Theo Bloomberg, những công ty công nghệ lớn của Trung Quốc như Alibaba của Jack Ma và Tencent Holdings hoạt động tương tự Facebook và Alphabet của Mỹ. Chúng khai thác dữ liệu người dùng để tinh chỉnh các dịch vụ kỹ thuật số.

Thế mạnh dữ liệu sẽ mang đến những sản phẩm tốt hơn. Nhờ đó, các tập đoàn công nghệ lớn trở nên giàu có hơn, quyền lực hơn và dễ dàng thống trị thị trường.

Trong những năm qua, chính quyền Trung Quốc tiến xa hơn phần còn lại của thế giới trong việc siết chặt kiểm soát nhóm Big Tech. Hồi tháng 3, Bắc Kinh công khai kế hoạch "trị" các công ty nền tảng (platform) tích lũy dữ liệu để tạo thế độc quyền và nuốt chửng các đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn.

Nhà chức trách Trung Quốc phạt Alibaba 2,8 tỷ USD vì lạm dụng vị thế thống trị thị trường. Hàng chục công ty Internet lớn khác cũng phải dành một tháng để điều chỉnh các hành vi phản cạnh tranh.

{keywords}
Trung Quốc đang siết chặt kiểm soát các tập đoàn công nghệ lớn, bao gồm Alibaba và Ant Group của tỷ phú Jack Ma. Ảnh: Reuters.

Rủi ro quốc hữu hóa dữ liệu

Bắc Kinh đang đổ tiền vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, soạn thảo luật mới về sử dụng dữ liệu và xây dựng các trung tâm dữ liệu mới trên khắp đất nước. Mục tiêu của Trung Quốc là trở thành quốc gia đi đầu trong việc chuyển đổi nền kinh tế ở những thập kỷ tới.

"Đó không phải sáng kiến ​​ngắn hạn. Trung Quốc thực sự coi dữ liệu như một động lực kinh tế", ông Kendra Schaefer, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Kỹ thuật số tại Trivium China, nhận định.

Theo Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc, nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với GDP vào năm 2019. Công ty nghiên cứu thị trường IDC dự đoán Trung Quốc sẽ nắm giữ khoảng 1/3 dữ liệu trên thế giới trong năm 2025, tương đương khoảng 48,6 zettabyte, nhiều hơn Mỹ 60%.

Thách thức của chính quyền Trung Quốc là thuyết phục các công ty công nghệ lớn tham gia. Đó là những tổ chức nắm giữ nhiều dữ liệu nhất tại quốc gia 1,4 tỷ dân.

Tại một diễn đàn kinh tế Trung Quốc, giáo sư Zhao Yanqing tại Đại học Hạ Môn đưa ra trường hợp các công ty công nghệ lớn phải quốc hữu hóa dữ liệu. "Những công ty như Alibaba và Tencent hưởng lợi khi Trung Quốc chặn các nền tảng nước ngoài như Google và Facebook. Giờ, họ phải chia sẻ những lợi ích đó", ông nói thêm.

Tuy nhiên, hầu hết nhà phân tích cho rằng điều đó khó xảy ra. Việc quốc hữu hóa dữ liệu có thể cản trở đổi mới. Bắc Kinh đang cần những đột phá về công nghệ khi Mỹ hợp tác với các đồng minh để ngăn Trung Quốc đạt được những bước tiến mới.

"Trung Quốc cần những công ty có tính cạnh tranh cao", phó giáo sư Lizhi Liu tại Đại học Georgetow nhận xét. "Việc quốc hữu hóa dữ liệu sẽ làm tổn thương các công ty công nghệ. Nếu lấy đi dữ liệu, họ cũng mất động lực và khả năng đổi mới", vị chuyên gia nói thêm.

Thế khó của Bắc Kinh

Những năm gần đây, các nhà lập pháp Trung Quốc đã dồn sự chú ý vào vấn đề an ninh. Theo một đạo luật năm 2017, nhà chức trách sẽ được truy cập hầu hết dữ liệu cá nhân khi cần thiết, thậm chí yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu của khách hàng Trung Quốc tại nước này.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện đẩy mạnh sử dụng dữ liệu lớn nhằm cải thiện các dịch vụ của chính phủ. Lính cứu hỏa có thể sử dụng dữ liệu để phản ứng nhanh hơn với những cuộc gọi. Dữ liệu của các bệnh viện sẽ giúp truy vết người dân và ngăn chặn virus Covid-19 lây lan rộng.

Dữ liệu tạo nền tảng cho mọi thứ, từ thành phố thông minh, quy định tài chính đến các hoạt động giám sát chống lại những người bất đồng chính kiến.

Chính quyền Trung Quốc cũng đang phát triển đồng NDT kỹ thuật số, cạnh tranh với Alipay của Ant Group và WeChat Pay của Tencent. Hai nền tảng này hiện thống trị thị trường thanh toán di động Trung Quốc.

{keywords}
Alipay của Ant Group và WeChat Pay của Tencent hiện thống trị thị trường thanh toán di động Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Đồng NDT kỹ thuật số sẽ cho phép Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thu nhập lượng dữ liệu khổng lồ về giao dịch của người dân. Nhà chức trách cũng đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong hệ thống đo lường tín dụng xã hội của doanh nghiệp, từ việc nộp thuế, bảo vệ môi trường đến chất lượng sản phẩm.

Chính quyền Trung Quốc nhấn mạnh rằng họ sẽ không buộc doanh nghiệp giao dữ liệu. "Đối với việc sử dụng, phát triển và trao đổi dữ liệu, chúng tôi vẫn đang khám phá các cơ chế", ông Hu Jianhua, Phó tổng giám đốc Cục quản lý Phát triển Dữ liệu lớn tỉnh Quý Châu, cho biết.

"Các doanh nghiệp có quyền sở hữu dữ liệu. Chúng tôi khuyến khích, nhưng không bắt buộc họ công khai dữ liệu", ông nói thêm.

Một giải pháp khác là chính phủ cũng đầu tư vào các doanh nghiệp. Tháng trước, Bloomberg đưa tin Trung Quốc đã đề xuất thành lập một liên doanh do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đứng đầu với các tập đoàn công nghệ lớn. Liên doanh sẽ giám sát dữ liệu của hàng trăm triệu người dùng.

Financial Times đưa tin Ant Group của tỷ phú Ma từ chối đề xuất. Tuy nhiên, theo Bloomberg, vài năm trước, khi không đồng ý chia sẻ dữ liệu với PBoC, Alibaba và Tencent đã đối mặt với nhiều rắc rối.

"Quyền riêng tư dữ liệu là 'trở ngại lớn nhất' của Trung Quốc trong việc đối phó với các gã khổng lồ công nghệ. Có một sự xung đột trong việc bảo vệ quyền riêng tư của người dùng và thúc đẩy cạnh tranh giữa những nền tảng khác nhau", bà Angela Zhang, Giám đốc Trung tâm Luật Trung Quốc tại Đại học Hong Kong, bình luận.

Các công ty lớn nhất Trung Quốc cũng đang tìm cách giảm thiệt hại từ những quy định mới của Bắc Kinh. Sau khi cuộc điều tra của Alibaba kết thúc, Giám đốc điều hành Daniel Zhang cho biết công ty sẽ tiếp tục làm việc với cơ quan quản lý về quyền riêng tư dữ liệu.

Hồi tháng trước, ông Pony Ma của Tencent đề xuất quy định chặt chẽ hơn đối với các doanh nghiệp Internet, bao gồm Tencent. Ông còn có một "cuộc họp tự nguyện" với những cơ quan chống độc quyền nước này.

(Theo Zing)