4 nhóm nhiệm vụ CNTT cụ thể trong năm học mới
Bộ GD&ĐT vừa có hướng dẫn các Sở Giáo dục trong cả nước thực hiện nhiệm vụ CNTT năm học 2018-2019, với các nhiệm vụ trọng tâm gồm: Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025; Hoàn thiện cơ sở dữ liệu (CSDL) ngành Giáo dục về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên; tích hợp các hệ thống thông tin quản lý ngành hiện có vào CSDL ngành.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Năm học này, các Sở GD&ĐT cũng được yêu cầu tập trung triển khai đồng bộ các phần mềm quản lý trong các cơ sở giáo dục, kết nối liên thông dữ liệu với phần mềm CSDL ngành; tăng cường sử dụng hồ sơ điện tử; triển khai giải pháp tuyển sinh trực tuyến với các lớp đầu cấp học; Xây dựng và đưa vào sử dụng, khai thác có hiệu quả kho học liệu số toàn ngành, ngân hàng câu hỏi trực tuyến dùng chung và đóng góp vào Hệ tri thức Việt số hóa quốc gia; phát động giáo viên tham gia xây dựng bài giảng e-learning và đóng góp vào kho bài giảng e-learning trực tuyến toàn ngành.
Cũng theo hướng dẫn mới của Bộ GD&ĐT về nhiệm vụ CNTT, 4 nhóm nhiệm vụ được ngành giáo dục thực hiện trong năm học 2018-2019 gồm có: Ứng dụng CNTT trong các hoạt động điều hành và quản lý giáo dục; Ứng dụng CNTT hỗ trợ đổi mới nội dung, phương pháp dạy, học và kiểm tra đánh giá; Triển khai hạ tầng và thiết bị CNTT; Bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng CNTT cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.
Đưa vào sử dụng chính thức Cơ sở dữ liệu ngành giáo dục
Cụ thể, theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, triển khai nhiệm vụ ứng dụng CNTT trong các hoạt động điều hành và quản lý giáo dục, trong năm học này, CSDL ngành giáo dục (trước mắt gồm các phân hệ CSDL trường, lớp, đội ngũ, học sinh và một số phân hệ khác) sẽ được đưa vào sử dụng chính thức để phục vụ cung cấp số liệu thống kê và thông tin quản lý ngành. Tích hợp phần mềm thống kê số liệu quản lý giáo dục (EMIS) và phần mềm thống kê chất lượng giáo dục tiểu học (EQMS) vào CSDL ngành; đảm bảo 100% các cơ sở giáo dục và đào tạo báo cáo đầy đủ dữ liệu lên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành.
Đồng thời, tiếp tục duy trì có hiệu quả phần mềm quản lý hành chính điện tử e-Office kết nối tất cả Sở GD&ĐT với Bộ GD&ĐT phục vụ trao đổi thông tin, trao đổi văn bản điện tử, quản lý điều hành trên môi trường mạng. Triển khai phần mềm quản lý trường học tới 100% các cơ sở GD&ĐT, ưu tiên các mô-đun quản lý học sinh, quản lý đội ngũ, xếp thời khóa biểu; triển khai có hiệu quả phần mềm đánh giá học sinh tiểu học; tối thiểu 60% các cơ sở giáo dục phổ thông triển khai sử dụng hồ sơ điện tử (sổ điểm, học bạ, sổ liên lạc) phục vụ công tác quản lý và lưu trữ.
Tiếp tục sử dụng có hiệu quả hệ thống họp qua mạng dùng công nghệ web conferencing tại địa chỉ http://hop.moet.edu.vn; triển khai hệ thống hội nghị trực tuyến dùng công nghệ video conferencing kết nối với Bộ GD&ĐT; triển khai có hiệu quả hệ thống thông tin quản lý phổ cập giáo dục và chống mù chữ theo Thông tư 35 ngày 28/12/2017 quy định về quản lý, vận hành và sử dụng hệ thống thông tin quản lý phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại địa chỉ http://pcgd.moet.gov.vn.
Đặc biệt, năm học 2018-2019, ngành giáo dục sẽ tiếp tục duy trì và triển khai bổ sung các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là các dịch vụ công phục vụ phụ huynh, học sinh như dịch vụ xét tuyển học sinh đầu cấp (cung cấp đầy đủ các loại mẫu đơn, nộp hồ sơ trực tuyến, công khai danh sách đăng ký, công khai kết quả xét tuyển và trả kết quả qua mạng); Cung cấp miễn phí thông báo điểm học tập và rèn luyện qua tin nhắn OTT, email và website trường học (hạn chế sử dụng hệ thống nhắn tin thu phí qua điện thoại di động…
Tối thiểu 500 giáo viên đóng góp 1 bài giảng e-learning có chất lượng
Về ứng dụng CNTT hỗ trợ đổi mới nội dung, phương pháp dạy, học và kiểm tra đánh giá, Bộ GD&ĐT hướng dẫn các Sở trong năm học 2018-2019 tổ chức phát động giáo viên xây dựng bài giảng e-learning, ưu tiên các chủ đề về môn học trong chương trình giáo dục phổ thông và tổ chức tuyển chọn, gửi về Bộ GD&ĐT (qua Cục CNTT) để đóng góp vào kho bài giảng e-learning của ngành, tối thiểu đạt tỷ lệ 500 giáo viên đóng góp 1 bài giảng e-learning có chất lượng vào kho bài giảng e-learning của ngành.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng CNTT hỗ trợ đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, kiểm tra đánh giá trong tất cả các môn học; ưu tiên triển khai các giải pháp mang tính đồng bộ bao gồm kho học liệu số, bài giảng e-learning, phần mềm thiết kế bài giảng điện tử, phần mềm mô phỏng, thí nghiệm ảo và phần mềm dạy học; Phát động, khuyến khích giáo viên xây dựng ngân hàng câu hỏi trực tuyến, tư liệu, tài liệu, sách điện tử đóng góp vào Kho học liệu số của ngành và Hệ tri thức Việt số hóa quốc gia; triển khai hệ thống thi trực tuyến các môn học phục vụ học sinh và giáo viên từ lớp 1 đến lớp 12.
Đồng thời, tiếp tục triển khai giải pháp trường học điện tử, lớp học điện tử, các giải pháp giáo dục thông minh ở những nhà trường có điều kiện nhằm ứng dụng những công nghệ tiên tiến, đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy - học; triển khai mô hình ứng dung CNTT trong trường phổ thông theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT…
Nhằm hiện thực hóa các nhiệm vụ CNTT trong năm 2018-2019, Bộ GD&ĐT cũng nêu rõ một số giải pháp như: kiện toàn tổ chức bộ phận phụ trách CNTT với các Sở GD&ĐT, các phòng GD&ĐT và các nhà trường; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên môi trường mạng và qua các hội nghị, hội thảo, cuộc thi để nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên về vai trò của ứng dụng CNTT trong các hoạt động GD&ĐT.
Các cơ quan, nhà trường cần ban hành quy chế quản lý, duy trì và khai thác sử dụng các hệ thống CNTT, phân công cụ thể trách nhiệm về quản lý, sử dụng hệ thống; triển khai ứng dụng CNTT phải đi đôi với việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; có các hình thức khen thưởng đơn vị, cá nhân làm tốt; có các biện pháp, chế tài đối với các đơn vị chưa hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; tăng cường huy động nguồn lực xã hội hóa; phối hợp có hiệu quả việc đầu tư với thuê dịch vụ CNTT.
Tại Chỉ thị 2919 ban hành ngày 10/8/2018, Bộ GD&ĐT đã xác định rõ, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy học và quản lý giáo dục là 1 trong 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu năm học 2018-2019 của ngành giáo dục, với các nội dung: hoàn thiện CSDL ngành giáo dục; tích hợp các hệ thống thông tin quản lý ngành hiện có vào CSDL ngành; tăng cường sử dụng hồ sơ điện tử (số điểm, học bạ, sổ liên lạc); triển khai giải pháp tuyển sinh trực tuyến với các lớp đầu cấp học; xây dựng và đưa vào sử dụng, khai thác có hiệu quả kho học liệu số toàn ngành, ngân hàng câu hỏi trực tuyến dùng chung và đóng góp vào Hệ tri thức Việt số hóa quốc gia…