Hải Phòng có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế thủy sản toàn diện về nuôi trồng, khai thác, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá với diện tích tiềm năng nuôi trồng thủy sản khoảng 42.000 ha (nước ngọt 10.200 ha; nước lợ 14.400 ha và nước mặn khoảng 17.400 ha).
Hệ thống sông ngòi của Hải Phòng có mật độ khá cao, được hình thành bởi các hệ thống sông chính là sông Bạch Đằng, Đá Bạc, Cấm… Đặc điểm của các sông khá phức tạp với dòng chảy chậm, lượng phù sa lớn, thường tạo thành những bãi bồi, đầm nước hoặc vùng trũng ven sông, thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản. Nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh ở cả ba vùng nước ngọt, lợ, mặn; giá trị sản lượng tăng đều hằng năm với các đối tượng nuôi có hiệu quả cao như tôm sú, tôm chân trắng, cua biển, cá biển… Từ đó, Hải Phòng đã và đang thực hiện các dự án chuyển đổi cơ cấu và phát triển theo mô hình kinh tế trang trại, vùng sản xuất tập trung, nuôi trồng thuỷ sản ứng dụng công nghệ cao.
Tuy nhiên, tại đây, nuôi trồng thủy sản đa số vẫn ở quy mô nhỏ, hộ gia đình, hình thức nuôi chủ yếu vẫn là quảng canh cải tiến, bán thâm canh. Diện tích nuôi thâm canh chỉ chiếm 20% tổng diện tích nuôi. Với quy mô hộ gia đình chiếm tỷ trọng lớn, nguồn lực kinh tế hạn hẹp nên việc đầu tư ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, công nghệ cao để đưa nuôi trồng thủy sản thành ngành sản xuất hàng hóa tập trung còn hạn chế.
Về chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng lực công nghệ của doanh nghiệp, các sở, ban, ngành trong Thành phố đã tham mưu UBND Thành phố, Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành Nghị quyết số 13/2017/NQ-HĐND ngày 13/7/2017 về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, thủy sản, kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho nông dân thành phố Hải Phòng giai đoạn 2017-2020 định hướng đến 2025; Nghị quyết số 14/2017/NQ-HĐND ngày 20/7/2017 của Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua Quy hoạch Khu, Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Hải Phòng giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030; huy động nguồn kinh phí ngoài ngân sách đầu tư cho khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; thu hút đầu tư xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tập trung đưa các dự án nuôi thủy sản thâm canh công nghiệp ở Phù Long, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Lão vào sản xuất.
Hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung các đối tượng: tôm chân trắng, cá vược - cá song trong ao đất, cá rô phi có diện tích 50 ha trở lên (nước ngọt: Kiến Thụy, Tiên Lãng, An Lão; nước lợ: Vĩnh Bảo, Thuỷ Nguyên, Dương Kinh, Cát Hải. Nhân rộng các mô hình, dự án nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao gắn với xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Triển khai chương trình áp dụng quy phạm thực hiện thực hành nuôi tốt (GAP), quy tắc ứng xử nghề cá có trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh thủy sản. Tăng cường các biện pháp quản lý, chuyển giao khoa học và công nghệ, tạo sản phẩm nuôi sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tiếp thu và chuyển giao công nghệ sinh sản nhân tạo, công nghệ nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế cao. Áp dụng kỹ thuật xử lý chất thải trong nuôi trồng thuỷ sản.
Bên cạnh đó, triển khai chương trình quan trắc và cảnh báo môi trường bệnh dịch làm công cụ quản lý và hướng dẫn các sở cơ sở nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững. Các công nghệ áp dụng phổ biến trong nuôi trồng thuỷ sản tại Hải Phòng: công nghệ ao nổi lót bạc HDPE, nhà bạt nuôi tôm qua đông, sử dụng máy khử trùng nước bằng tia cực tím, nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn bằng Biofloc… các công nghệ đang được thực nghiệm triển khai như ứng dụng: hệ thống nuôi tuần hoàn (RAS) trong nuôi tôm thẻ chân trắng; nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ Biofloc; ứng dụng công nghệ sinh học Biofloc trong nuôi cá rô phi nước lợ. Các mô hình cho lợi nhuận 200-800 triệu đồng/ha; đặc biệt, mô hình sản xuất giống thủy sản mặn, lợ đạt doanh thu trên 500 triệu đồng/hộ/năm.