Trong một bài xã luận đứng tên chung đăng tải trên tờ Washington Post, Andy Card, Chánh văn phòng Nhà Trắng trong chính quyền Bush và John Podesta, Chánh văn phòng Nhà Trắng của chính quyền Clinton cho biết, họ từng ở hai phía đối địch trong cuộc đua kịch tính giữa ứng viên Cộng hòa Bush và Phó Tổng thống đương nhiệm Al Gore năm 2000, cuộc bầu cử tổng thống thứ 4 trong lịch sử Mỹ đòi hỏi kiểm phiếu lại do khó phân định thắng thua.

{keywords}
Tổng thống Trump hiện nhất quyết từ chối công nhận chiến thắng của đối thủ Joe Biden trong tổng tuyển cử 2020. Ảnh: AP

Cái giá phải trả cho sự trì hoãn

Ông Card và ông Podesta nói, dù bất đồng với nhau về nhiều vấn đề nhưng cả hai nhất trí về một điểm: Cuộc bầu cử tổng thống 2020 không giống như sự kiện năm 2000, nên cách giải quyết cần khác nhau.

Theo hai cựu quan chức, đêm bầu cử năm 2000 kết thúc trong bất phân thắng bại. Mỗi ứng cử viên đã có gần đủ số phiếu đại cử tri để thắng cử. Ai thắng ở bang Florida sẽ trở thành tổng thống tiếp theo của nước Mỹ. Các hãng thông tấn ban đầu gọi tên người chiến thắng là ông Gore, nhưng sau đó đính chính là ông Bush và cuối cùng thì rút lại mọi tuyên bố.

Ông Gore ban đầu công nhận thất bại, nhưng sau đó cũng rút lại tuyên bố, động thái đầu tiên kiểu này trong lịch sử Mỹ. Sau khi quá trình kiểm phiếu lại hoàn tất, hai ứng viên chỉ chênh lệch nhau 537 phiếu ở bang chiến địa quyết định kết quả bầu cử.

Vì diễn biến phức tạp trên, David J. Barram, người đứng đầu Cơ quan Dịch vụ tổng hợp (GSA, cơ quan liên bang có đủ thẩm quyền để chính thức công bố ai là tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo) vào thời điểm đó đã từ chối "xác nhận" ông Bush chiến thắng, cho đến khi Tòa án Tối cao đưa ra phán quyết cuối cùng và ông Gore chấp nhận.

Cho đến nay, đây là trường hợp duy nhất về "sự xác nhận" bị trì hoãn lâu đến như vậy - 37 ngày. Do đó, mặc dù ông Bush và đội ngũ trợ lý then chốt vẫn được cung cấp đầy đủ các báo cáo tình báo, nhưng nhóm chuyển giao của chính khách này không được tiếp cận các cơ quan và nguồn lực liên bang suốt khoảng thời gian trên.

Ông Card và ông Podesta cho rằng, hiện không nên để Tổng thống mới đắc cử Biden cùng đội ngũ chuyển giao của ông phải hứng chịu sự trì hoãn tương tự. Bối cảnh bầu cử năm nay không giống cách đây một thập niên, kết quả bỏ phiếu cũng nhiều khác biệt. Và nước Mỹ đã biết những cái giá phải trả cho sự trì hoãn.

Không đầy 8 tháng sau khi ông Bush tuyên thệ nhậm chức năm 2001, vào ngày 11/9 cùng năm, hai chiếc máy bay khủng bố đã đâm vào Tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới, gây thảm họa cướp đi sinh mạng của gần 3.000 người Mỹ. Ông Card chính là người nhận nhiệm vụ nói thầm vào tai Tổng thống Bush để báo tin "nước Mỹ đang bị tấn công".

Khi Ủy ban 11/9 hoàn thành báo cáo, họ phát hiện sự trì hoãn chuyển giao quyền lãnh đạo chính phủ "đã cản trở chính quyền mới nhận diện, tuyển dụng, dọn đường và thúc đẩy Thượng viện phê chuẩn các quyết định bổ nhiệm nhân sự quan trọng" trong lĩnh vực an ninh quốc gia. Ủy ban cũng kết luận, việc tránh những gián đoạn về chuyển giao trong tương lai sẽ vì lợi ích quốc gia.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục càn quét khắp toàn quốc, những cái giá phải trả cho sự trì hoãn hiện nay dự kiến sẽ lớn hơn nhiều so với hầu hết các thời điểm khác trong lịch sử. Cụ thể, sự trì hoãn chuyển giao cùng với tình trạng thiếu vắng hợp tác giữa chính quyền sắp mãn nhiệm và chính quyền sắp lên nắm quyền có thể cản trở sự phục hồi kinh tế, làm chậm việc phân phối vắc-xin và kéo theo đó là đẩy cuộc sống của người dân Mỹ vào nguy hiểm lớn hơn.

Lịch sử cho thấy, các thế lực thù địch luôn tìm cách lợi dụng tập kích Mỹ trong giai đoạn chuyển giao, kể cả một âm mưu tấn công khủng bố bất thành vào ngày Tổng thống Obama tuyên thệ nhậm chức. Không ai mong muốn điều đó xảy ra trong hiện tại.

Cả thế giới trông vào

Vào thời điểm bài xã luận của ông Card và ông Podesta được đăng tải, đương kim Tổng thống Donald Trump đang thua đối thủ Joe Biden ở 4 bang chiến địa Pennsylvania, Georgia, Nevada và Arizona. Đối với ông Trump, việc có đủ 270 phiếu đại cử tri để thắng cử đồng nghĩa ông sẽ phải thắng ở 3 bang kể trên, bao gồm cả Pennsylvania và Georgia.

Trong khi, ông Biden hiện đang dẫn trước một cách thuyết phục với số phiếu cách biệt ở tất cả các bang chiến địa kể trên. Riêng tại Pennsylvania, ông Biden hơn tới 46.000 phiếu ủng hộ, tức là hơn gấp 80 lần số phiếu chênh lệch giữa hai ứng viên ở Florida năm 2000. Đó là lí do tại sao cựu Tổng thống Bush trong tuyên bố phát đi ngày 8/11 đã lên tiếng chúc mừng ông Trump vì giành được số phiếu phổ thông nhiều thứ hai trong lịch sử Mỹ, nhưng khẳng định kết quả bầu cử đã rõ ràng.

Theo tổ chức phi đảng phái FairVote, chỉ có 3 trong tổng số 31 cuộc kiểm phiếu lại cấp bang trong suốt 20 năm qua đã đảo ngược được kết quả ban đầu của một cuộc bầu cử. Tính trung bình, một cuộc kiểm phiếu lại chỉ thay đổi sự chênh lệch giữa hai ứng viên là 430 phiếu và sự thay đổi thường cũng là có lợi cho ứng viên đang dẫn trước. Chỉ 5 cuộc kiểm phiếu lại trong 20 năm qua nới rộng chênh lệch phiếu lên con số 1.000 và thay đổi nhiều nhất là 2.567 phiếu.

Mặc dù với tư cách đương kim tổng thống, ông Trump có quyền theo đuổi cuộc chiến pháp lý hoặc đòi kiểm phiếu lại nhưng các cựu Chánh văn phòng Nhà Trắng tin, vì lợi ích của quốc gia trong bối cảnh đại dịch hoành hành và "cả thế giới nhìn vào", nước Mỹ cần sự đoàn kết và sự chuyển giao quyền lực hòa bình, suôn sẻ ngay lập tức.

Xem thêm: Bầu cử tổng thống Mỹ 2020

Tuấn Anh

Căn nguyên khiến ông Trump thất cử

Căn nguyên khiến ông Trump thất cử

Nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump điều hành đất nước như thời điểm tranh cử năm 2016, với tư cách một người theo chủ nghĩa dân túy về kinh tế, ông nhiều khả năng đã tái cử.

Kiểm phiếu lại có làm thay đổi kết quả bầu cử tổng thống Mỹ?

Kiểm phiếu lại có làm thay đổi kết quả bầu cử tổng thống Mỹ?

Tổng thống Mỹ Donald Trump hy vọng, việc tái kiểm phiếu ở một số bang sẽ góp phần thay đổi kết quả kỳ bầu cử năm nay.