Thời gian qua, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn vẫn còn thấp, nhất là tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Trong đó, một số dịch vụ công như tỷ lệ thu học phí mới đạt khoảng 60%; thu viện phí khoảng 35%; chi trả các chương trình an sinh, xã hội đạt khoảng 60%. Tỷ lệ này còn thấp so với kế hoạch mà tỉnh đã đề ra trong giai đoạn 2022 - 2025.

UBND tỉnh Hoà Bình cho biết, để triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2022-2025, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Hòa Bình không chỉ được tập trung thực hiện ở địa bàn thành thị, mà phủ rộng đến cả vùng nông thôn, vùng sâu, xa của tỉnh.

Một trong những giải pháp để thúc đẩy phát triển mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh đó là tăng cường thông tin, tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh. 

hoa-binh-thanh-toan-khong-tien-mat-1.jpg
Hoà Bình sẽ xây dựng, phát triển hạ tầng đồng bộ để đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội thành thói quen của người dân, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. 

Đồng thời, từng bước xây dựng, phát triển hạ tầng đồng bộ, nền tảng công nghệ phục vụ kết nối và triển khai các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh phát triển và hoàn thiện các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt kết nối liên thông với ngân hàng và các tổ chức tín dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp thanh toán an toàn, thuận tiện và linh hoạt; bảo đảm hạ tầng kết nối phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt và các dịch vụ trung gian thanh toán, đặc biệt là tại vùng sâu, vùng xa...

Ngày 29/11/2023, UBND tỉnh ban hành công văn về tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công trên địa bàn tỉnh Hòa Bình nhằm triển khai thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022-2025.

Theo đó, đảm bảo đến năm 2025 đạt mục tiêu có trên 80% cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; 60% các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Trước đó, vào tháng 4/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 72/KH-UBND về triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2022-2025.

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế với mức tăng trưởng cao; đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; góp phần thực hiện các mục tiêu xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trong Đề án chuyển đổi số tỉnh Hòa Bình và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội Hòa Bình, giai đoạn 2021-2025.

Theo Kế hoạch, trong giai đoạn 2022-2025, tỉnh phấn đấu thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân. Nâng tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 15-20%/năm; nâng tốc độ tăng trưởng bình quân qua kênh điện thoại di động về số lượng giao dịch đạt 50-60%/năm và giá trị giao dịch đạt 60-80%/năm. 

Duy Khánh và nhóm PV, BTV