"Chúng ta hiểu rằng xây được cái nhà trên đám đất sạch rất dễ, nhưng xây trên một đầm lầy rất là mệt....; Làm thế nào để cộng đồng có thể tiếp sức cùng ngành giáo dục trong việc xây dựng chính sách?"
Một nhóm chuyên gia độc lập đến từ các nhóm dân sự vừa thảo luận chuyện “Mở cổng trường để thay đổi xã hội” đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của công luận. Tuần Việt Nam xin giới thiệu một số ý kiến tại đây.
Ông Nguyễn Thế Trung (Chủ tịch, tổng giám đốc DTT, sáng lập Học viện STEM): Tôi đề cao việc xóa bỏ cho điểm với học sinh các cấp học này. Vì làm như thế tức là chúng ta đã dám mạnh dạn xóa bỏ “quyền lực” của giáo viên trong việc giảng dạy trên lớp cũng như học thêm ngoài giờ. Qua đó, mục tiêu học tập của học sinh cũng sẽ được thay đổi. Học sinh từ cấp tiểu học sẽ có định hướng mới. Các em không phải cần học vì điểm số nữa mà sẽ tập trung học toàn diện hơn.
Bộ GD & ĐT cũng đã kịp thời bổ sung tiêu chuẩn đánh giá hiệu trưởng khối các trường phổ thông dựa trên học sinh đọc sách và CLB khoa học. Đây là thay đổi mang tính bước ngoặt, là cơ sở để “học” thông qua “hành” một cách bài bản.
Hôm 9/12, Bộ GD& ĐT đã đưa văn bản chỉ đạo khyến khích việc đọc tài liệu ngoài sách giáo khoa. Động thái này theo tôi là một cải cách toàn diện của ngành giáo dục.
Tại những cuộc thảo luận thế này, chúng tôi những người làm giáo dục đang cố gắng tiếp sức cùng ngành giáo dục, lấp những lỗ hổng chính sách giáo dục, tìm điểm giao nhau của ba đường trung tuyến: Chính sách, nỗ lực cá nhân và nhu cầu xã hội, tạo ra động lực thay đổi.
Công cuộc cải cách giáo dục cần sự tham gia của cả cộng đồng. Ảnh: Dân Trí |
Ông Nguyễn Quang Thạch (khởi xướng chương trình Sách hóa Nông thôn): Chuyển biến tích cực trong chính sách của Bộ GD&ĐT vừa qua là đã đưa ra được chính sách đọc, tạo nhận thức cho giáo viên và tăng sự đọc cho trẻ em.
Điều này giúp học trò trở thành những người học một cách chủ động. Từ đó tạo cơ hội tiếp cận sách bình đẳng đổi với mọi học sinh, đặc biệt cho học sinh nghèo; cũng góp phần tiết kiệm ngân sách, vận động được nguồn lực xã hội, chia sẻ trách nhiệm xã hội, chung tay hình thành các thư viện và văn hóa đọc.
TS. Chu Cẩm Thơ (chuyên gia giáo dục, sáng lập chương trình giáo dục Toán học POMATH): Mỗi người nên tiếp cận chính sách trên hai phương diện: bị chi phối và chủ thể triển khai chính sách.
Một giáo viên dạy không phải vì ai, mà phải dựa trên nhu cầu. Học sinh học phải dựa trên tính chủ động. Nếu mình đón nhận một cách thụ động thì bị rơi vào tình trạng “chụp mũ”.
Trách nhiệm đối với sự nghiệp giáo dục không chỉ gói gọn trong việc xác định mục tiêu hay các giải pháp đi kèm mà điều quan trọng hơn cả là phải xác định được những mục tiêu phù hợp với nền tảng cơ bản về triết học và khoa học của quốc gia.
TS. Giáp Văn Dương (sáng lập Giapschool): Giáo viên phải chủ động khai phóng chính họ. Tăng cường các chương trình giúp “đánh thứ”c giáo viên tự học, tự hoàn thiện mình theo nhu cầu xã hội dựa trên Tam giác học tập: học để biết, học để làm, học để thành người nào đó.
Ông Nguyễn Tuấn Hải (Chủ tịch Eton Education Group): Độ vênh giữa dạy tiếng Anh trong nhà trường và việc dạy ở ngoài quá lớn. Ở các môn học khác, đã có nhiều chuyển biến và đánh giá tích cực, nhưng đối với việc dạy và học tiếng Anh trong nhà trường gần như không mấy sáng sủa. Các chương trình dạy toán học hoặc khoa học bằng tiếng Anh cho học sinh các cấp, được một số trung tâm giáo dục triển khai, gần như đứng trước nguy cơ phá sản do học sinh không thể tương tác với giáo viên.
Một công việc mà Bộ GD& ĐT chưa làm, hoặc chưa để ý đến, là “giáo dục” phụ huynh. Theo tôi đây là con đường ngắn nhất để có thể góp phần làm thay đổi giáo dục. Trẻ em ở ta vẫn vị coi là nạn nhân của bố mẹ và của các chương trình học. Thay đổi một phụ huynh thường dễ hơn thay đổi giáo viên.
Gần đây, Bộ GD & ĐT đã có những thay đổi để học sinh bớt trở thành nạn nhân hơn. Tuy nhiên thông tư 30 vừa qua đã vấp phải rất nhiều phản ứng. Lý do vì giáo viên không tương thích được. Đây là một trong những trở lực rất lớn, nếu chúng ta cứ dồn sức vào để thay đổi giáo viên thì sẽ rất khó, vậy nên việc thức tỉnh phụ huynh cũng sẽ góp phần giải thoát cho bọn trẻ.
Ông Đỗ Hoàng Sơn (thành viên Hội đồng Tư vấn giáo dục STEM của Edu Spec): Hệ thống thư viện trong các trường như lâu nay không hiệu quả. Chủ trương xây dựng CLB khoa học là một phần văn hóa đọc trong nhà trường được xem là tiến bộ đáng kể, góp phần làm kỹ năng, tạo vốn sống con người chuyên nghiệp.
Hoàng Đan (ghi)