Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2021, Chính phủ thống nhất cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn phòng, chống dịch COVID-19, tăng đầu tư phát triển và nhiệm vụ an ninh, quốc phòng cần thiết.

Trong tháng Năm, Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 đã tập trung chỉ đạo, trực tiếp kiểm tra, xử lý, tổ chức thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, cần thiết, phù hợp để tăng cường phòng, chống, khoanh vùng, cách ly, dập dịch và tích cực điều trị.

{keywords}
Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, ưu tiên dành nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch. Ảnh minh họa Đoàn Bổng

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, đặc biệt là các lực lượng tuyến đầu chống dịch, các địa phương nêu cao tinh thần “chống dịch như chống giặc”; kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công, tấn công là chủ động, là đột phá; phòng ngừa là cơ bản, chiến lược, thường xuyên, lâu dài, quyết định; tổng tiến công toàn diện, toàn lực, thần tốc, mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa ở những nơi có ổ dịch với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, lấy mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng, cuộc sống của người dân là chủ thể, là trung tâm và sự ổn định phát triển của doanh nghiệp lúc này là quan trọng; thực hiện nghiêm phương châm “vaccine + 5K” và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ toàn diện, rộng rãi, trong đó vaccine là yếu tố quyết định, do đó cần khẩn trương triển khai nhanh, hiệu quả chiến lược vaccine.

Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, ưu tiên dành nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch

Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, thận trọng, phù hợp, hài hòa, hợp lý, bảo đảm thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính-ngân sách nhà nước, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, ưu tiên dành nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch và các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, đột xuất khác.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm tối đa chi phí, tiếp tục giảm lãi suất cho vay để góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; đồng thời bảo đảm an toàn hoạt động tín dụng, ngân hàng; đẩy mạnh cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; sớm có phương án xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém; khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025.

Bộ Tài chính và Bộ Công Thương nghiên cứu, rà soát, chuẩn bị phương án phù hợp về thuế nhập khẩu, các biện pháp phòng vệ thương mại theo quy định đối với một số mặt hàng, nguyên vật liệu tăng giá mạnh; xác định rõ nguyên nhân và dự báo xu hướng giá trong thời gian tới, đề xuất chính sách, giải pháp phù hợp; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, thao túng giá, nhất là các mặt hàng biến động giá mạnh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Bổ sung nguồn phòng, chống dịch COVID-19

Chính phủ thống nhất với đề nghị của Bộ Tài chính tại văn bản số 103/TTr-BTC ngày 2/6/2021 về: Cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương (trừ các hoạt động quan trọng, cấp bách và phục vụ công tác phòng, chống dịch của các Bộ: Quốc phòng, Công an, Y tế, kinh phí hoạt động ngoại giao quốc gia khác của Bộ Ngoại giao) và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn phòng, chống dịch COVID-19, tăng đầu tư phát triển và nhiệm vụ an ninh, quốc phòng cần thiết.

Bộ Tài chính có báo cáo cụ thể Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/6/2021; báo cáo Quốc hội cho phép thu hồi các khoản kinh phí thường xuyên đã giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, nhưng đến ngày 30/6/021 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện (chưa phê duyệt dự toán, chưa tổ chức đấu thầu) và các khoản kinh phí thường xuyên chưa thực sự cần thiết để bổ sung nguồn dự phòng của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phục vụ chiến lược vaccine.../.

Lương Bằng