Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, những định hướng đúng đắn, mục tiêu cụ thể và các khâu đột phá đã dần đi vào thực tế cuộc sống, mở ra triển vọng về một giai đoạn phát triển mới cho kinh tế biển Việt Nam - hướng ra biển và làm giàu từ biển.
Ảnh minh họa |
Để cụ thể hóa việc triển khai Nghị quyết, tiến sỹ Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết Ban Bí thư đã tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt các nội dung cơ bản của Nghị quyết số 36/NQ-TW theo hình thức trực tuyến trên toàn quốc vào ngày 23/11/2018.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 5/3/2020 về việc ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, trong đó xác định rõ mục đích, yêu cầu, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cần thực hiện đến năm 2025 và đến năm 2030, kèm theo Danh mục 51 đề án, dự án, nhiệm vụ giao các bộ, ngành, địa phương phải triển khai trong từng giai đoạn (trong đó có 42 đề án, dự án đến năm 2025).
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định quan trọng để tổ chức và triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW. Các bộ, ngành đã xây dựng các đề án, dự án, nhiệm vụ để thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025.
Có 8 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển thành lập Ban Chỉ đạo và 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển ban hành Chương trình/Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW và Nghị quyết số 26/NQ-CP.
Để sớm đưa các nội dung phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam của Đảng vào thực tiễn, Ttến sỹ Tạ Đình Thi cho rằng cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp.
Ủy ban Chỉ đạo Quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, tăng cường vai trò trong việc chỉ đạo thống nhất, khắc phục những hạn chế của quản lý đơn ngành như hiện nay; ban hành văn bản hướng dẫn đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW; chỉ đạo các địa phương thành lập và tổ chức hoạt động có hiệu quả Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ở 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển.
Các bộ, ngành, địa phương liên quan tích cực tham gia xây dựng Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ của quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 bảo đảm tính liên kết vùng, giữa địa phương có biển và không có biển."
Các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ về Ban hành Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030; kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; chương trình tăng cường năng lực và hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ quản lý tài nguyên, môi trường biển, hải đảo đến năm 2030; bố trí nguồn lực đảm bảo đạt được các mục tiêu đề ra.
Đối với các địa phương có biển, sớm thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW; phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức triển khai các chủ trương, giải pháp và các đề án, dự án, nhiệm vụ nêu tại Nghị quyết số 26/NQ-CP...
Về các nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025, tiến sỹ Tạ Đình Thi cho biết, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tiếp tục rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới hệ thống pháp luật về biển và hải đảo để thực hiện đầy đủ và toàn diện các nội dung được đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW; kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất về biển và hải đảo từ trung ương đến địa phương đảm bảo hiện đại, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước về biển và hải đảo, phát triển bền vững kinh tế biển.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, trình duyệt và triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển và hải đảo, trọng tâm là quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện quy hoạch không gian biển quốc gia; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ.
Bộ Công Thương quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia. Bộ Giao thông vận tải quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam.
Bộ Quốc phòng quy hoạch các khu vực biển, đảo cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng chiến lược phát triển ngành thủy sản phù hợp với chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tuấn Kiệt