Sáng 18/3, trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội thảo Trí tuệ nhân tạo AI và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn. Đây là diễn đàn để các chuyên gia, nhà báo, lãnh đạo các cơ quan báo chí cùng nhận diện các xu hướng trên thế giới, thảo luận về những câu hỏi hóc búa mà trí tuệ nhân tạo đang đặt ra, từ đó có những giải pháp nhằm định hướng sáng tạo nội dung cho từng nhà báo và ở mỗi cơ quan báo chí hiện nay.
XEM CLIP: Phát biểu của Chủ tịch Hội Nhà báo Lê Quốc Minh
Trong phát biểu dẫn đề và thuyết trình mở đầu hội thảo, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Lê Quốc Minh cho rằng, sự phát triển rất nhanh của trí tuệ nhân tạo AI đặc biệt là ChatGPT đang đặt ra nhiều cơ hội, thách thức đối với báo chí, cả vị trí việc làm của các nhà báo và các nhà quản lý.
Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam đặt vấn đề: Không chỉ nguy cơ AI tạo ra các thông tin sai lệch, ai sở hữu các bài viết do AI tạo ra? Ai chịu trách nhiệm với việc xuất bản các nội dung là sản phẩm của AI? Việc đối phó nội dung độc hại với báo chí sử dụng AI sẽ như thế nào?... Đây đều là những câu hỏi phải tính tới.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng phân tích trí tuệ nhân tạo AI còn đe dọa nguồn thu của báo chí. Lâu nay các cơ quan báo chí cũng như các máy tìm kiếm dựa vào sự chú ý của người dùng đối với quảng cáo. Theo đó, người dùng gõ câu hỏi vào một công cụ tìm kiếm (tạo doanh thu quảng cáo bằng cách ưu tiên những đường link có tài trợ) trước khi chuyển sang website của bên thứ ba để đưa ra câu trả lời (những website này lại kiếm doanh thu thông qua quảng cáo của bên khác).
“Tuy nhiên, giờ đây, khi ChatGPT lướt toàn cõi mạng, đọc những đường link có nội dung liên quan rồi đóng gói câu trả lời trong một đoạn văn bản ngắn gọn, thử hỏi người dùng có lướt web nữa không?”, ông Minh nêu và cho rằng, điều này có thể dẫn đến một sự thay đổi lớn trong mối quan hệ giữa các cơ quan báo chí, doanh nghiệp muốn quảng cáo và các máy tìm kiếm như Google.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, cần đầu tư vào AI trong báo chí, bởi “nếu có ai đó nói không cần đầu tư cho AI thì rất là tụt hậu”.
Ông chia sẻ, cách đây khoảng 4 năm, khi còn là Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, ông đã áp dụng AI trong hoạt động của Thông tấn xã Việt Nam. “Khi đưa ra hội nghị báo chí có người nói anh Minh nói chuyện xa xôi, còn lâu AI mới vào Việt Nam. Nhưng giờ các bạn thấy, như ChatGPT trên thế giới xảy ra thế nào thì Việt Nam có ngay chứ không phải đợi 5-7 năm như người ta nghĩ trước kia”, ông Minh phân tích.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, đầu tư cho AI không phải là mua một chatbot như ChatGPT để viết bài thay phóng viên. AI có nhiều ứng dụng khác nhằm hỗ trợ cho hoạt động của báo chí như việc nắm bắt hành vi người đọc, từ đó khuyến nghị nội dung theo hướng cá nhân hóa để lôi kéo, giữ chân độc giả.
“Hiện nay, đo đạc đánh giá các trang báo không chỉ là lượng truy cập mà đo bằng độ sâu của người đọc trên trang. Tức là người đọc ngồi trên trang càng nhiều thì càng tốt”, ông Minh chia sẻ và cho biết, báo Nhân Dân tự hào là trang có người đọc dùng nhiều thời gian trên trang nhất hiện nay.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm nêu quan điểm, sự xuất hiện của AI như ChatGPT cho báo chí cơ hội để loại dần đi các loại lao động, kỹ năng cơ bản mà máy móc có thể làm như con người, thậm chí làm tốt hơn. "Trí tuệ nhân tạo khiến chúng ta nhận ra đang phí sức, phí lực lượng như thế nào để tạo ra những sản phẩm báo chí giống nhau...", Thứ trưởng chia sẻ.
XEM CLIP: Phát biểu của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm
Ông Nguyễn Thanh Lâm khuyến nghị các tòa soạn báo nên suy nghĩ về những thứ không nên làm vì đã trùng, cơ quan báo chí khác đã làm.
“Chúng ta nên dùng công nghệ để có lợi cho chúng ta, phục vụ chúng ta chứ không nên hùa theo xu hướng công nghệ mà có khi ta lại mất đi bản thể, giá trị cốt lõi, trở thành phụ thuộc thậm chí bị kiểm soát”, ông Nguyễn Thanh Lâm nói.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, năm nay Bộ TT&TT phải trình kế hoạch về sửa đổi Luật Báo chí, Bộ trưởng TT&TT đã đặt vấn đề rất lớn khi sửa luật: "Trước khi làm bất cứ kế hoạch nào phải trả lời được câu hỏi không gian của lĩnh vực này sẽ được mở rộng như thế nào. Ngày nay ta đã định nghĩa được nhà báo nhưng sau này AI viết được bài báo hay hơn cả nhà báo thì gọi là gì. Rồi thuật toán có phải báo chí hay không khi nó đang nắm hành vi, gợi ý cho độc giả...".
XEM CLIP: Phát biểu của bà Trần Lệ Thùy, học giả nghiên cứu báo chí (Đại học Oxford)
Từ những nghiên cứu trực tiếp, bà Trần Lệ Thùy, học giả nghiên cứu báo chí (Đại học Oxford), Giám đốc Công ty sáng kiến truyền thông và phát triển MDI, cho rằng, AI như ChatGPT có thể giúp nhà báo các ý tưởng viết bài, thậm chí viết những tin đơn giản. Tuy nhiên, bà Thùy nói, các thông tin, bằng chứng mà Chat GPT đưa ra cần phải được kiểm chứng, các chất liệu thực tế cũng cần tới nhà báo.
Bà Thùy cho biết, với những bài viết sâu như viết tường thuật hay viết bài theo cấu trúc kim cương vốn giúp tờ NewYork Times thu được phí người dùng trên nền tảng điện tử thì ChatGPT cũng chưa thể viết được.
Dẫn chứng thực tế từ một cơ quan báo chí khi ứng dụng AI và ChatGPT vào sản xuất sản phẩm báo chí, nhà báo Ngô Trần Thịnh (Đài Truyền hình TP.HCM) đã giới thiệu về phóng sự viết bởi AI đầu tiên ở Việt Nam.
XEM CLIP: Phát biểu của Nhà báo Ngô Trần Thịnh
Phóng sự nói nằm trong chương trình CafeTek - Cuộc sống tương lai, phát sóng thường kỳ trên HTV9, đã lên sóng vào giữa tháng 2 vừa qua. Nội dung phóng sự nói về xu hướng AI tại Việt Nam. Các biên tập viên chương trình đã sử dụng AI để nó giúp làm kịch bản cũng như viết nội dung kịch bản. AI đã đề xuất 5 phần chính trong kịch bản và tự viết hơn 500 chữ ở mỗi phần. Thậm chí nó còn đề xuất các chuyên gia CNTT cụ thể để biên tập viên thực hiện phỏng vấn.
Nhà báo Ngô Trần Thịnh cho biết, AI vẫn còn nhiều khuyết điểm khi thực hiện một bài báo phóng sự như sử dụng từ ngữ chưa phù hợp, dùng từ còn cứng do máy học tổng hợp để đề xuất; phải hỏi Al đến 8 câu hỏi để hiểu ý đồ của ekip muốn truyền tải; chưa có yếu tố điểm nhấn và chưa có yếu tố con người...