Trong 'Xin chào AI', Uyên Phương đề cao một trong những điều mà chỉ con người mới sở hữu, đó chính là các giá trị nhân văn. Bởi sẽ có những quyết định, lựa chọn chúng ta phải đưa ra, không phải dựa trên thông tin, trí óc mà dựa vào trái tim.
Sự ra đời ồ ạt của các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) đã mang đến những trăn trở không nhỏ cho cha mẹ và người làm giáo dục. Làm thế nào để trẻ em hiểu về AI và các ứng dụng của AI trở thành một vấn đề cấp thiết. Nhưng học về AI không “kỹ thuật”, “khô khan” như nhiều người vẫn nghĩ.
Cuốn sách Xin chào AI!Học và chơi cùng trí tuệ nhân tạo gồm 3 chương:
Chương 1 - AI là gì thế nhỉ giúp độc giả trả lời những câu hỏi: AI là gì, AI có thể làm được những gì, vì sao AI có thể thông minh như thế, làm thế nào để phân biệt AI với các ứng dụng công nghệ khác?
Chương 2 - Phiêu lưu cùng AI đưa người đọc khám phá những ứng dụng AI thân thiện với trẻ em.
Chương 3 - Đánh thức sáng tạo cùng ChatGPT gồm những câu hỏi: ChatGPT là gì? Chơi cùng ChatGPT và sử dụng ChatGPT để tư duy sáng tạo như thế nào? Làm thế nào các em có thể khai thác được lợi ích, tự bảo vệ mình khỏi những rủi ro khi sử dụng Chat GPT và các ứng dụng AI trên mạng?
Đặc biệt trong cuốn sách , tác giả đề cao một trong những điều mà chỉ con người mới sở hữu, đó chính là các giá trị nhân văn. Trong cuộc sống này sẽ có những quyết định, lựa chọn mà chúng ta phải đưa ra, không phải dựa trên thông tin, trí óc mà dựa vào trái tim.
VietNamNet đã có cuộc trao đổi với tác giả Uyên Phương về những vấn đề liên quan đến việc phát triển AI tại Việt Nam.
-Ở Việt Nam các trường học ít ứng dụng AI hơn các doanh nghiệp, nguyên nhân là gì thưa chị?
Các doanh nghiệp, điều gì mang lại tính hiệu quả, tiết kiệm chi phí, tối ưu lợi nhuận là họ nhanh chóng áp dụng. Ngoài ra, các doanh nghiệp được tự chủ và toàn quyền quyết định việc lựa chọn công cụ để giải quyết vấn đề của mình, miễn là không trái quy định của pháp luật. Trong khi đó, giáo dục bị ràng buộc bởi nhiều quy định, điều kiện pháp lý. Sản phẩm giáo dục thường tác động tới sự phát triển của học sinh, cho nên việc ứng dụng công nghệ tại trường học đòi hỏi sự thận trọng.
Ngoài những yếu tố khách quan, tôi thấy có một điểm nữa khiến ứng dụng AI trong nhà trường bị chậm so khối với kinh doanh là việc đầu tư phát triển con người. Tôi từng làm ở những tổ chức chuyên đào tạo cho doanh nghiệp và nhận thấy ngân sách đào tạo nhân sự từ kỹ năng mềm đến việc bắt kịp những kiến thức mới, xu hướng mới trên thế giới được chi rất đều đặn.
Tuy nhiên, khái niệm đào tạo phát triển bản thân đối với giáo viên và nhân sự ngành giáo dục lại không được coi trọng. Có một câu nói là giới hạn của thầy cô chính là giới hạn của học sinh. Nếu thầy cô cứ khu trú ở một phạm vi nào đó khả năng sáng tạo của học sinh cũng bị hạn hẹp.
Nếu giáo dục không đổi mới để bắt kịp với những thách thức rất lớn của thời đại mà AI là một tác nhân thúc đẩy quan trọng rất có thể con em chúng ta sau 10, 15 năm nữa sẽ không thể tìm thấy chỗ đứng của mình trong thời đại đó
-Theo chị, làm thế nào để thay đổi tư duy con người phải học cách chỉ huy máy móc chứ không phải làm theo và phụ thuộc vào các thiết bị công nghệ?
Đầu tiên, muốn làm chủ được điều gì đó, trước hết phải hiểu một cách sâu sắc đó là cái gì, mặt trái và mặt phải của nó. Đến giờ, vẫn có những tranh luận về chuyện nên cho học sinh làm quen với AI không hay là cấm? Nếu cứ sợ hãi, cấm đoán thay vì chủ động tìm hiểu mãi mãi chúng ta không có tư thế làm chủ. Nỗi sợ là hợp lý nhưng nó không được cản trở việc tìm hiểu, đi sâu phân tích và tìm một chỗ đứng riêng cho mình trong cuộc cách mạng máy móc.
Nhiều thập kỷ trước, khi máy tính bỏ túi ra đời đã từng có những cuộc biểu tình của các giáo viên toán. Họ cho rằng nếu học sinh có máy tính thì các em không học toán. Nhưng rồi máy tính bỏ túi trở thành một phần trong cuộc sống của con người và môn toán học vẫn có giá trị riêng.
Năng lực làm chủ máy móc đến từ một tâm thế chủ động vững vàng, sẵn sàng đón nhận làn sóng công nghệ mới, đi cùng với sự kiểm soát và giới hạn một cách khôn ngoan nhằm đảm bảo những lợi ích và cả sự công bằng, bình đẳng của con người
-Những mặt trái và hệ lụy do AI mang lại thì sao? Chị có đưa ra cảnh báo về điều này trong cuốn sách 'Xin chào AI'?
Thứ nhất, tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân, riêng tư của mình khi sử dụng các công cụ AI. Bởi những hành lang pháp lý và đạo đức liên quan đến trí tuệ nhân tạo còn rất mỏng nên không thể biết thông tin người dùng chia sẻ được sử dụng ra sao, cho mục đích gì? Tôi thấy nhiều bạn trẻ bất cẩn khi sử dụng các app quét dữ liệu khuôn mặt, hãy nhớ rằng AI có thể làm ra hình ảnh y chang một người thân quen cho mục đích lừa đảo.
Thứ hai là luôn luôn có tư duy kiểm chứng và phân tích những gì mà AI đưa đến. Muốn vậy, mỗi người phải tự trang bị kiến thức về trí tuệ nhân tạo. Lối viết của tôi không phải chỉ là hướng dẫn học sinh biết sử dụng công cụ AI một cách đơn thuần mà tôi giới thiệu các công cụ đó với các em nhưng trên nền tảng tích hợp kiến thức cơ bản. Ví dụ khi tìm hiểu công cụ AI hát nhép, tạo ra những ca khúc từ việc lip-sync, tôi sẽ đề nghị các em thử tranh biện: hát nhép là tốt hay xấu? Kiến thức nền tảng sẽ giúp chúng ta có thể thẩm định thông tin AI mang tới là đúng hay không?...
Tôi muốn giới thiệu một lát cắt để mọi người hình dung ra cách tiếp cận về giáo dục AI. Bởi nhiều người vẫn nghĩ giáo dục AI như là một môn khoa học công nghệ, kiểu như những môn STEM đưa thêm vào 1-2 giờ trong nhà trường hoặc là môn về khoa học máy tính, học với robot… Những cách tiếp cận đó thiên về kỹ thuật và rất hẹp. Thực ra giáo dục AI là làm thế nào giúp con em có được tư duy mới, kỹ năng mới để có thể là người chủ động dẫn dắt những đổi thay, song hành với AI, thay vì là một người bị động, chịu ảnh hưởng.
-Chị mong muốn các bậc cha mẹ sẽ thay đổi cách giáo dục con em để có thể bắt kịp và không bị đào thải bởi AI, vậy chị áp dụng điều này như thế nào trong gia đình mình?
Rất may mắn là con gái và người thân là những người ủng hộ cho câu chuyện AI và làm thế nào để thế hệ tương lai trở thành những người làm chủ AI mà tôi nêu ra trong cuốn sách.
Điều quan trọng nhất để lan tỏa tinh thần đó đến với những người xung quanh chính là việc bản thân làm gương như thế nào. Tìm hiểu AI thực ra không phải là tìm hiểu công nghệ mà là tìm hiểu một trong những làn sóng mới sẽ thay đổi căn bản cách xã hội đang vận hành. Hiểu để tìm ra chỗ đứng cho mình trong làn sóng đó. Nếu mỗi người lớn không cầu thị ham học hỏi rất khó để con em chúng ta và những người thân cảm thấy cái sự cần thiết của việc thay đổi đó.
Tác giả Nguyễn Thúy Uyên Phương
Tác giả Nguyễn Thúy Uyên Phương - người tiên phong trong việc đưa các mô hình giáo dục tiến bộ về Việt Nam. Cô là người sáng lập TOMATO Children’s Home; Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam của Design for Change. Uyên Phương cũng là người đưa về Việt Nam Trường học Kiến tạo (I Can School), các chương trình Cha mẹ hiệu quả P.E.T, Giáo viên hiệu quả (T.E.T).
Hiện cô là Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Illinois (Hoa Kỳ), chuyên ngành Learning Design and Leadership, với trọng tâm là thiết kế và dẫn dắt các mô hình học tập mới cho tương lai.
‘Thềm cũ đã xanh rêu’ và những miền thơ ấu trong veoNhẹ nhàng và giàu cảm xúc, ‘Thềm cũ đã xanh rêu’ gồm 40 tản văn chắt lọc từ hơn 20 năm viết lách của tác giả sẽ dẫn dắt người đọc đi từ miền Tây sang miền Đông, kể từng câu chuyện xưa cũ, nhìn lại tuổi thơ với đôi mắt của một người thấm đủ gió sương.
Nữ sĩ trẻ hoàn thành tiểu thuyết lịch sử trong 11 ngàyTrong một nỗ lực đầy bất ngờ với tinh thần sáng tạo, nữ sĩ trẻ Lục Hường đã sáng tác một tác phẩm vô cùng ấn tượng hơn 500 trang chỉ trong vòng 11 ngày. Tiểu thuyết lịch sử 'Tri kỷ vượt thời gian' của cô vừa được NXB Lao Động phát hành tháng 2/2024.
Cuốn sách cổ vũ phụ nữ làm chủ cuộc đờiVới 3.000 bản được bán hết chỉ sau vài tháng phát hành, sách 'Phụ nữ và Tự do' - Thay đổi tư duy, thay đổi cuộc đời của tác giả Hồng Nguyễn được tái bản lần 2 (in lần thứ 3).