Trong những năm qua, tiêu thụ nhựa ở Việt Nam liên tục tăng trưởng khoảng 15% mỗi năm. Hiện nay, tổng sản lượng ngành nhựa khoảng 25 tỷ USD, xuất khẩu năm 2023 khoảng 4,5 tỷ USD.

Theo ước tính mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 6,2 triệu tấn nhựa. Điều này cũng đồng nghĩa với lượng rác thải nhựa thải ra rất lớn cần phải xử lý.

Tình trạng ô nhiễm nhựa ở Việt Nam cũng đang gia tăng nhanh chóng, tạo ra những thách thức lớn về quản lý môi trường và yêu cầu sự hợp tác và nỗ lực từ mọi tầng lớp trong xã hội để đối mặt và giải quyết vấn đề này. Vấn đề rác thải nhựa đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn ở Việt Nam. 

W-racthai.png
Ước tính mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 6,2 triệu tấn nhựa

Theo cảnh báo từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu. Giảm thiểu chất thải từ nhựa, nilon đã trở thành yêu cầu cấp bách ngay lúc này, trước hết bắt đầu từ việc giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm nhựa và nilon khó phân hủy, đặc biệt là các sản phẩm nhựa dùng một lần.

Ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề có tính liên vùng, xuyên biên giới. Giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay của các các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp và từng người dân Việt Nam trong nỗ lực chung của khu vực và toàn cầu, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.

Liên hợp quốc đã phát động chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon” nhằm kêu gọi mọi người cùng nhau thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, qua đó giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người.

Trong bối cảnh này, giảm thiểu rác thải nhựa đòi hỏi những giải pháp toàn diện. Việc tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức là chìa khóa quan trọng. Cần phải thay đổi hành vi và ứng xử của cả cộng đồng và doanh nghiệp đối với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa.

Để giảm thiểu rác thải nhựa, giải pháp cần phải được triển khai một cách đồng bộ và hiệu quả. Việc tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức là nền tảng quan trọng. Thay đổi hành vi và ứng xử của cả cộng đồng và doanh nghiệp đối với sản phẩm nhựa và rác thải nhựa là quan trọng nhất. Những hành động nhỏ như hạn chế sử dụng túi nilon, sử dụng chai và lọ thủy tinh thay vì nhựa, ưu tiên mua sản phẩm đóng hộp giấy thay vì hộp nhựa… sẽ đóng góp tích cực vào cuộc chiến chống rác thải nhựa.

Nhấn mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh, Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết, những năm qua đã kiến nghị với cơ quan quản lý nhiều giải pháp chính sách xây dựng và phát triển ngành kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa ở Việt Nam. Một số chính sách đã được áp dụng như mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất EPR.

Với EPR, nhà sản xuất và nhập khẩu phải chịu trách nhiệm về việc thu gom, xử lý và tái chế các sản phẩm mình sản xuất hoặc nhập khẩu. Các sản phẩm bao gồm các sản phẩm tiêu dùng, bao bì giấy, bao bì nhựa, thiết bị điện tử và điện tử tiêu dùng, ô tô, pin và bình ắc quy... Đây là chìa khóa mở cánh cửa để tái chế, giúp kinh tế tuần hoàn chuyển động.

Việt Nam cần xây dựng chính sách phát triển thị trường sản phẩm tái chế, dán nhãn xanh cho các sản phẩm, quy định tỷ lệ tái chế trong mỗi sản phẩm nhựa…

Đặc biệt muốn chống rác thải nhựa, điều quan trọng đầu tiên phải kéo dài vòng đời sản phẩm nhựa, giảm thiểu thải bỏ ra môi trường. Muốn vậy phải có quy chuẩn cho các sản phẩm nhựa, ông Vượng nhấn mạnh.

Nhóm PV