Hội tụ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”, nhiều khu dân cư và resort, tuy đã là những mảng xanh tuyệt đẹp trên bản đồ Vĩnh Phúc nhưng vẫn không ngừng nỗ lực nhắm đích Đô thị Xanh.
Dấu ấn đô thị xanh Vĩnh Yên
Thành phố Vĩnh Yên- trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh, trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX đã đề ra mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2020, Vĩnh Yên cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại I, hướng tới đô thị xanh, xứng đáng là đô thị trẻ, đô thị trung tâm của tỉnh Vĩnh Phúc”. Có nghĩa, ngoài các con số về thu ngân sách, nhịp độ tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người…thì Vĩnh Yên sẽ còn được đánh giá dựa trên cả công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng giao thông.
Tại Vĩnh Yên, công tác quy hoạch tổng thể và chi tiết được thực hiện nhanh, nhiều công trình được xây dựng tạo điểm nhấn cho thành phố như: Khu Sông Hồng Thủ đô, Công viên quảng trường nhà hát, cải tạo Đầm Vạc, đường song song với đường sắt… Trong đó, Công viên quảng trường tỉnh nằm trong tổng thể kết nối nhiều công trình văn hóa thể thao khác nhau như Nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc, Nhà thi đấu tỉnh Vĩnh Phúc và Đài tưởng niệm chính là điểm nhấn trước cửa ngõ vào trung tâm thành phố, đầu mối giao thông đối ngoại, tạo lập một không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng, một không gian xanh trong lòng đô thị Vĩnh Yên. Đến hết năm 2017, thành phố đã đạt 9,86m2 diện tích cây xanh bình quân trên đầu người, trong khi tiêu chuẩn đạt đô thị loại I với tiêu chí này từ 10 - 12m2 cây xanh/người.
Để tiến tới đích đô thị xanh, thời gian tới, Vĩnh Yên sẽ tiếp tục tăng cường củng cố, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; tập trung nâng cao chất lượng đô thị, trong đó ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị, xã hội và văn hóa, văn minh đô thị. Trước mắt, trong năm 2018, thành phố phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 16,7% so với năm 2017; thu nhập bình quân đầu người khoảng 6.400 USD; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,22%. Riêng đối với chỉ tiêu về môi trường, phấn đấu đưa tỷ lệ xử lý chất thải đạt 95%; tỷ lệ hộ dân dùng nước sạch đạt 88% và nâng diện tích cây xanh bình quân đầu người lên 10,2m2.
Những dự án BĐS xanh
Không chỉ thành phố Vĩnh Yên, các khu đô thị, resort tại Vĩnh Phúc để được cấp phép, đều phải đảm bảo yêu cầu xây dựng gắn liền với phát triển bền vững môi trường. Các dự án BĐS đều được xây dựng với khởi nguồn là những mảng xanh chủ đạo, trau chuốt kỹ càng từng chi tiết cảnh quan theo mô hình “kiến trúc xanh”. Như Flamingo Đại Lải Resort, như một dải lụa trải dài trên 123ha với 5km tiếp giáp mặt nước, bên sườn núi Tam Đảo, bao bọc xung quanh bởi trên 10.000ha rừng tự nhiên.
Tại Flamingo Đại Lải Resort, một trạm quan trắc khí tượng đã được xây dựng nhằm kiểm soát và dự đoán các nguy cơ về khí hậu, thiên nhiên, giám sát những rủi ro có thể tác động đến môi trường.
Không dừng lại ở đó, hàng loạt chuỗi hoạt động nhằm bảo tồn tài nguyên rừng như cải tạo lòng suối, mở rộng bán đảo, trồng rừng và đa dạng giống cây trồng bằng việc phát triển thêm các vườn ươm, phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch… đã diễn ra suốt năm 2018 tại Flamingo Đại Lải Resort. Song song với đó là các giải pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng đèn và các thiết bị năng lượng mặt trời, hạn chế tối đa và gần như không xuất hiện việc sử dụng các loại hoá chất, chỉ sử dụng vi sinh…
Bằng các mảng xanh thiên nhiên ưu đãi và tự tay xây dựng, với nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng xanh an toàn, bền vững, Vĩnh Phúc đang duy trì tốt tốc độ tăng trưởng kinh tế, thực hiện khá đồng bộ quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc của nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh để tiến gần hơn tới đích “đô thị xanh” vào năm 2020.
Q.Hiếu