Giới chuyên gia nhận định, cấu trúc địa lý tại bãi thử Punggye-ri của Triều Tiên đã bị ảnh hưởng nặng nề sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 hồi đầu tháng 9. Bình Nhưỡng sẽ không thể tiếp tục xem đây là vị trí lý tưởng để thử vũ khí hạt nhân.
Theo giới chuyên gia, hàng loạt rung chấn cùng hiện tượng lở đất xuất hiện gần bãi thử Punggye-ri của Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6, đã khiến khu vực này không còn là địa điểm lý tưởng để Triều Tiên thử nghiệm các loại vũ khí hạt nhân.
Cấu trúc địa lý tại bãi thử Punggye-ri đã bị ảnh hưởng nặng nề sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 vào đầu tháng 9 của Triều Tiên. |
Sáng sớm hôm 13/10, một trận động đất cũng đã được ghi nhận gần khu vực thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên. Theo Sputnik, trận động đất này có cường độ khá nhỏ nhưng đủ lớn để khiến các tòa nhà ở Nga và Trung Quốc cảm nhận được sự rung chuyển.
Theo Cơ quan khí tượng thủy văn Hoa Kỳ, trận động đất sáng 13/10 có cường độ khoảng 2,9 độ richter, trung tâm của trận động đất nằm cách Sungjibaegam khoảng 22,5km.
Đây là trận động đất quy mô nhỏ mới nhất nằm trong chuỗi chấn động được các nhà quan sát ghi nhận sau khi Bình Nhưỡng thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 tại bãi thử Punggye-ri hôm 3/9. Vụ thử này từng gây ra một trận động đất mạnh 6,3 độ richter.
Theo Reuters, hàng loạt trận động đất được ghi nhận sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên khiến các chuyên gia nghi ngờ vụ thử bom nhiệt hạch hay còn gọi là bom H đã có thể gây thiệt hại nặng nề cho khu vực vùng núi ở phía tây nước này.
"Vụ thử hạt nhân hôm 3/9 có sức nổ lớn gây ảnh hưởng tới hệ thống đường hầm dưới lòng đất ở khu thử Punggye-ri. Theo tôi, Punggye-ri hiện là khu vực không còn ổn định địa chất. Nếu Triều Tiên cho thực hiện thêm một vụ thử hạt nhân ở khu vực này, nó có thể gây ra tình trạng rò rỉ phóng xạ", Reuters dẫn lời nhà nghiên cứu Kim So-gu tại Viện Địa chấn học Hàn Quốc.
Còn theo trang web 38 North, hình ảnh hàng loạt các vụ sạt lở đất ở gần bãi thử Punggye-ri đã được các vệ tinh ghi lại sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên. Những hiện tượng này xuất hiện với số lượng lớn và có quy mô rộng hơn so với bất cứ vụ thử hạt nhân nào mà Bình Nhưỡng từng thực hiện ở đây.
Thậm chí, vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên từng tạo ra các dư chấn đủ lớn để cư dân sinh sống ở thành phố biên giới Diên Cát của Trung Quốc, khu vực nằm cách bãi thử Punggye-ri khoảng 200km, cảm thấy được sự rung lắc của mặt đất.
"Lý do Triều Tiên chọn Punggye-ri làm nơi thử vũ khí hạt nhân là vì khu vực này có địa chất ổn định và hiếm khi ghi nhận xảy ra các vụ động đất trong quá khứ. Tuy nhiên, các vụ động đất mức độ nhẹ xuất hiện trong thời gian gần đây cho thấy, vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên đã làm biến dạng cấu trúc địa lý khu vực", Giáo sư Hong Tae-kyung tại Đại học Yonsei ở Seoul nhận định.
Gần đây, cơ quan tình báo Hàn Quốc cho hay sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6, khả năng Triều Tiên đã sẵn sàng cho hai đường hầm khác đi vào hoạt động.
Cụ thể, Cơ quan tình báo Hàn Quốc cho biết hai đường hầm này bao gồm đường hầm mà Bình Nhưỡng sử dụng để thực hiện vụ thử hạt nhân đầu tiên và đã bị đóng cửa ngay sau đó. Đường hầm thứ hai từng được Triều Tiên sử dụng cho vụ thử hạt nhân lần thứ 5.
Trong khi đó, hồi tháng trước, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Ho ra tuyên bố ám chỉ Bình Nhưỡng sẽ thực hiện thêm một vụ thử "bom nhiệt hạch có sức công phá lớn chưa từng có" ngay trên Thái Bình Dương để đáp trả trước lời đe dọa "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo giới chuyên gia quân sự, việc một quả tên lửa có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân phát nổ trên Thái Bình Dương sẽ chứng minh thành công của chương trình hạt nhân của Triều Tiên cũng như trở thành lời khiêu khích và mối đe dọa lớn với các nước đối địch.
Giáo sư Hong nhấn mạnh một lý do khác khiến Triều Tiên từ bỏ ý định sử dụng bãi thử Punggye-ri cho vụ thử hạt nhân thứ 7 là sự hoạt động trở lại của núi lửa Paektu.
Núi lửa Paektu cao 2.744m nằm giữa Trung Quốc và Triều Tiên. Ngọn núi này phun trào lần gần nhất là vào năm 1903. Nhưng kể từ khi Triều Tiên thực hiện các vụ thử hạt nhân ở bãi thử Punggye-ri, nhiều chuyên gia đã bày tỏ lo ngại về khả năng các chấn động ở Punggye-ri có thể khiến núi lửa Paektu phun trào trở lại.
Theo Infonet
Mỹ-Hàn bắt đầu tập trận lớn 'chọc giận' Triều Tiên
Hải quân Mỹ và Hàn Quốc hôm 16/10 đã khởi động cuộc tập trận chung quy mô lớn ở ngoài khơi bán đảo Triều Tiên giữa lúc căng thẳng gia tăng.
Thế giới 24h: Nga, Mỹ kiên nhẫn với Triều Tiên
Nga và Mỹ tiếp tục các nỗ lực ngoại giao để kiềm chế căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên, gần 200 người thiệt mạng trong vụ nổ bom kép ở Somalia...là những thông tin nổi bật trong 24h qua.
Mỹ, Hàn tập trận sẽ kích Triều Tiên thử tên lửa
Tình báo Mỹ và Hàn Quốc đã phát hiện được các dấu hiệu cho thấy, Triều Tiên có thể đang chuẩn bị cho các vụ thử tên lửa mới, nhật báo The Dong-A Ilbo của Hàn Quốc đưa tin.
Vì sao tàu ngầm Mỹ là thách thức lớn với Triều Tiên?
Tàu ngầm chạy bằng hạt nhân USS Michigan của Mỹ đã tới cảng Busan, Hàn Quốc giữa lúc căng thẳng leo thang ở Bán đảo Triều Tiên.
Lý do Triều Tiên hướng hàng chục tên lửa về phía Trung Quốc
Triều Tiên vừa vận chuyển 30 quả tên lửa Scud từ Hwangju ở phía nam thủ đô Bình Nhưỡng tới Nampo ở phía Tây nước này.