Một nhóm nghiên cứu, đứng đầu là các nhà khoa học từ Đại học Bradford (Anh) sử dụng trí tuệ nhân tạo để xác định rằng khuôn mặt của nhân vật Joseph trong bức tranh nổi tiếng Madonna della Rosa (Madonna of the Rose) được vẽ bởi một người nào đó, không phải là danh họa bậc thầy thời Phục hưng.
AI phát hiện sự thật bất ngờ
Raphael (1483-1520) là một trong họa sĩ, kiến trúc sư nổi tiếng nhất ở thời Phục hưng, cùng với Michelangelo và Leonardo da Vinci. Tên tuổi của ông gắn liền với các tác phẩm để đời như The School of Athens, Three Graces.
Hassan Ugail, Giám đốc Trung tâm Hệ thống thông minh và máy tính trực quan tại Đại học Bradford, đã phát triển một thuật toán để nhận dạng các bức tranh Raphael thật với độ chính xác 98%.
“Thuật toán phân tích 4.000 thông số như nét cọ, bảng màu và màu sắc để xác định xem một bức tranh có phải là của Raphael thật sự hay không”, Ugail giải thích.
Howell Edwards, Giáo sư danh dự về quang phổ phân tử tại Đại học Bradford, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết: “Madonna della Rosa được treo ở Museo del Prado ở Madrid, từ lâu đã là chủ đề tranh luận. Một số người sành sỏi đánh giá chất lượng bố cục và nét vẽ của Madonna, Child và St John vượt xa chất lượng của St Joseph”.
“Trong nghiên cứu của chúng tôi, chương trình phân tích sử dụng công nghệ AI đã chứng minh một cách thuyết phục rằng trong khi 3 bức tượng Đức Mẹ, Chúa Hài đồng và Thánh John the Baptist rõ ràng được vẽ bởi Raphael, thì bức tượng Thánh Joseph không phải và đã được vẽ bởi người khác”, Edwards nói thêm.
Tranh luận xung quanh AI trong nghệ thuật
Thuật toán được Hassan Ugail và cộng sự sử dụng dựa trên một kết quả nghiên cứu trước đó, phát hiện bức tranh de Brécy Tondo có khả năng là một tác phẩm do chính Raphael vẽ. Kết quả này mâu thuẫn với quan điểm của một số nhà sử học nghệ thuật cho rằng đây là một bản sao được tạo ra vào thế kỷ 19.
Các phát hiện mới làm dấy lên sự chỉ trích từ một số nhà sử học nghệ thuật, những người không chấp nhận kết quả nghiên cứu dựa trên công nghệ AI. “Tôi hơi ngạc nhiên”, Ugail nói và giải thích rằng thuật toán phân tích các chi tiết nằm ngoài khả năng nhìn của mắt người.
“Sẽ rất, rất khó, cho dù ai đó giỏi đến đâu cũng khó có thể đi sâu vào mức độ chi tiết và tạo ra thứ gì đó như thế”, Ugail nói với CNN.
Cuộc tranh luận xung quanh de Brécy Tondo dẫn đến các thảo luận rộng hơn về vai trò của AI trong xác thực nghệ thuật, điều mà Ugail coi là công cụ bổ sung cho các hình thức phân tích khác, chẳng hạn như nghiên cứu nguồn gốc của một tác phẩm.
Nhấn mạnh “đây chỉ là một công cụ khác”, ông cho rằng có thể dùng thuật toán để xác định một tác phẩm nghệ thuật bí ẩn có cần phải xem xét kỹ lưỡng hơn không.
Tiếp theo, Ugail lên kế hoạch phát triển một thuật toán có khả năng nhận dạng tác phẩm của nhiều nghệ sĩ khác. Theo ông, thuật toán này sẽ đưa khoa học vào xác thực nghệ thuật.