- Ho là căn bệnh thường mắc vào mùa đông gồm nhiều loại: ho rát cả họng, đau cổ, ho sù sụ, ho khản cả tiếng, ho khò khè... Ho là triệu chứng của nhiều căn bệnh. Trong đó, có hai loại ho chính là ho khan và ho có đờm.


Ho khan thường gây ngứa cổ họng và không có đờm. Bệnh nhân có thể bị khàn giọng hoặc mất giọng. Ho khan thường có nguyên nhân khi bệnh nhân hít phải những loại khói bụi gây kích thích hoặc khói thuốc, khói than, mùi hóa chất hoặc dị ứng do thời tiết thay đổi đột ngột. 

Ho khan do tình trạng nhiễm vi rút, do cảm cúm hoặc do một số bệnh khác như hen phế quản, trào ngược dạ dày, thực quản, suy tim. Bệnh nhân ho khan thường vẫn cảm thấy khỏe mạnh, không có cảm giác nặng ngực và khó thở. 

Ho có đờm khiến bệnh nhân thấy nặng ngực, cơn ho thường ra một chất nhầy và đờm. Bệnh nhân nghẹt thở, khó thở và mệt mỏi. Các triệu chứng tăng lên khi đi bộ hoặc nói chuyện. Ho đờm có thể là triệu chứng còn lại sau khi viêm họng, viêm mũi và viêm xoang...

{keywords}


Mỗi loại bệnh ho có cách điều trị khác nhau. Nhiều bệnh nhân thường tự ý mua thuốc kháng sinh về tự điều trị mà không cần chỉ định của bác sĩ, nên đôi khi không chữa khỏi mà tiền mất, bệnh nặng thêm.

Người bệnh ho nên uống nhiều nước hàng ngày, tránh môi trường khô, lạnh, tránh các yếu tố kích thích như khói thuốc, khói than, bụi, mùi khí lạ, hơi nóng. Không nên ăn đồ ăn quá nóng gây kích thích vòm họng. Luôn biết cách giữ ấm cổ, ngực. Nên dùng xông hơi nóng, có tinh dầu bạc hà, khuynh diệp, hít ngửi hơi nóng sẽ giúp làm loãng chất nhầy, chất đờm đặc giúp họ khạc ra đờm dễ dàng hơn. Nên nghỉ ngơi nhiều, ăn hoa quả, uống nước cam, chanh, ăn tỏi, hành, hẹ để hỗ trợ thêm.

Dùng thuốc trị ho cho trẻ em phải vô cùng thận trọng, đặc biệt là các loại thuốc có chứa chất gây nghiện.

Nếu ho kéo dài hơn một tháng, điều trị bằng thuốc không thuyên giảm kèm theo sốt, ho ra máu, khó thở, đau tức ngực khi ho,... cần đến gặp bác sĩ để có chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đặc biệt chú ý với những bệnh nhân có tiền sử hen, lao phổi, huyết áp tăng, đau dạ dày, sụt cân nhiều nên đến bác sĩ tìm nguyên nhân để điều trị tận gốc như: hen, viêm phế quản mạn, suy tim sung huyết, viêm phổi, lao phổi, viêm họng, viêm amidan, ung thư phổi...

Luôn giữ ấm cơ thể vào mùa đông. Có chế độ luyện tập thể dục thể thao hợp lý để tăng cường sức khỏe. Ăn uống hợp vệ sinh, giữ gìn về sinh răng miệng tốt để cơ thể có đủ sức khỏe và sức đề kháng để chống lại các tác nhân từ môi trường cũng như vi khuẩn, vi rút. Cần tạo một môi trường sống trong sạch, lành mạnh để có sức khỏe chống lại nhiều loại bệnh tật trong đó có bệnh ho.

Nguyễn Quốc Khánh