Giá trị của một đô thị không chỉ ở tính thực dụng và kinh tế mà còn ở chất lượng thẩm mỹ của không gian đô thị, chính vì vậy mà cảnh quan đô thị ngày càng trở thành đối tượng được quan tâm không chỉ của các cơ quan chuyên môn về quy hoạch và quản lý xây dựng đô thị mà của toàn xã hội.

Tổ chức không gian cảnh quan đô thị là một trong những nội dung quan trọng trong đồ án quy hoạch xây dựng đô thị; nhiệm vụ của nó là bố cục, sắp đặt các thành phần không gian và vật thể nhằm đạt được giá trị thẩm mỹ và môi trường trên cơ sở đáp ứng hài hoà các tiêu chi khác về công năng, bền vững và kinh tế.

W-anhhanoi.png
Hà Nội nhìn từ trên cao

Với bề dày hơn 1000 năm tồn tại và phát triển, Hà Nội là nơi có mật độ cao các công trình di tích, trong số này chủ yếu là di tích lịch sử kiến trúc - nghệ thuật. Đó là các đình - đền - chùa - miếu vừa có giá trị về cảnh quan tự thân, vừa là một nhân tố tạo lập cảnh quan chung, với một hình thái không gian truyền thống, góp phần tương phản và làm sinh động cho không gian xây dựng mới.

Hà Nội còn chứa đựng nhiều giá trị lịch sử có tác động sâu sắc đến cảm nhận về cảnh quan đô thị Hà Nội, đó là các truyền thuyết, các địa danh, những sự tích hoà trộn cả hư và thật... Người dân Hà Nội, người dân Việt Nam và cả người nước ngoài khi đến Hà Nội sẽ cảm nhận cảnh quan đô thị Hà Nội thông qua những hiểu biết về văn hoá - lịch sử của chốn kinh đô nghìn năm.

Thời gian qua, giới KTS đã dày công phân tích và đánh giá, chỉ ra các đặc điểm và giá trị của các yếu tố cảnh quan đô thị Hà Nội bao gồm các yếu tố tự nhiên, các yếu tố nhân tạo và các hoạt động của đô thị.

Trên cơ sở các đặc điểm cảnh quan đô thị của Hà Nội được nhận diện, các KTS nhấn mạnh việc có thể sử dụng một số giải pháp bố cục không gian đô thị để đáp ứng mục tiêu xây dựng một đô thị hiện đại và giàu bản sắc như sau:

Hà Nội là một thành phố nằm cạnh sông nên rất có lợi thế để tổ chức cảnh quan đô thị, nhất là dễ dàng tạo cảm nhận về bóng dáng chính của đô thị (nhận dạng theo đường bờ sông). Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt năm 2011 đã xác định sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô. Cùng với các giải pháp kỹ thuật hiện đại chỉnh trị chế độ thuỷ văn sông Hồng ở tầm vĩ mô, thành phố Hà Nội sẽ là thành phố nằm hai bên sông với ưu thế lớn về tổ chức cảnh quan là sông Hồng.

Hệ thống các hồ nằm trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng là một đặc điểm cảnh quan đô thị Hà Nội. Khu nội đô Hà Nội tồn tại một số lượng hồ ao tương đối lớn, các hồ ao này có qui mô rất khác nhau và phân bố rộng khắp trên địa bàn. Sông hồ và khu vực xung quanh thường được sử dụng làm công viên và nơi vui chơi giải trí, tạo cho Hà Nội vẻ đẹp riêng gắn với cảnh quan mặt nước. 

Các hồ hiện hữu của khu vực nội đô Hà Nội cũng tham gia điều hòa nước mưa, bảo vệ thành phố khỏi bị ngập lụt. Hà Nội là thành phố của những mặt hồ lung linh soi bóng các công trình, mà giá trị nhất là cảnh quan hồ Tây và hồ Gươm. Ngoài các tác dụng tự thân, cảnh quan tại các khu vực hồ sẽ khắc phục yếu điểm địa hình bằng phẳng của Hà Nội trong vấn đề cảm thụ không gian đô thị, thông qua khoảng không gian trống lớn có tính tự nhiên, làm tăng thêm chiều cao và tính ảo - động cho các công trình kiến trúc xung quanh. 

Tuy hiện nay hệ thống cây xanh hiện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của Hà Nội, nhưng điều kiện tự nhiên (khí hậu, thổ nhưỡng…) và tâm lý của người dân Hà Nội là thuận lợi cho sự phát triển hệ thống cây xanh để góp phần làm phong phú cho cảnh quan đô thị Hà Nội.

Hà Nội được thiên nhiên ban tặng cho một hệ sinh thái sông nước với một khung tự nhiên đã hình thành bởi mối quan hệ sông, hồ, và kênh mương. Công nghiệp hóa và đô thị hóa với các hoạt động của con người đang phủ lên trên đó một lớp bụi mà chúng ta cần có thời gian để làm sạch trở lại, giúp cảnh quan của Hà Nội không chỉ có bản sắc của lịch sử với hình ảnh phố cổ, phố cũ, mà còn là bản sắc của thiên nhiên với cảnh quan sông hồ trong lòng thành phố. 

Thuý Tình và nhóm PV, BTV