- Đã tốt nghiệp đại học năm 2012, đến nay Vinh vẫn chưa có một công việc ổn định. Câu chuyện của Vinh, cử nhân ngành công nghệ cơ điện tử của một trường ĐH ở Hà Nội khiến nhiều người ngao ngán. 

Thời điểm mới ra trường, Vinh cũng như bao tân cử nhân khác đều tin tưởng sẽ nhanh chóng tìm được công việc đúng với chuyên ngành của mình. Nhưng sự thật lại không như suy nghĩ.

Về quê (một huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ), không thể xin được vào cơ quan nào vì chuyên ngành Vinh học rất khó xếp việc. Gia đình đôn đáo tìm mối quan hệ gần xa với mong mỏi xin cho Vinh vào làm ở bất kỳ cơ quan nhà nước nào cũng được, miễn là có việc làm và được gần nhà. Nhưng để xin việc người ta ra giá cả trăm triệu đồng mà cũng chưa chắc đã được nhận, cộng với việc lương tháng bèo bọt. Mặc dù bố mẹ quyết vay mượn để chạy chọt nhưng Vinh không dám mạo hiểm. Thế là giấc mộng về quê xin việc làm nhanh chóng sụp đổ. Vinh quay lại thành phố và bắt đầu những ngày tháng tìm việc gian nan, phập phù.

  {keywords}
Ảnh minh họa

Vinh kể, trong vòng 4 năm đã trải qua rất nhiều công việc khác nhau, từ nhân viên pha chế, phục vụ trong quán cà phê, đến công việc tiếp thị thuốc tây, nhân viên kinh doanh rượu, nhân viên môi giới nhà đất. Nhiều lúc đi giao hàng, khách hỏi học trường gì Vinh phải giấu nhẹm bằng cấp của mình. Mỗi công việc Vinh làm không được 1 năm thì lại nghỉ vì không tìm thấy tương lai, và không phù hợp với một cử nhân ĐH. Thu nhập hàng tháng không đủ để trang trải cuộc sống, Vinh vẫn phải nhờ đến sự trợ giúp của bố mẹ.

Vừa đi làm, Vinh và gia đình vẫn nhờ vả người quen là cán bộ nhà nước ở Hà Nội tìm mối giới thiệu việc làm trong một cơ quan nhà nước đúng với chuyên môn. Nhưng chờ đợi mãi mà cơ hội vẫn không tới. Đã 5 năm trôi qua, những kiến thức chuyên ngành đã ngủ quên từ lâu. "Nếu mai mốt có cơ hội làm việc đúng chuyên ngành mình đã học em cũng không dám chắc mình có thể làm tốt được không" - Vinh chia sẻ.

Hùng tốt nghiệp khoa Công nghệ thông tin (Trường ĐH Đông Đô) cũng chưa từng làm một công việc nào liên quan đến chuyên ngành học kể từ ngày ra trường. Hùng bảo, mặc dù gia đình có đủ khả năng tài chính để lo lót công việc nhưng vì không có mối quan hệ, không quen thân ông này bà kia ở ban này, bộ nọ nên giấc mơ trở thành một viên chức của Hùng mấy năm nay vẫn dang dở. Năm ngoái, gia đình Hùng nhờ người quen giới thiệu vào một doanh nghiệp nhà nước, người môi giới đã nhận tiền đặt cọc cả trăm triệu và hứa sẽ thu xếp xong xuôi trong vòng 1 tháng nhưng chờ đợi đến 4-5 tháng mà vẫn không có tín hiệu gì...

Hỏi Hùng sao không dùng số tiền đó để kinh doanh như nhiều bạn trẻ đang làm, Hùng nói: Việc xin vào cơ quan nhà nước là mong muốn của bố mẹ vì họ cho rằng đây là môi trường an toàn, không biến động, lại có lương hưu và các chế độ đãi ngộ tốt. Nếu có bỏ ra một số tiền để chạy được việc thì bố mẹ cũng cảm thấy yên lòng vì đó là sự đầu tư có bảo đảm.

Còn hiện tại, sau hơn 4 năm tốt nghiệp, mang danh cử nhân công nghệ thông tin, Hùng đã có đến 3 năm kinh nghiệm làm môi giới bất động sản. Công việc này có lúc thu nhập rất cao song với một thanh niên trẻ, ham chơi, ham vui thì cầm mấy chục triệu tiền hoa hồng trong tay cũng chỉ vài ngày là hết veo. Hùng bảo, công việc như vậy khiến mình cảm thấy tương lai khá mù mịt, đã nhiều lần muốn tìm một việc làm ổn định nhưng số kiến thức học được trong nhà trường lâu ngày không động đến đã bị mai một hết, không đáp ứng được yêu cầu công việc. Giờ đây chỉ còn cách quyết tâm theo đuổi công việc hiện tại, không mơ mộng chạy vào nhà nước nữa. Coi như mấy năm học đại học thành công cốc…

Hương, quê Ninh Bình, cử nhân ngành Kế toán cũng lăn lộn với nhiều công việc để trụ lại Hà Nội. Bố Hương là cán bộ hành chính ở xã nên cũng có quan hệ, có thể lo cho em một công việc ở quê nhưng cũng phải mất ngót nghét trăm triệu. Vì ở xã công việc ít, cử nhân tốt nghiệp nhiều, lại có nhiều người quan hệ họ hàng, làng xóm nên để có được một việc làm cũng không dễ dàng. Hơn nữa lương tháng lại ít ỏi, chẳng đủ tiền mua sắm quần áo chứ chưa nói đến việc phải dành dụm để trả nợ khoản tiền vay mượn chạy việc. Thế là Hương đành quay lại thành phố kiếm việc làm.

May mắn xin được việc kế toán ở một công ty tư nhân nhỏ, nhưng do mới ra trường, kinh nghiệm không có nên lương thấp, chỉ khoảng 2 triệu thử việc. Để bù đắp các khoản chi phí, theo được mức sống đắt đỏ của Hà Nội, Hương phải đi làm bán thời gian cho rất nhiều công ty, như chạy chợ giới thiệu hàng, tiếp thị bia rượu... Vì thế hầu như Hương không có ngày nghỉ, bởi nghỉ làm là đồng nghĩa với việc nghỉ ăn, nghỉ tiêu,...

Hương cay đắng cho biết: Mặc dù làm nhiều nhưng thu nhập cũng chả được bao nhiêu, tháng nào cũng phải vay nợ để trả tiền thuê nhà, tiền mua sắm quần áo,… Cuộc sống còn khó khăn hơn cả thời sinh viên. Có lúc hết tiền còn phải bẻ mì tôm ăn sống trong 2 ngày liền. Nghĩ đến thời gian sinh viên tươi đẹp với bao ước mơ và hy vọng về một nghề nghiệp ổn định, thu nhập cao mà Hương chỉ muốn khóc.

***

Những trường hợp như Vinh, Hùng, Hương không hiếm gặp trong xã hội. Hàng ngàn tân cử nhân bước chân vào giảng đường ĐH, nhìn cuộc sống là một màu hồng, nhưng chỉ từ năm cuối ĐH đến khi tốt nghiệp, họ phải đối diện với một thực tế hoàn toàn trái ngược.

Cử nhân thất nghiệp, loay hoay kiếm sống bằng mọi công việc không chỉ là sự lãng phí công sức, tiền bạc của gia đình và bản thân các em mà đó là sự lãng phí chất xám, tài năng của cả xã hội.

Quyên Đỗ

(*Tên các nhân vật đã được thay đổi.)