Thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có các công văn hướng dẫn biện pháp củng cố, tăng cường chất lượng dạy học, đồng thời hướng dẫn tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp an toàn trong dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục. Phối hợp với Bộ Y tế ban hành Sổ tay phòng, chống dịch Covid-19 và tài liệu hướng dẫn thực hiện công tác y tế trường học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị các địa phương thực hiện rà soát các điều kiện đảm bảo an toàn cho trẻ em, học sinh, cán bộ, nhà giáo khi tổ chức hoạt động giáo dục trực tiếp tại trường. Trong đó, lưu ý ưu tiên triển khai tiêm đủ liều vắc xin cho cán bộ, nhà giáo, nhân viên phục vụ tại trường học; nhanh chóng sửa chữa, hoàn thiện cơ sở vật chất, thực hiện khử khuẩn để đón học sinh đi học trực tiếp trở lại; đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong tình hình mới.
Các địa phương căn cứ vào đánh giá, xác định cấp độ dịch theo từng địa bàn để quyết định cho học sinh tới trường trên nguyên tắc nơi nào đảm bảo an toàn, kiểm soát được dịch thì chủ động cho các em trở lại trường học tập…
Triển khai mở cửa trường học đảm bảo an toàn |
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cùng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã thống nhất, việc học sinh, sinh viên trở lại trường là nhu cầu chính đáng. Do đó, các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là UBND các tỉnh, thành phố cần phải coi đó là việc quan trọng, tạo điều kiện tối đa cho học sinh, sinh viên đến trường đảm bảo an toàn.
Hai Bộ trưởng đồng thời trao đổi, thống nhất một số nội dung nhằm tăng cường triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, đảm bảo các điều kiện an toàn sức khỏe học sinh, an toàn học đường cho việc đi học trực tiếp; tổ chức tập huấn cho hệ thống trường học các kỹ năng về dự phòng, quản lý, chăm sóc và phòng, chống dịch Covid-19.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng nhất trí cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế nhằm triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn sức khỏe trong trường học khi học sinh, sinh viên trở lại trường, theo đúng tinh thần của Nghị quyết 128/NQ-CP. Đồng thời, thúc đẩy các địa phương ứng xử phù hợp với việc mở cửa trường học ở từng xã, phường tương đương với các cấp độ kiểm soát dịch bệnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá cao sự phối hợp của hai Bộ Y tế - Bộ Giáo dục và Đào tạo trong công tác đào tạo, chăm sóc sức khoẻ học sinh, sinh viên cũng như các hoạt động mang tính cộng đồng thiết thực bảo vệ sức khoẻ của người dân.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, việc để học sinh, sinh viên trở lại trường là nhu cầu chính đáng, do đó các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là UBND các tỉnh, thành phố cần phải coi đó là việc quan trọng, tạo điều kiện tối đa cho học sinh, sinh viên đến trường đảm bảo an toàn.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, tại Nghị quyết 128 của Chính phủ đã nêu rõ, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế ban hành hướng dẫn để học sinh, sinh viên đến trường. Tuy nhiên việc triển khai hướng dẫn này phụ thuộc vào tình hình dịch theo các cấp độ tại mỗi địa phương và chính quyền các địa phương chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện.
Mở cửa trường học an toàn
Về vấn đề tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em, PGS.TS.Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, tiêm vắc xin cho trẻ theo hình thức chiến dịch, thực hiện trước với trẻ em ở độ tuổi từ 16-17 tuổi, sau đó sẽ hạ thấp dần độ tuổi. Cha mẹ, người giám hộ cần ký phiếu đồng ý tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ. Việc tiêm chủng chủ yếu thực hiện tại các trường học, trẻ không đi học thì tiêm tại trạm y tế, trẻ có bệnh nền tổ chức tiêm tại trung tâm y tế, bệnh viện để có những xử trí phù hợp.
Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng đề nghị ngành giáo dục các địa phương lưu ý các điểm tiêm tại nhà trường tuân thủ theo đúng các hướng dẫn về chuyên môn của Bộ Y tế liên quan đến tiêm chủng. “Tổ chức tiêm chủng cho trẻ em theo hình thức chiến dịch do đó ngành giáo dục cần phối hợp chặt chẽ với ngành y tế. Sự phối hợp của các nhà trường với y tế trong công tác tiêm chủng rất quan trọng”, PGS.TS Dương Thị Hồng nói.
Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, tính đến 21/12, sau 1 tuần thực hiện đón học sinh đi học trở lại, đến nay, Sở đã ghi nhận 34 ca F0 ở nhà trường khi dạy học trực tiếp. Trong đó, có 4 giáo viên, 3 nhân viên, 27 học sinh. Tất cả những trường hợp này, các trường đã vận hành quy trình xử lý F0 và tiến hành đúng quy định, hướng dẫn.
Hiện nay, học sinh lớp 9 và lớp 12 của TPHCM đang bước vào tuần thứ 2 thí điểm đi học trở lại. Hiện thành phố vẫn còn 24 trường THCS và 6 trường THPT chưa tổ chức cho học sinh lớp 9 và lớp 12 đi học lại theo chủ trương thí điểm của UBND TPHCM.
Hết tuần này, các đơn vị giáo dục và y tế sẽ họp tổng kết, rút kinh nghiệm và đề xuất UBND TPHCM về phương án đi học trở lại trong thời gian tiếp theo.
Tại Hà Nội, Sở GD&ĐT Hà Nội đã gửi thông báo tới các phòng GD&ĐT tạo quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố về việc tổ chức dạy học linh hoạt, thích ứng với cấp độ dịch Covid-19.
Nội dung thông báo nêu rõ, để bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên, Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị các phòng GD&ĐT, các trường trung học phổ thông và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên báo cáo UBND quận, huyện, thị xã xin ý kiến chỉ đạo và thông báo đến các trường THCS, THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn các xã, phường, thị trấn nếu có mức độ dịch cấp độ 3 thì cho học sinh lớp 9 và học sinh lớp 12 tạm dừng đến trường học trực tiếp, chuyển sang phương án dạy, học trực tuyến kể từ ngày 20/12 cho đến khi có thông báo mới.
Bích Thủy