Ngày 3/11, Quốc hội thảo luận trên hội trường về những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Dự thảo luật gồm 16 chương với 236 điều, dự kiến được Quốc hội thông qua thông qua tại kỳ họp thứ 6.
Một trong những điểm mới của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi được xin ý kiến đại biểu lần này là quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp giao đất trái thẩm quyền.
Quy định này nhằm giải quyết các trường hợp đang sử dụng đất do ông/cha để lại nhưng không có giấy tờ và không vi phạm pháp luật về đất đai.
Hiện dự thảo Luật Đất đai sửa đổi thiết kế hai phương án cho nội dung này. Trong đó, phương án 1 giữ quy định như dự thảo luật được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 về thời điểm cấp giấy chứng nhận đến trước ngày 1/7/2014.
Theo đó, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 1/7/2014 được UBND cấp xã xác nhận là không có tranh chấp thì diện tích được công nhận quyền sử dụng đất.
Phương án 2 chỉnh sửa về thời điểm cấp giấy chứng nhận đến thời điểm nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận. Theo đó, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất từ ngày 15/10/1993 đến thời điểm nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận, được UBND xã xác nhận là không có tranh chấp thì diện tích được công nhận quyền sử dụng đất.
Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với phương án 1 và xin ý kiến Quốc hội về nội dung này.
Ngoài vấn đề cấp sổ đỏ cho đất không có giấy tờ, nhiều vấn đề khác còn chưa thống nhất trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần xin ý kiến Quốc hội, trong đó có quy định về phương pháp định giá đất.
Nhiều gia đình sử dụng đất hợp pháp nhưng chưa được cấp 'sổ đỏ'
Về nguyên tắc cấp ‘sổ đỏ’, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TP.HCM) cho rằng, thực tế khi triển khai chế định giấy chứng nhận cấp cho hộ gia đình có những vướng mắc, bất cập; nhất là khi thực hiện các thủ tục như chuyển nhượng, thừa kế có khó khăn trong việc chứng minh thành viên hộ gia đình tại thời điểm cấp 'sổ đỏ'.
Do đó, đại biểu đồng tình với hướng quy định của dự thảo. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị ban soạn thảo luật cân nhắc quy định việc xác định các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình để ghi tên trên 'sổ đỏ' do các thành viên này tự thỏa thuận hoặc chịu trách nhiệm trước pháp luật.
“Nếu chúng ta cho phép ghi tên đại diện thì khi một thành viên hộ gia đình thực hiện các quyền của người sử dụng đất lại tiếp tục chứng minh thành viên hộ gia đình là gây khó khăn cho cơ quan Nhà nước khi giải quyết thủ tục hành chính cũng như gây phiền hà cho người dân. Cho nên tôi đề nghị bỏ quy định tại khoản 5 Điều 136”, đại biểu đoàn TP.HCM nêu quan điểm.
Nêu ý kiến tại hội trường, đại biểu Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang) nêu thực tế hiện nay ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn rất nhiều hộ cá nhân là người dân tộc thiểu số đang sử dụng đất hợp pháp nhưng chưa được cấp ‘sổ đỏ’ do điều kiện kinh tế khó khăn, không có tiền nộp để thực hiện việc đo đạc, lập hồ sơ địa chính cấp 'sổ đỏ'.
Do đó, các địa phương gặp khó khăn trong công tác quản lý đất đai. Còn về phía người dân, khi chưa được cấp 'sổ đỏ' thì không được sử dụng quyền của mình như thế chấp hay góp vốn.
Từ thực tiễn trên, đại biểu đoàn Hà Giang đề nghị bổ sung vào dự thảo luật chính sách của nhà nước hỗ trợ kinh phí đo đạc, lập hồ sơ cấp ‘sổ đỏ’. Đồng thời, có chính sách giảm tiền sử dụng đất phù hợp để người dân có điều kiện an cư, yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.