Diễn đàn tri thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần III – năm 2020 đã bế mạc vào sáng qua (22/11). Sau các buổi thảo luận, hơn 200 đại biểu đã đưa ra các khuyến nghị về việc phát triển đất nước đến năm 2045.
Đối với nhóm thảo luận về chuyên đề “Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã nội, nâng cao đời sống nhân dân, nhóm đã đưa ra 3 kiến nghị như sau: Xây dựng chiến lược made by VietNam, thúc đẩy sự hình thành và phát triển các doanh nghiệp được sở hữu bởi người Việt tại Việt Nam và trên toàn thế giới; tăng thị phần của doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng toàn cầu; Xây dựng và hoạch định chính sách cần có sự tham gia, tham vấn cộng động để vừa phát triền KTXH, vừa đáp ứng những nhu cầu cấp thiết của người dân và đảm bảo công bằng xã hội đặc biệt cho nhóm người yếu thế; Xây dựng chiến lược, chính sách thúc đẩy khả năng chống chịu – thích ứng với các cú sốc, khủng hoảng và các trường hợp khẩn cấp khác, hướng đến sự phát triển bền vững trong mọi lĩnh vực.
Đối với nhóm thảo luận về chuyên đề “Phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước”, có 5 khuyến nghị được đưa ra, bao gồm: Nghiên cứu và xây dựng thêm chương trình phát triển công dân toàn cầu; Tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế, cộng đồng; Nâng cao sức khỏe tinh thần, tâm lý; Phát triển cộng đồng dân tộc thiểu số ưu tiên phát triển nguồn nhân lực của địa phương, lấy văn hóa và ngôn ngữ làm trọng tâm để phát triển kinh tế xã hội cộng đồng ở đây; Tôn trong sự sở hữu trí tuệ.
Về “Vai trò của Khoa học – Công nghệ trong phục vụ phát triển đất nước”, nhóm đã đưa ra 4 khuyến nghị: Mô hình liên kết 5 Nhà, bao gồm: Nhà nghiên cứu khoa học, Nhà đầu tư, Nhà kinh doanh, Nhà trường và cơ sở giáo dục đào tạo và Nhà nước. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò quan trọng nhất; Vai trò của cơ sở giáo dục trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển nghiên cứu ứng dụng để giải quyết bài toán của doanh nghiệp; Lực lượng trí thức trẻ là nhân tố quan trọng trong việc vận dụng và thực hiện các hoạt động STI khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nâng cao, chú trọng văn hóa sở hữu trí tuệ.
Chia sẻ thêm với VietNamNet, chị Trần Thị Thanh Mai, nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Luật Hà Nội khẳng định, Việt Nam là một trong những nước chú trọng đến trí thức trẻ. Các chính sách của Đảng và Nhà nước đã tạo nhiều cơ hội cho thanh niên phát triển. Vì thế, thanh niên, trí thức trẻ hiện nay cần phải luôn đặt mình vào thế chủ động, đặc biệt là trong những đóng góp để xây dựng đất nước.
Chị Thanh Mai là một trong số những đại biểu tham gia cả 3 lần Diễn đàn, chị cho rằng hiện nay có rất nhiều người đang sinh sống, học tập ở trong nước và ở nước ngoài mong muốn được kết nối qua mạng lưới trí thức trẻ, được cống hiến cho đất nước. Tất cả đều có một mong muốn chung là đưa Việt Nam đến năm 2045 trở thành một quốc gia phát triển.
“Hiện nay, Đảng và Nhà nước đã tạo rất nhiều cơ hội cho thanh niên. Vì vậy, thanh niên, trí thức trẻ cần tận dụng tốt và trân trọng những cơ hội ấy”.
Khánh Hòa
Để Việt Nam luôn là ưu tiên hàng đầu của trí thức trẻ
“Hiện nay, dù ở đâu, trí thức trẻ cũng có thể cống hiến. Tuy nhiên, câu hỏi tôi muốn đặt ra là: Làm thế nào để xác định họ sẽ cống hiến cho Việt Nam?” - TS. Nguyễn Đỗ Hồng Nhung đặt vấn đề.