Hội thảo - Triển lãm eBanking Vietnam 2018 được tổ chức gắn kết với hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử và được IDG Vietnam phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức ngày 5/7 vừa qua, dưới sự bảo trợ của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia. Có chủ đề “Thúc đẩy thanh toán phi tiếp xúc góp phần xây dựng Chính phủ điện tử hiện đại, hiệu quả, hướng tới phát triển nền kinh tế số”, hội thảo eBanking Vietnam năm nay tập trung trao đổi vào việc làm sao phát triển các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, xây dựng ngân hàng số, giới thiệu các giải pháp, mô hình thanh toán không dùng tiền mặt mới…
Trong 2 năm trở lại đây, công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt và thanh toán phi tiếp xúc đã được ứng dụng một cách mạnh mẽ tại Việt Nam. Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, giá trị giao dịch tài chính qua điện thoại di động năm 2017 tăng 81% và giá trị giao dịch qua internet cũng tăng 67% so với năm trước. Cả nước hiện có 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua internet và 41 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động, trong đó, tính đến hết 9 tháng đầu năm 2017, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt trên 90 triệu, với giá trị giao dịch hơn 423.000 tỷ đồng (tương ứng đạt 93% và 139% so với năm 2016). Các công nghệ, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng trở nên đa dạng; các ngân hàng và các công ty Fintech đã nghiên cứu, hợp tác và đưa vào ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại trên nền tảng các thiết bị di động...
Bên lề sự kiện eBanking Vietnam 2018, phóng viên ICTnews đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Anh Dũng - Phó Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân của Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) về các xu hướng phát triển công nghệ mới trong lĩnh vực ngân hàng:
Hiện nay, ngày càng có nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 - mức độ bao gồm các giao dịch không dùng tiền mặt, được ứng dụng, PVcomBank có định hướng phát triển dịch vụ nào nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển Chính phủ điện tử này không?
Hiện nay xu thế phát triển của Chính phủ điện tử tập trung vào các giao dịch hành chính công với mô hình Chính phủ với Công dân (G2C); Chính phủ với Doanh nghiệp (G2B). Và một trong nhiều lĩnh vực phục vụ của Chính phủ điện tử là dịch vụ thanh toán như Thuế, phí hải quan, tiền điện, nước… đã và đang được chú trọng phát triển thông qua việc sử dụng phương thức thanh toán điện tử.
Ngân hàng luôn luôn là thành phần quan trọng trong quá trình phát triển Chính phủ điện tử, quá trình tham gia ngày càng rõ nét khi hiện nay ngân hàng đang triển khai hiện hóa hệ thống CNTT nhằm đáp ứng được yêu cầu thanh toán dịch vụ công ngày càng phát triển.
Nhận thức được xu thế đó, thời gian qua, PVcomBank đã chủ động đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ và chủ động kết nối tới cơ sở dữ liệu Thuế, cơ sở dữ liệu Điện, cơ sở dữ liệu Nước… và triển khai thanh toán trên các kênh giao dịch điện tử Mobile Banking, Internet Banking… đưa tới cho khách hàng sự chủ động trong quá trình thanh toán tiền thuế, tiền điện, tiền nước…
Công nghệ thanh toán phi tiếp xúc hiện còn khá mới mẻ tại Việt Nam nhưng được dự đoán sẽ phát triển ấn tượng trong 2 năm tới. Vậy PvcomBank chuẩn bị gì để gia nhập cuộc đua ứng dụng công nghệ thanh toán phi tiếp xúc,thưa ông?
83% người dùng Việt Nam lựa chọn thanh toán không tiếp xúc thay cho tiền mặt & Thẻ. Đây là số liệu thống kê từ nghiên cứu do Visa hợp tác với YouGov thực hiện vào tháng 5/2017 nhằm thấu hiểu thái độ của người dùng với những phương thức thanh toán mới tại Singapore, Phillipines, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Indonesia, Đài Loan, Malaysia, Việt Nam, Australia và New Zealand. Đối tượng tham gia khảo sát là nam và nữ đủ 18 tuổi, có thu nhập hàng tháng ở 3 mức: dưới 3 triệu đồng, từ 3 đến 8 triệu và trên 8 triệu đồng.
Chúng tôi đánh giá đây là xu thế phát triển trong những năm tới khi dịch vụ tài chính cá nhân sẽ tăng tốc. PVcomBank tiếp tục tập trung phát triển toàn diện các sản phẩm dịch vụ đối với khách hàng cá nhân dựa trên nền tảng công nghệ cao.
Cụ thể, chúng tôi đầu tư hệ thống công nghệ Thẻ thanh toán không tiếp xúc với tổ chức thẻ quốc tế MasterCard; triển khai kênh thanh toán không tiếp xúc với các đối tác lớn VNPay, SamSungPay… nhằm đa dạng phương thức thanh toán không tiếp xúc mang lại cho khách hàng sự trải nghiệm không khoảng cách; đẩy mạnh mô hình liên kết các chuỗi đối tác lớn trong lĩnh vực bán lẻ để cung cấp các giải pháp thanh toán linh hoạt tới khách hàng cá nhân như thẻ Contactless MasterCard, QR Code tích hợp vào Mobile Banking, nâng cấp xác thực điện tử trong thanh toán trên Internet Banking…
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tích hợp đồng bộ công nghệ thanh toán điện tử với các sản phẩm tín dụng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và thanh toán của khách hàng; kiểm soát trải nghiệm khách hàng nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, cung cấp nhiều dịch vụ điện tử toàn diện hơn tới khách hàng dựa trên nền tảng công nghệ mới.
Phát triển ngân hàng số là xu thế tất yếu với tất cả các ngân hàng. Là một ngân hàng khá đặc thù, PVcomBank đã có những bước chuẩn bị gì và sẽ tập trung phát triển ngân hàng số như thế nào?
Với xu hướng phát triển này, chúng tôi xác định tránh những vấn đề khi triển khai Ngân hàng số như: giải pháp cục bộ - giao diện và hệ thống không được tích hợp; hạ tầng cũ lỗi thời - quy trình xử lý và hệ thống rời rạc, cũ kỹ; nghiệp vụ không đáng tin cậy - không có khả năng đáp ứng tốc độ số với đủ độ tin cậy; khả năng truy cập dữ liệu đa kênh kém - dữ liệu thường xuyên không có sẵn và không được cập nhật.
Nhận thức rõ điều quan trọng trong quá trình phát triển ngân hàng số là yếu tố bảo vệ khách hàng, do đó chúng tôi tập trung nâng cao cơ sở hạ tầng bảo mật và áp dụng nhũng công nghệ cao trong quá trình xác thực giao dịch của khách hàng.
Đồng thời, PVcomBank cũng triển khai các bước cần thiết để Ngân hàng số hướng tới sự trải nghiệm của khách hàng, đó là: tối ưu các quy trình giao dịch hướng vào điện tử hóa thực hiện các giao dịch từ phía khách hàng; triển khai giải pháp ứng dụng thực hiện giao dịch điện tử mang lại sự chủ động từ phía khách hàng rút ngắn thời gian giao dịch tại quầy với khách hàng, tiến tới việc khách hàng không còn cần phải đến ngân hàng giao dịch; ngân hàng chủ động xây dựng hệ thống đối tác gắn với dịch vụ và sản phẩm của ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu giao dịch điện tử của khách hàng; đáp ứng và cung cấp giải pháp tài chính trực tuyến phù hợp nhất đối với các đối tượng khách hàng khác nhau.
Chúng tôi cho rằng, đây chính là những điểm tốt để PVcomBank tự tin và khẳng định uy tín, chất lượng và nguồn lực tài chính để cung cấp dịch vụ tới khách hàng.
Xin cảm ơn ông!