Cũng theo thông báo ngày 4/8 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về triển khai hệ thống quản lý tiêm chủng vắc xin phòng ngừa Covid-19 trên nền tảng CSDL quốc gia về dân cư, Thủ tướng đã đồng ý với đề xuất của Bộ Công an. Đồng thời, đề nghị Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Công an và Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thực hiện việc này.

Đề xuất triển khai hệ thống quản lý tiêm chủng vắc xin phòng ngừa Covid-19 trên nền tảng CSDL quốc gia về dân cư được Bộ Công an báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Ban Bí thư vào ngày 2/8.

Bộ Công an cho biết, hệ thống CSDL quốc gia về dân cư và căn cước công dân đã được đưa vào vận hành, khai thác kể từ ngày 1/7. Đến nay, hệ thống đang quản lý tập trung, thống nhất thông tin của gần 100 triệu công dân.

Theo Bộ Công an, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên cả nước, việc quản lý di biến động người từ vùng dịch tại các địa phương đặt ra rất cấp bách. Bên cạnh các phương pháp truyền thống thì việc ứng dụng CNTT là rất cần thiết.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế, Bộ Công an đã nghiên cứu, xây dựng hệ thống để quản lý công dân vùng dịch và quản lý tiêm chủng vắc xin phòng ngừa Covid-19 trên nền tảng CSDL quốc gia về dân cư.

Hệ thống có 2 phân hệ chính gồm: quản lý di biến động của công dân và quản lý tiêm chủng vắc xin phòng ngừa Covid-19. Trong đó, phân hệ quản lý di biến động của công dân có chức năng dành cho công dân khai báo y tế sức khỏe trước khi đi qua trạm kiểm soát vùng dịch; và chức năng kiểm tra thông tin công dân đã khai báo y tế dành cho cán bộ tại các trạm kiểm soát.

Phân hệ quản lý tiêm chủng vắc xin phòng ngừa Covid-19 cho phép cán bộ tại các đơn vị y tế tiến hành kê khai thông tin công dân đi tiêm chủng, bao gồm thông tin cơ bản của công dân và thông tin liên quan đến tiêm chủng y tế.

{keywords}
Tính đến hết ngày 3/8, đã có 62/63 tỉnh, thành phố triển khai cập nhật cơ sở dữ liệu tiêm chủng lên nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19.

Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 toàn quốc đã được chính thức phát động vào ngày 10/7, với mục tiêu tiêm cho khoảng 75 triệu người với 150 triệu mũi tiêm trong nửa cuối của năm 2021 và đầu năm 2022.

Ngay trước khi chiến dịch được phát động, Bộ Y tế - cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã đề nghị các đơn vị, địa phương sử dụng Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 để triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay. Mục đích là công khai minh bạch thông tin và tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức khi tham gia chiến dịch.

Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 gồm 4 thành phần: ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử”, Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, hệ thống hỗ trợ công tác tiêm chủng quốc gia và Trung tâm đáp ứng (MCC). Cơ sở dữ liệu của nền tảng được quản lý tập trung, đáp ứng tiêu chuẩn đồng bộ, minh bạch về thông tin từ người dân đến các cơ quan quản lý.

Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết 78, trên cơ sở trao đổi, thống nhất với Bộ Y tế, ngày 24/7, Bộ TT&TT đã đề nghị các địa phương triển khai nhanh, hiệu quả 3 nền tảng công nghệ phòng chống dịch Covid-19 bắt buộc dùng chung trên toàn quốc. Trong đó, có nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19.

Là công cụ hỗ trợ người dân tham gia tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 một cách chủ động và thuận tiện, nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 đang được triển khai tại TP.HCM cùng một số địa phương khác và dự kiến sẽ tiếp tục được triển khai trên toàn quốc thời gian tới.

Theo đại diện Sở TT&TT TP.HCM, trong đợt 5 của chiến dịch tiêm chủng tại TP.HCM vừa qua, ứng dụng nền tảng này đã giúp thành phố đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, từ những ngày đầu chỉ vài nghìn mũi tiêm mỗi ngày thì đến những ngày cuối đã đạt hơn 100.000 mũi tiêm/ngày.

Theo thống kê, đến hết ngày 3/8, đã có hơn 2 triệu người dân tải và cài đặt ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử”; 62/63 tỉnh, thành phố đã triển khai cập nhật CSDL tiêm chủng lên phần mềm; tổng số đối tượng tiêm đã nhập lên hệ thống là hơn 7,3 triệu. Số lượng người dân đăng ký tiêm chủng qua ứng dụng “Sổ Sức khỏe điện tử” và Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia là hơn 4,9 triệu.

Vân Anh

Ba nền tảng công nghệ phòng chống dịch Covid-19 bắt buộc dùng chung toàn quốc

Ba nền tảng công nghệ phòng chống dịch Covid-19 bắt buộc dùng chung toàn quốc

Bộ TT&TT vừa đề nghị các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy/ Thành ủy và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai nhanh, hiệu quả 3 nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung toàn quốc trong phòng chống dịch Covid-19.