Trước đó hôm 9/5, Triều Tiên đã phóng hai quả tên lửa từ căn cứ tên lửa Sino-ri nằm cách biên giới với Hàn Quốc khoảng 210km về phía Bắc. Trong thông báo của Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết, cả hai đều là tên lửa tầm ngắn.
Theo nhận định của ông Marcus Schiller, chuyên gia Đức về tên lửa đạn đạo Triều Tiên, tên lửa Bình Nhưỡng thử nghiệm hôm 9/5 có các đặc điểm giống với tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander do Nga thiết kế và chế tạo.
Tên lửa Iskander của Nga khai hỏa. Ảnh: RT |
Tuy có bề ngoài khá giống với Iskander, nhưng hiện vẫn chưa rõ loại tên lửa mới được Triều Tiên phóng thử được nhập từ Nga hay là một phiên bản do Bình Nhưỡng tự sản xuất.
9K720 Iskander là tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến dịch, chiến thuật do Nga chế tạo. Đây là loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn có khả năng tàng hình. Kỹ thuật tàng hình áp dụng ở Iskander là kỹ thuật plasma, nó có thể tạo ra một lớp mây trung tính về điện bao quanh đầu đạn khiến cho các sóng radar bị mất khả năng phản hồi. Qua đó khiến hệ thống phòng không đối phương khó phát hiện ra hướng bay của đầu đạn.
Tên lửa Iskander của Nga khai hỏa. Ảnh: RT |
Iskander còn được trang bị một hệ thống điều khiển thông minh, có thể cho phép đầu đạn bay lượn linh hoạt. Tên lửa có tầm bắn tối đa là 480km, độ chính xác cực kì cao khi được hệ thống định vị toàn cầu GLONASS dẫn đường.
Nhờ vậy mức độ sai số tối đa (CEP) của Iskander chỉ trong khoảng 5-7m. Do đó, khả năng tấn công và phá hủy mục tiêu đối phương của loại vũ khí là gần như tuyệt đối.
Theo giới phân tích, việc Triều Tiên gần đây tiến hành các vụ thử vũ khí và tên lửa nhằm phát đi các tín hiệu trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân bị đình trệ.
Bình Nhưỡng muốn gây sức ép nhằm buộc Washington phải có hành động cụ thể hơn trong việc đàm phán. Đồng thời, họ cũng muốn thể hiện sức mạnh quân sự, nhằm cho thấy hình ảnh một đất nước có tiềm lực quốc phòng, thừa khả năng đương đầu với các đe dọa bên ngoài.
Tuấn Trần