Khi số lượng và mức độ phức tạp của các cuộc tấn công mạng tiếp tục gia tăng, trí tuệ nhân tạo (AI) đã bắt đầu giúp các nhà phân tích hoạt động bảo mật không có đủ nguồn lực tìm hiểu sớm về các mối đe dọa và phản ứng nhanh chóng.
Trí tuệ nhân tạo có thể cung cấp thông tin chi tiết tức thì bằng cách đối chiếu thông tin về mối đe dọa từ hàng triệu báo cáo, giúp đối phó với hàng nghìn cảnh báo hàng ngày và tăng tốc đáng kể phản ứng của bạn.
Thực tế, công nghệ AI tiên tiến có thể hoạt động như một nhà tư vấn giúp chúng ta nhanh chóng phát hiện ra các mối đe dọa về an ninh mạng và tìm ra mối liên hệ giữa chúng. Hiện trí tuệ nhân tạo được ứng dụng rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực khác nhau và mang đến những hiệu quả thiết thực.
Ảnh minh họa |
Đào tạo trí thông minh nhân tạo bằng cách sử dụng hàng tỷ thao tác dữ liệu từ các nguồn dữ liệu có cấu trúc và phi cấu trúc, chẳng hạn như blog và báo cáo tin tức. Thông qua công nghệ học máy và học sâu, trí tuệ nhân tạo liên tục nâng cao trình độ kiến thức của chính mình, từ đó “hiểu” được các mối đe dọa an ninh mạng và rủi ro không gian mạng.
Trí tuệ nhân tạo thu thập thông tin chi tiết và sử dụng lý luận để xác định mối quan hệ giữa các mối đe dọa khác nhau (chẳng hạn như tệp độc hại, địa chỉ IP đáng ngờ). Phân tích này có thể được hoàn thành trong vài giây hoặc vài phút, cho phép các nhà phân tích bảo mật phản ứng với những mối đe dọa nhanh hơn 60 lần.
Trí tuệ nhân tạo giúp loại bỏ các nhiệm vụ nghiên cứu tốn thời gian và cung cấp kết quả phân tích rủi ro được tổng hợp, giúp giảm thời gian cần thiết cho các nhà phân tích bảo mật để đưa ra quyết định quan trọng và bắt đầu những biện pháp đối phó hiệu quả.
Thực tiễn tại Việt Nam
Tại Việt Nam, AI đã và đang được ứng dụng mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông, thương mại điện tử... Công nghệ AI cũng mang lại cho Việt Nam sự phát triển vượt bậc thời gian qua.
Đặc biệt, với vấn đề dữ liệu lớn, Việt Nam cần chia sẻ nhiều hơn cho cộng đồng, thậm chí là các quốc gia khác, bởi dữ liệu không nên chỉ giữ trong phòng kín mà cần ở một mặt phẳng chung để lan tỏa rộng rãi.
Chỉ tính riêng ở Việt Nam, năm 2019 đã có trên 80 triệu lượt máy tính bị nhiễm mã độc, gây thiệt hại hơn 20.000 tỷ đồng (trên 900 triệu USD) theo thống kê của BKAV. Đây là những con số cho thấy sức tàn phá rất lớn của mã độc với nền kinh tế.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc trung tâm nghiên cứu mã độc tại Bkav từng chia sẻ trong một bài phỏng vấn với báo chí: "Với thuật toán tối ưu, chúng tôi đã biến việc phân tích và xử lý virus bằng trí tuệ nhân tạo gần như trong suốt với người dùng, không gây ảnh hưởng tới hiệu năng của máy".
Thống kê từ hệ thống giám sát virus của Bkav cũng cho thấy, sau hơn 2 tháng ra mắt sản phẩm mới ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, mỗi ngày trung bình phần mềm diệt virus phát hiện được 1,128 triệu mẫu virus mới mà không cần cập nhật mẫu nhận diện, tỷ lệ chính xác lên đến 99,97%, gần như tuyệt đối.
Công nghệ trí tuệ nhân tạo thông minh (Smart AI) đã có thể xử lý ngay ở máy tính mà không đòi hỏi gửi file về server, đảm bảo tính bảo vệ thời gian thực, không có độ trễ, đặc biệt trong trường hợp máy tính bị virus tấn công và mất kết nối mạng.
Bạch Hân