Bức tranh kinh tế vĩ mô tiếp tục chi phối giá dầu thô
Theo số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), giá dầu WTI trên sở NYMEX đóng cửa ngày 6/6 ở mức 71,7 USD/thùng, giảm đáng kể từ mức 75 USD/thùng sau ảnh hưởng từ cuộc họp OPEC+. Giá dầu Brent trên sở ICE chốt phiên ở mức 76,3 USD/thùng.
Nhóm OPEC+ đã đồng thuận gia hạn toàn bộ mức cắt giảm tự nguyện sản lượng dầu thô 3,66 triệu thùng/ngày cho tới cuối năm 2024, và điều chỉnh giảm mức hạn ngạch trong năm 2024 thêm 1,4 triệu thùng/ngày. Saudi Arabia, thủ lĩnh của nhóm tuyên bố sẽ cắt giảm tự nguyện thêm 1 triệu thùng/ngày trong tháng 7 và có thể gia hạn trong trường hợp cần thiết.
Tuy nhiên, điều này dường như không tạo ra quá nhiều chất xúc tác cho thị trường như kỳ vọng. Giá dầu WTI mở cửa tăng vọt 3 USD/thùng sau cuộc họp, nhưng gần như ngay lập tức quay đầu giảm sau đó. Lo ngại tăng trưởng kém tích cực tại các nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn đè nặng lên triển vọng tiêu thụ dầu.
Đối với nền kinh tế Mỹ, nguy cơ vỡ nợ sẽ không xảy ra khi dự luật trần nợ đã được thông qua, tuy nhiên, những hạn chế đối với chi tiêu ngân sách sẽ tạo ra áp lực đáng kể. Chi tiêu Chính phủ Mỹ đã đóng góp gần 30% trong tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý I.
Hoạt động sản xuất tại quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới, Trung Quốc, tiếp tục thu hẹp trong tháng 5. Cụ thể, chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Trung Quốc giảm tháng thứ hai liên tiếp về 48,8. Nền kinh tế phục hồi chậm, trong khi nhu cầu dầu vẫn được đảm bảo bởi nguồn cung giá rẻ dồi dào từ Nga, đã làm giảm nỗ lực thu hẹp sản lượng từ phía các nước Trung Đông, đặc biệt là Saudi Arabia.
Quyết định của OPEC+ liệu có đủ sức kéo giá dầu?
Nếu thực hiện đúng như những cam kết đã đề ra, tổng mức cắt giảm của nhóm OPEC+ trong tháng 7 có thể lên tới 4,66 triệu thùng/ngày, tương đương 4,57% cơ cấu tiêu thụ toàn cầu.
Trong bối cảnh nhu cầu đối với dầu thô OPEC được kỳ vọng sẽ tăng mạnh trong 2 quý cuối năm, với nhu cầu trong quý III và quý IV được dự báo tăng lần lượt 1,44 triệu thùng/ngày và 2,05 triệu thùng/ngày so với quý II, việc cắt giảm thêm có thể sẽ khiến thị trường trở nên thâm hụt trong nửa cuối năm.
Báo cáo Triển vọng Năng lượng ngắn hạn (STEO) tháng 6 của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo nhu cầu và sản lượng gần như không đổi vào năm 2023, ở mức lần lượt là 101,1 triệu thùng/ngày và 101,37 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, cán cân cung cầu được tổ chức này điều chỉnh chuyển sang thâm hụt trong giai đoạn nửa cuối năm.
Mặc dù vậy, nguyên nhân chính dẫn đến quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+ bắt nguồn từ những lo ngại về suy thoái sẽ khiến tiêu thụ dầu suy yếu, trong khi bằng chứng cho sự phục hồi của Trung Quốc để kéo thị trường chuyển sang trạng thái thâm hụt nửa cuối năm vẫn chưa quá rõ ràng.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam cho biết: “Quyết định gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện và chỉ điều chỉnh giảm hạn ngạch cơ sở từ năm 2024 của OPEC+ cho thấy, sản lượng thực tế của nhóm ở thời điểm hiện tại sẽ không có quá nhiều biến động. Bên cạnh đó, các số liệu vĩ mô cũng phản ánh nhu cầu tiêu thụ khó có thể kéo giá dầu tăng cao trong ngắn hạn.”
Lạm phát Việt Nam hạ nhiệt khi áp lực từ giá năng lượng giảm bớt
Ở kỳ điều hành mới nhất ngày 1/6, giá xăng trong nước được điều chỉnh tăng nhẹ trong khi giá dầu giảm. Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 tăng 390 đồng/lít, lên 20.870 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 520 đồng/lít, lên mức 22.010 đồng/lít, trong khi đó giá dầu diesel giảm nhẹ 10 đồng/lít xuống 17.940 đồng/lít.
Tuy nhiên, với việc giá dầu thế giới đã giảm hơn 15% so với mức đỉnh trong tháng 4, giá xăng dầu trong nước giai đoạn nửa đầu năm nhìn chung ổn định dưới mức 24.000 đồng/lít, tạo điều kiện cho công cuộc kiểm soát lạm phát tại Việt Nam.
Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, CPI trong tháng 5 chỉ ghi nhận mức tăng nhẹ 0,01% so với tháng 4. Tuy nhiên, đà tăng đã chậm lại ở mức 2,43% so với cùng kỳ năm ngoái và là tháng giảm tốc thứ tư liên tiếp.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng được sử dụng để tính CPI, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng mạnh nhất với mức tăng 1,01% so với tháng 4. Ngành giao thông góp phần lớn nhất trong công cuộc kiểm soát lạm phát khi ghi nhận mức giảm 2,98% do giá xăng trung bình trong tháng 5 đã giảm 7,83% so với giai đoạn tháng 4.
“Trong tháng 6 sẽ không có quá nhiều chất xúc tác có thể đẩy giá dầu tăng vọt, nhưng xét về dài hạn, dư địa tăng đối với giá dầu thế giới vẫn còn khi các rủi ro từ yếu tố nguồn cung khó có thể dự báo trước. Đặc biệt, trong tháng 7, dưới góc nhìn từ phía OPEC, thị trường có thể sẽ thâm hụt nhẹ nếu Saudi Arabia cứng rắn trong việc cắt giảm thêm 1 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, nếu nền kinh tế Trung Quốc không phục hồi đúng như kỳ vọng, giá dầu WTI sẽ khó có thể vượt mức 80 USD/thùng”, ông Quang Anh đánh giá.
Với bức tranh cung cầu hiện tại, giá dầu trên thế giới được kỳ vọng sẽ ít có sự biến động mạnh như năm ngoái, giá xăng dầu trong nước cũng được kỳ vọng sẽ bình ổn sẽ tạo tiền đề cho công cuộc ổn định lạm phát tại Việt Nam.