Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, Triều Tiên đã trục xuất Sigley hôm 4/7 sau khi người đàn ông 29 tuổi này xin tha cho những hoạt động của mình, điều mà KCNA khẳng định vi phạm chủ quyền của Triều Tiên.
Alek Sigley được tự do sau khi bị bắt giữ ở Triều Tiên khoảng một tuần. (Ảnh: AP) |
Sigley đã đến Tokyo, Nhật Bản, cùng ngày được thả để đoàn tụ với vợ và khẳng định mình trong tình trạng sức khỏe "rất tốt". Tuy nhiên, nam công dân Australia không tiết lộ điều gì đã xảy ra với bản thân ở Triều Tiên.
Sigley đang theo học tại một trường đại học tại Bình Nhưỡng và làm hướng dẫn viên ở thủ đô Triều Tiên, sau đó mất liên lạc qua truyền thông xã hội với gia đình và bạn bè.
KCNA cho biết, Sigley đã bị một "tổ chức có liên quan" của Triều Tiên "bắt quả tang" ngày 25/6. Alek Sigley "bị xúi bẩy" nên đã nhiều lần chuyển giao thông tin thu thập gồm ảnh và các tài liệu cho hãng tin NK News cùng một số cơ quan truyền thông chống Triều Tiên khác.
Theo KCNA, Triều Tiên trục xuất Sigley vì "sự khoan hồng nhân đạo". "Chính phủ Triều Tiên đã thể hiện tinh thần nhân đạo và trục xuất anh ta khỏi lãnh thổ hôm 4/7", KCNA nhấn mạnh thêm.
Ngay trong ngày 6/7 sau khi KCNA đăng tải thông tin trên, giám đốc của NK News là Chad O'Carroll xác nhận trang này đã đăng 6 bài viết của Sigley từ tháng 1 đến tháng 4 nhưng nội dung chỉ là quan điểm chuyên sâu về cuộc sống ở Bình Nhưỡng chứ không mang tính chính trị. "Chúng tôi bác bỏ cáo buộc sai lầm rằng những bài viết đó là hành vi chống lại nhà nước Triều Tiên", ông O'Carroll lên tiếng.
Reuters đưa tin, sau khi hay tin Sigley "mất tích" ở Bình Nhưỡng, Australia đã nhờ Thuỵ Điển hỗ trợ. Phái viên Thuỵ Điển Kent Harstedt đã được cử đến Bình Nhưỡng để thuyết phục Triều Tiên trả tự do cho Sigley.
Thanh Hảo