thanh sau đó, yêu cầu ông Đỗ Văn Hồng (cựu Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ PVC Kinh Bắc) chuyển nhượng khu đất trên cho Công ty Mai Phương của Thanh, qua đó hưởng lợi 3 tỷ đồng.
Với cáo buộc trên, tại tòa, Trịnh Xuân Thanh khai không chỉ đạo ai việc góp 21 tỷ đồng tiền vốn vào PVC Kinh Bắc. Nếu có nghị quyết của HĐQT thì bị cáo đôn đốc, nhưng đây không có nghị quyết của HĐQT.
Theo lời khai của Trịnh Xuân Thanh, sau khi mua miếng đất ở Tam Đảo khoảng một năm mới nghe nói đến chuyện mình nợ 3 tỷ đồng tiền mua đất. Bị cáo khai không bàn bạc với ông Hồng việc mua bán đất ở Tam Đảo.
Trịnh Xuân Thanh trở thành ‘con nợ khó đòi’?
Sáng nay (9/3), phiên tòa xét xử vụ sai phạm xảy ra tại dự án Ethanol Phú Thọ tiếp tục với phần thẩm vấn.
T.Nhung