- Với tư cách bạn đọc, luật sư Trần Đình Triển (VP Luật sư Vì Dân) thẳng thắn: “Một bạn đọc bình thường cũng nhận biết được mình đang bị trang thông tin này lừa đảo” khi nói về sự việc trang thông tin xã hội Trí Việt 24h đang bị tố “ăn cắp trắng trợn”.

“Ăn cắp bản quyền”

Trao đổi với VietNamNet, luật sư Trần Đình Triển nói, các trang thông tin, trang mạng xã hội nảy nở nhiều trong thời gian gần đây đang là một thực tế.

{keywords}
Luật sư Trần Đình Triển
“Theo quy định pháp luật, các tổ chức, doanh nghiệp… đều được phép mở trang thông tin giới thiệu về hoạt động của mình, trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Trang thông tin đó (kể cả là trang tin nội bộ) cũng đều có tôn chỉ, mục đích và có giới hạn hoạt động theo đúng chức năng của nó.

Tuy nhiên, có không ít những trang tin xã hội đã vượt quá giới hạn cho phép, hoạt động như một cơ quan được cấp phép báo chí - ông Triển nhận định.

Cụ thể, ở trang tin điện tử Trí Việt 24h, theo luật sư Trần Đình Triển, những trang thông tin kiểu này, dù được cơ quan chủ quản cấp giấy phép hoạt động, thì cũng chỉ thuần túy được phép đưa tin bài ở lĩnh vực kinh tế - xã hội - giải trí thuần túy.

“Tôi không lạ những trang tin kiểu này, mô hình của nó chỉ có vài ba người, không được phép và không có quyền, không có người sản xuất tin bài. Cách thức chung của nó là lấy lại tin bài của các cơ quan báo chí khác, sau đó lấp đầy các trang, mục bên trong của nó.

Bạn đọc khi vào những trang tin kiểu này, không khác gì đang đọc một tờ báo, vì cũng đầy đủ các đề mục, tin bài thời sự trong nước, quốc tế, đủ các lĩnh vực…

Ông Triển phân tích: Bài báo là sản phẩm trí tuệ thuộc sở hữu của cơ quan báo chí, bao gồm trong đó trí tuệ của người viết (tác giả) và các các chi phí của cơ quan khi cho phóng viên đi thực hiện. Không có lý gì mà anh ngồi không, chỉ bằng vài ba thao tác, đưa lại nguyên xi lên trang của mình, rồi từ đó hưởng lợi.

Ngoài mục đích lấp đầy thông tin trong các đề mục, luật sư Triển vạch rõ: Phải có những tin bài lấp đầy các đề mục, họ mới có người đọc và có cơ sở để kinh doanh thu lợi từ quảng cáo. Mục đích chính ở đây không phải là tuyên truyền, quảng bá thông tin đến người đọc, mà là để kiếm tiền.

Việc làm phi pháp này rõ ràng là hành vi ăn cắp trắng trợn. Đó là chưa nói đến việc, khi dẫn lại tin bài, họ còn không ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ của bài viết; không có thỏa thuận với cơ quan báo chí mà họ lấy lại bài”.

Xử lý không khó

Theo luật sư Trần Đình Triển, việc xử lý những vi phạm pháp luật của các trang tin dạng như Trí Việt 24h không khó.

“Cơ quan cấp phép có thể đối chiếu hồ sơ cấp phép cho trang tin đó hoạt động với thực tế của trang tin đó. Nếu nó hoạt động quá phạm vi, lĩnh vực được cấp phép có thể xử lý được ngay”.

Lấy ví dụ, ông Triển cho hay: Tôi thấy trên trang chủ của trang tin “Trí Việt 24h”, có cả mục “Đơn thư”. Mục này chỉ những cơ quan báo chí chính thống mới có tư cách pháp lý để nhận đơn thư bạn đọc, sau đó cử phóng viên đi điều tra, xác minh sau đó phản ánh. Mục đích của nó là làm xã hội tốt đẹp hơn, chống tiêu cực, sai trái…

“Một trang tin thì lấy tư cách gì để tổ chức tiếp nhận đơn thư? Nó lấy lại những bài điều tra của các báo, mà những bài như thế này tốn rất nhiều thời gian, công sức của phóng viên, tòa soạn… để đưa thành một mục hẳn hoi trên trang tin của mình. Tôi nhận định, mục đích của nó là để dọa nạt, thậm chí tống tiền những đơn vị, cá nhân đang có tiêu cực để thu lợi bất chính.

Đã không ít vụ việc tiêu cực xảy ra ở dạng này, không ai còn lạ. Chính những trang tin không có tôn chỉ, mục đích hoạt động vô hình trung đã “làm rầu” những tờ báo chính thống, những phóng viên chân chính.

Cơ quan chủ quản có quyền xử lý những sai phạm của những trang tin dạng này dựa trên luật Báo chí, bộ luật Dân sự, luật Sở hữu trí tuệ. Sai phạm cụ thể ở đâu sẽ đối chiếu để xử lý tới đó” - luật sư Triển nói.

Trang thông tin điện tử Trí Việt 24h được cấp giấy phép hoạt động số 101/GP-TTĐT ngày 23/7/2013. Trên trang chủ của trang này có mục Giới thiệu Trí Việt 24h, tuy nhiên, khi click chuột vào mục này không có nội dung hiển thị.

Trang này cũng không có bất kỳ thông tin nào khác về cơ quan chủ quản, người chịu trách nhiệm pháp luật, điều hành hoạt động của trang tin.

Ngày 2/11, báo Giaoduc.net đã đăng bài viết có tiêu đề “Kẻ ăn cắp trắng trợn mang tên Trí Việt 24h” lên án trang tin này thường xuyên trích dẫn, đăng tải các bài viết của báo mà không được sự đồng ý của Giaoduc.net.

Thái Bình