Thị trường đồng khởi đầu năm 2023 khá tích cực nhờ triển vọng tiêu thụ khi Trung Quốc tái mở cửa sau thời gian dài chống chọi với dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, giá suy yếu đáng kể từ cuối tháng 1 và chỉ phục hồi sau hai phiên gần đây.
Giá đồng kết thúc tháng 2 tại mức 9.015,79 USD/tấn, tăng 7,21% so với đầu năm nhưng giảm 9,06% so với cùng kỳ năm ngoái.
Triển vọng tiêu thụ của Trung Quốc – động lực hay áp lực?
Nếu tại thời điểm này năm 2022, giá đồng tăng mạnh mẽ để hướng tới đỉnh cao nhất mọi thời đại là 10.880 USD/tấn do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra, thì triển vọng tăng giá của năm nay có phần khiêm tốn hơn. Fitch Solutions dự báo giá đồng trung bình trong năm 2023 đạt 8.500 USD/tấn.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đà giảm của giá đồng trong thời gian gần đây xuất phát từ tâm lý lo ngại trước việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất và làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu. Đồng vốn là nguyên liệu đầu vào quan trọng cho nhiều ngành sản xuất công nghiệp, xây dựng, bất động sản,... nên những lo ngại này đã gây tác động tiêu cực đến giá.
Bên cạnh đó, triển vọng tăng trưởng thiếu chắc chắn của Trung Quốc cũng là một yếu tố khác khiến nhu cầu tiêu thụ đồng chưa thể phục hồi một cách mạnh mẽ. Hiện tồn kho đồng trên Sở Giao dịch Kỳ hạn Thượng Hải đã tăng hơn 5 lần từ mức 27.347 tấn lên 140.809 tấn.
Đáng chú ý, mức tồn kho này chỉ thấp hơn so với năm 2020, giai đoạn bùng phát của đại dịch Covid-19. Theo S&P Global, sự gia tăng nguồn cung đồng phế liệu cũng góp phần vào tình trạng dư cung tại thị trường Trung Quốc. Số liệu tồn kho tăng phản ánh nhu cầu tiêu thụ đầu năm nay của Trung Quốc vẫn yếu hơn so với kỳ vọng và chưa thể làm động lực tăng trưởng đối với giá đồng.
Nguồn cung ngoài Trung Quốc gặp khó
Nếu như nguồn cung tại nhà tiêu thụ số một thế giới đang dư thừa thì nguồn cung đồng bên ngoài Trung Quốc eo hẹp hơn, do việc ngừng hoạt động để bảo trì tại hàng loạt các nhà máy lớn trên toàn cầu. S&P Global cũng tiến hành cắt giảm mức thặng dư đồng trong năm 2023 từ 202.325 tấn xuống còn 77.325 tấn.
Lượng dự trữ đồng tại Sở LME chỉ còn hơn 17.000 tấn, đang ở mức thấp nhất trong vòng 18 năm. Còn dự trữ trên Sở COMEX đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2015. Đà giảm của tồn kho trên 2 sở này hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Các nhà phân tích cũng cảnh báo nguy cơ thâm hụt nguồn cung đồng, khi mà các hoạt động sản xuất tại hai nước xuất khẩu lớn nhất thế giới là Chile và Peru bị gián đoạn vì các bất ổn xã hội. Tại Indonesia, lượng mưa lớn và lũ lụt khiến mỏ đồng lớn thứ hai thế giới Grasberg phải ngừng hoạt động. Những yếu tố này dù không hỗ trợ nhiều cho giá trong ngắn hạn nhưng là một lực đỡ giúp giá đồng không giảm quá mạnh và củng cố triển vọng tăng trong dài hạn.
Năng lượng xanh thay thế lĩnh vực xây dựng làm lực đẩy mới
Theo ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hoá Việt Nam, mặc dù nhu cầu tiêu thụ đồng có thể phục hồi mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2023, cùng lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc nhưng để giá đồng thực sự bứt phá, nhu cầu tiêu thụ cần sự hỗ trợ đến từ cả lĩnh vực năng lượng xanh.
Hãng tin Bloomberg cho biết, chi tiêu cho cuộc chuyển đổi xanh của Trung Quốc đã tăng 70% trong năm 2022. Số liệu của S&P Global cũng chỉ ra nhu cầu tiêu thụ đồng sẽ tăng trưởng đều đặn hàng năm, ở mọi khu vực trên thế giới và sẽ cán mốc 30 triệu tấn/năm vào năm 2027, cao hơn 18,5% so với mức 25,2% của năm 2021.
Fitch Solution dự báo tới năm 2031, doanh số bán xe điện toàn cầu sẽ tăng 279% so với năm 2021 và đạt 24,7 triệu chiếc mỗi năm. Tuy nhiên, tổ chức này nhận định rằng tình trạng thiếu hụt có thể sẽ không nghiêm trọng, bởi nhiều dự án đồng sẽ đi vào hoạt động trong những năm tới, ở Chile, Peru, Úc và Canada.
Các tin tức và số liệu vẫn cho thấy tầm quan trọng của đồng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, với ngày càng nhiều những yếu tố không chắc chắn từ cả hai phía cung và cầu, giá đồng có thể sẽ ở trạng thái giằng co trong năm nay.