Ngày 17/10, ông P.M.T 55 tuổi (Tiền Giang) đang được theo dõi sát tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng tỉnh, sinh hiệu ổn định và chiều hướng có cải thiện. Bệnh nhân vẫn thở máu và lọc máu liên tục. Ông T. là một trong 3 trường hợp nghi ngộ độc cấp sau khi uống sữa bột tại nhà. Trước đó, mẹ và em trai ông đã tử vong sau khi uống sữa cùng một loại với bệnh nhân.
Cụ thể, ngày 14/10, cụ bà P.T.P. (83 tuổi) phát hiện con ruột là ông P.V.Y. (45 tuổi) nằm chết. Người nhà tưởng ông Y. tử vong do bệnh lý nên không trình báo chính quyền.
Đến tối cùng ngày, con gái pha cho cụ P. 100ml sữa. Sau khi uống sữa, cụ P. có biểu hiện tức ngực, khó thở và nôn ói. Khoảng 5 phút sau, cụ tử vong tại nhà. Gia đình nghĩ cụ P. mất do bệnh lý nên không trình báo công an.
Ngày hôm sau, ông P.M.T. (55 tuổi, con cụ P.) đến phụ đám tang. Tại đây, ông T. cũng pha 150ml sữa uống. Khi uống được khoảng 50ml sữa, ông bị nhức đầu, chóng mặt, nôn ói nên được đưa đi cấp cứu.
Sau đó, ông T. được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) trong tình trạng rất nặng: tổn thương gan, thận, phổi, cơ tim; thở máy và phải lọc máu hấp phụ.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh sử của ông P.M.T phức tạp. Người mẹ và em trai của ông lần lượt tử vong, khả năng có liên quan đến một loại sữa bột, trong khi trước đó đều khỏe, sinh hoạt bình thường.
Các bác sĩ nhận định đây là bệnh cảnh ngộ độc cấp dẫn đến tổn thương đa tạng, suy hô hấp cấp. Tuy nhiên, vẫn chưa xác định được độc chất.
Trao đổi với VietNamNet, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố, có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngộ độc sữa.
Thứ nhất, sữa bị nhiễm khuẩn tụ cầu, Salmonella, E.coli, nhiễm nấm... gây ngộ độc. Thứ hai, sữa có độc chất, nguồn gốc không rõ ràng, chưa được kiểm định về độ an toàn; hoặc nồng độ hoạt chất trong sữa quá cao, hoặc sữa biến chất tạo ra các chất chuyển hóa và gây ngộ độc.
Người bị ngộ độc sữa có một số triệu chứng rối loạn tiêu hóa như nôn ói, đau bụng, tiêu chảy... Tiêu chảy nặng và kéo dài sẽ khiến người bệnh mất nước và truỵ tim mạch, diễn tiến nguy hiểm.
Với nhóm nguyên nhân ngộ độc sữa do độc chất, người bệnh có thể bị tổn thương gan thận, tổn thương não, suy hô hấp, suy tuần hoàn, tiểu ít, vàng da, hôn mê và co giật. Người bệnh phải được cấp cứu kịp thời và hỗ trợ hô hấp, hỗ trợ tuần hoàn, bù dịch, lọc máu (nếu có tổn thương đa cơ quan).
Cũng theo bác sĩ Tiến, để tìm ra nguyên nhân, phải tiến hành phân chất, kiểm định về mặt vi sinh xem có vi khuẩn hay vi nấm và tìm độc chất trong sữa.
Hiện tại, Công an huyện Cái Bè (Tiền Giang - nơi xảy ra sự việc) đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ liên quan đến khám nghiệm, thu giữ các đồ vật, tài liệu có liên quan để phục vụ công tác điều tra. Mẫu sữa cũng được gửi đi giám định.
Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) đã có công văn đề nghị Sở Y tế tỉnh Tiền Giang khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương tiến hành truy xuất nguồn gốc sản phẩm sữa nghi ngờ. Kiểm tra cơ sở sản xuất và dừng việc lưu thông sản phẩm, lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm nếu sản phẩm nghi ngờ sản xuất, kinh doanh ở địa phương.
Đồng thời, đề nghị Sở Y tế tỉnh Tiền Giang xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm, đình chỉ cơ sở sản xuất sản phẩm sữa nghi ngờ ngộ độc (nếu phát hiện).