Cùng với đó, mô hình gian hàng kết nối từ xa “remote booth” sẽ là sự lựa chọn phù hợp nhất cho các đối tác, doanh nghiệp nước ngoài không thể trực tiếp sang Việt Nam tham dự VIMEXPO lần này.
Triển lãm VIMEXPO năm 2020 thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia |
Do công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu – đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực như: cơ khí chế tạo; sản xuất, lắp ráp ô tô; điện tử; công nghiệp công nghệ cao; dệt may – da giày...
Chính vì vậy, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại các quốc gia cung ứng linh phụ kiện sản xuất chủ yếu cho Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản..., các ngành công nghiệp trong nước đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo đảm các yếu tố đầu vào cho sản xuất.
Phải đến khi các quốc gia nêu trên đã qua đỉnh dịch, nguồn cung ứng nguyên phụ liệu nhập khẩu cho các ngành sản xuất của Việt Nam mới được phục hồi. Thực trạng này sẽ không chỉ gây ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, mà sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến công nghiệp nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung trong dài hạn trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Vì vậy, phát triển công nghiệp hỗ trợ, từng bước tự chủ nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước là một trong những vấn đề cốt lõi để phát triển bền vững công nghiệp Việt Nam trong dài hạn.
Thuộc Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt,Triển lãm quốc tế lần thứ 2 về công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo Việt Nam – VIMEXPO 2021 do Bộ Công Thương chỉ đạo, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Công nghiệp - Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương chủ trì, Công ty Quảng cáo và Hội chợ Triển lãm CIS Vietnam tổ chức từ ngày 15 đến 17/12/2021 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế ICE Hanoi có quy mô trưng bày 7000m2 với 250 gian hàng của hơn 200 doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự.
Sự kiện sẽ là điểm kết nối cực kỳ quan trọng, tiếp tục góp phần hiện thực hóa mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, đảm bảo nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm trong nước.
Để thích nghi với những khó khăn, bất lợi do dịch COVID-19 gây ra, Ban tổ chức VIMEXPO 2021 đã sớm chủ động ứng dụng công nghệ, đa dạng hóa hình thức xúc tiến thương mại. Bên cạnh các gian hàng trưng bày trực tiếp kiểu truyền thống, lần đầu tiên xuất hiện gian hàng trực tuyến 2D được bố trí trên một trang thương mại điện tử (không có chức năng mua bán), có gắn tên, logo, hình ảnh, tài liệu, video giới thiệu sản phẩm hoặc dịch vụ, tăng khả năng giới thiệu kết nối sản phẩm…
Tại VIMEXPO 2021, nếu như triển lãm trực tiếp chỉ diễn ra trong 03 ngày, thì trên gian hàng trực tuyến 2D, thông tin của nhà trưng bày sẽ được lưu trữ trong 12 tháng. Các doanh nghiệp có thể tự cập nhật thông tin, live stream, live chat và kết nối giao thương trong suốt thời gian này. Các khách hàng cũng chỉ cần truy cập vào website và đăng ký vài bước đơn giản, là có thể trải nghiệm mọi hoạt động tại triển lãm mọi lúc, mọi nơi, trên mọi thiết bị thông minh.
Ngoài hai loại hình kể trên, VIMEXPO 2021 còn có các gian hàng kết nối từ xa “remote booth”. Gian hàng “remote booth” được hiểu đơn giản là đem lại một không gian giao thương “phi khoảng cách”, nơi các giao dịch vẫn được kết nối và trải nghiệm sản phẩm toàn vẹn. Phương thức này sẽ xóa bỏ “ranh giới” mà triển lãm ảo và kết nối giao thương trực tuyến thuần túy chưa tối ưu được.
Đặc biệt, tại các gian hàng kết nối từ xa, khách tham quan sẽ vẫn được trải nghiệm sản phẩm trưng bày và giao dịch với đại diện nhà trưng bày thông qua ứng dụng kết nối trực tuyến và có phiên dịch viên hỗ trợ tại chỗ.
Một trong những cơ sở để Ban tổ chức VIMEXPO 2021 triển khai đa dạng các hình thức triển lãm là sự thấu hiểu thị trường trong thời buổi dịch COVID-19 vẫn diễn biến khó lường, đi lại xuyên biên giới bị đình trệ nhưng nhu cầu mở rộng thị trường vẫn bức thiết, nhằm đem lại nhiều lựa chọn tham dự triển lãm mà vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch cho các đối tác, doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị không thể sang Việt Nam, giúp xóa bỏ mọi khoảng cách về không gian, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kết nối giao thương xuyên biên giới vô cùng linh hoạt.
Thu Ngân
Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ để giữ chân dòng vốn FDI
Trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp phải chuyển đơn hàng sang nước khác để bù đắp sự thiếu hụt linh kiện, việc tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng nội lực ngành sản xuất sẽ góp phần thu hút và giữ chân dòng vốn FDI.