Chuỗi các sản phẩm mới
Nguồn lực vị trí địa lý, theo hướng Bắc - Nam, Tây Ninh cùng với Bình Phước là hai tỉnh của Nam bộ có vị trí cầu nối giữa cao nguyên Nam Trung bộ với đồng bằng Nam bộ. Theo hướng Đông-Tây, Tây Ninh có vị trí độc đắc là cửa ngõ của hành lang Xuyên Á, cầu nối giữa TP. Hồ Chí Minh với thủ đô Phnom Penh (mặc dù toàn Nam bộ có tới 6 tỉnh giáp ranh và kết nối với Campuchia thông qua 28 cửa khẩu).
Nguồn lực thiên nhiên, Tây Ninh cùng với An Giang là hai tỉnh của Nam bộ có núi cao, trong đó, Tây Ninh là tỉnh có núi cao nhất (núi Bà Đen cao 986m), được mệnh danh là nóc nhà của Nam bộ.
Vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh phối hợp với Liên đoàn Dù lượn thể thao Thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan tổ chức bay dù lượn thể thao biểu diễn tại khu vực bãi bồi, Ngã 3 bờ hồ Dầu Tiếng, thuộc huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh đã thu hút hàng ngàn người dân đến xem.
Hồ Dầu Tiếng có địa hình xung quanh không chướng ngại vật, không gian thoáng mát, rộng lớn, giúp người bay thoải mái trải nghiệm ngắm toàn cảnh hồ Dầu Tiếng và núi Bà Đen. Đây là lợi thế rất lớn để bộ môn thể thao này có thể phát triển sớm ở vùng đất Tây Ninh trong tương lai, tạo thêm một sản phẩm du lịch trải nghiệm độc đáo thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Đây là sản phẩm đầu tiên trong chuỗi các sản phẩm mới, độc đáo mà ngành Du lịch tỉnh Tây Ninh đang triển khai xây dựng như là bước thử nghiệm cho hoạt động thành lập Trung tâm thể thao hàng không tại tỉnh Tây Ninh và phát triển du lịch giải trí mới.
Nói về nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa ở Tây Ninh, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, Tây Ninh là một vùng đất địa linh, có tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tiềm năng về du lịch.
Tiềm năng đầu tiên phải nói đến là tài nguyên từ di sản lịch sử - văn hóa; từ vị thế địa - văn hóa và quá trình lịch sử của Tây Ninh, có thể nhận thấy Tây Ninh có 3 đặc trưng mà các nhà khoa học gọi là các “ADN” để làm nên bản sắc văn hóa và cũng là một lợi thế lớn để phát triển du lịch.
Quần thể Khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen với diện tích bán kính rộng 24 km2, gồm 3 ngọn núi là núi Bà, núi Phụng và núi Heo tạo thành, trong đó núi Bà có độ cao 986m, là ngọn núi cao nhất Nam Bộ; Tòa Thánh Cao Đài, là nơi thờ tự cấp trung ương của đạo Cao Đài; Di tích Quốc gia đặc biệt - Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam.
Đặc biệt, hồ Dầu Tiếng với tổng diện tích mặt hồ rộng 270 km2, sức chứa 1,58 tỷ m3 nước, với đặc trưng có đảo nhím giữa lòng hồ Dầu Tiếng rộng trên 1.000 ha... như một hồ nhân tạo lớn nhất khu vực Đông Nam Á với những đảo nhỏ trong lòng hồ và thiên nhiên hùng vĩ bên cạnh hồ là địa điểm lý tưởng để thực hiện dự án xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng và phát triển các trò chơi, hình thức thể thao trên nước.
Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát và nhiều di tích cấp tỉnh ghi đậm văn hóa từ thời kỳ văn hóa Óc Eo với hơn 1.000 năm tuổi đến nay. Dòng sông Vàm Cỏ hoang sơ với cảnh quan làng quê thơ mộng và Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát khi được khai thác trong một dự án xây dựng tuyến du lịch sinh thái Vàm Cỏ - Lò Gò - Xa Mát và kết nối với các điểm đến khác thành một chuỗi giá trị du lịch sẽ giúp Tây Ninh lột xác, vươn mình trở thành một hình mẫu phát triển du lịch đặc biệt ở Nam bộ.
Được biết Khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen, đang được đầu tư các hạ tầng cáp treo chinh phục đỉnh núi Bà Đen, với nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới, tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất châu Á và thảm hoa rợp sắc bao phủ trên đỉnh núi Bà Đen. Riêng dịp lễ 30/4, 1/5, núi Bà Đen, Tây Ninh đã thu hút trên 130.000 lượt khách đến tham quan, trong đó sử dụng các dịch vụ cáp treo đạt trên 100.000 lượt khách. Tới đây, khi núi Bà Đen được lột xác hoàn toàn từ chân núi lên đến đỉnh núi, núi Bà Đen đã trở thành điểm đến với hàng vạn khách du lịch vào ngày nghỉ, Lễ, Tết và đã trở thành điểm đến hấp dẫn nhất trong vùng Đông Nam bộ.
Triết lý 3 bước
Tây Ninh có nguồn tài nguyên du lịch nhân văn đa dạng cùng hệ thống dịch vụ du lịch ngày càng được cải thiện. Tính đến nay, tỉnh đã có 80 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, trong đó có 23 di tích cấp quốc gia. Trên địa bàn tỉnh hiện đã hình thành khá nhiều điểm, khu du lịch có sức hấp dẫn lớn du khách như: khu Di tích lịch sử văn hóa - Danh thắng và Du lịch Núi Bà Đen, khu Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Tòa Thánh Cao Đài, Di tích lịch sử - văn hóa tháp Chót Mạt, Hội xuân Núi Bà,...
Để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của ngành Du lịch, các cấp lãnh đạo tỉnh Tây Ninh đặc biệt quan tâm đến hoạt động đầu tư và xúc tiến du lịch, tập trung chủ yếu vào 3 lĩnh vực: Xúc tiến đầu tư phát triển hạ tầng du lịch; Xúc tiến đầu tư phát triển sản phẩm du lịch; Xúc tiến xây dựng và phát triển các tour, tuyến du lịch trong tỉnh, kết nối với các địa phương trong nước và quốc tế.
Trong đó, hoạt động đầu tư xây dựng, chỉnh trang cơ sở hạ tầng tại các điểm du lịch cho thấy hiệu quả cao nhất. Từ nguồn ngân sách địa phương, vốn của các doanh nghiệp tư nhân và sự hỗ trợ của Chính phủ, cơ sở hạ tầng tại một số điểm du lịch trọng yếu đã được đầu tư xây mới hoặc nâng cấp, nhiều khu di tích lịch sử - văn hóa được trùng tu, tôn tạo.
Một số dự án đầu tư vào du lịch tiêu biểu ở Tây Ninh trong giai đoạn này là: Dự án xây dựng hệ thống cáp treo mới theo công nghệ châu Âu tại Khu Di tích lịch sử văn hóa - Danh thắng và Du lịch Núi Bà Đen; Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng Khu Di tích lịch sử - văn hóa Căn cứ Dương Minh Châu; Công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử địa đạo An Thới.
Ngoài ra, trong giai đoạn này cũng còn khá nhiều dự án đầu tư cho du lịch khác như việc phục dựng, chỉnh trang hệ thống kiến trúc trong Khu Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (nhà ở tập thể, nhà khách, nhà ăn,...), dự án đại trùng tu, tôn tạo tổng thể chùa Thiền Lâm (hay chùa Gò Kén),... Gần đây nhất, trong năm 2017, để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và giữ gìn bản sắc văn hóa cổ Tây Ninh, hai di tích tháp cổ Bình Thạnh và Chót Mạt cũng đã được tu bổ, tôn tạo.
Để thực hiện mục tiêu đến năm 2030 đưa du lịch Tây Ninh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, chiến lược tăng tốc phát triển du lịch Tây Ninh trên nền tảng một tầm nhìn hệ thống - tổng thể cho phép giải quyết hai nghịch lý cơ bản nêu trên chỉ có thể được xây dựng trên cơ sở một triết lý bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá Tây Ninh. Triết lý đó không gì khác hơn là từ nhận diện bản sắc đến tích hợp nguồn lực đa dạng để tăng tốc phát triển du lịch. Triết lý này gồm ba bước:
Bước một, nhận diện bản sắc, là sự đa dạng phong phú về nguồn lực, tới mức có thể xem Tây Ninh là một Nam bộ thu nhỏ;
Bước hai, tích hợp nguồn lực đa dạng, đây là bước trung tâm, quan trọng nhất. Để tránh phân tán, nguồn lực đa dạng này cần được phân loại, chọn lọc để giữ lại những giá trị đặc thù mang tính đại diện cao không chỉ cho Tây Ninh mà còn cho Nam bộ, thậm chí là cả nước. Tính đại diện cao này làm nên giá trị gia tăng, làm tăng sức hút, sức quyến rũ cho các sản phẩm du lịch. Những giá trị ít đặc thù hơn không bị loại bỏ mà sẽ được tích hợp theo nhiều cách để đưa vào những giá trị đại diện hoặc sẽ được phát huy như những giá trị vòng ngoài. Những giá trị mang tính đại diện này là cơ sở để hình thành các dự án xây dựng chuỗi giá trị đặc thù.
Bước ba, tăng tốc phát triển du lịch: Tây Ninh đang ở vào thời điểm vàng, khi hệ thống cáp treo và những công trình trên đỉnh núi Bà Đen đang đưa Tây Ninh vào tâm điểm sự chú ý của cả nước. Khu du lịch núi Bà Đen cũng cần có dự án hoàn thiện để khắc phục nghịch lý 1 đã nói ở trên. Dự án hoàn thiện khu du lịch núi Bà cùng các dự án xây dựng chuỗi giá trị đặc thù nêu trên hỗ trợ cho nhau, liên kết với nhau tạo thành một chuỗi sản phẩm trong một tour du lịch 2 ngày sẽ buộc du khách phải cân nhắc về quyết định lưu trú, khiến Tây Ninh trở thành một điểm đến hấp dẫn không chỉ với du khách trong nước mà với cả du khách quốc tế, không chỉ với du khách bình dân mà với cả du khách mọi đẳng cấp, giúp khắc phục nghịch lý 2.
Từ những tiềm năng có sẵn cùng với quyết tâm rất cao của lãnh đạo và nhân dân tỉnh Tây Ninh mở đường cho ngành du lịch bứt phá, chắc chắn, trong thời tới đây, Tây Ninh sẽ có nhiều đột phá, trở thành điểm dừng chân hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Tân Châu