-“Chúng tôi vẫn thường nói rằng "trên nóng dưới lạnh" và thực tế là trên đã rải thảm nhưng dưới chưa rút hết đinh”.

Trưởng đoàn ĐBQH Phú Yên Hoàng Văn Trà nêu băn khoăn về tình trạng tham nhũng, lãng phí trong phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế xã hội hôm nay.

Ông cho rằng, tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Trong khi đất nước còn nhiều khó khăn thì chúng ta đang đầu tư nhiều công trình dự án không hiệu quả. 

{keywords}

ĐB Hoàng Văn Trà

Ông cũng đặt vấn đề về việc bộ máy hành chính, bộ máy công quyền đã thực sự chuyển động hay chưa, đến mức nào.

“Chúng tôi vẫn thường nói rằng 'trên nóng dưới lạnh' và thực tế là trên đã rải thảm nhưng dưới chưa rút hết đinh”, ĐB Phú Yên nhấn mạnh.

ĐB Trà đề nghị cần nâng cao tính năng động, sáng tạo của chính quyền địa phương các cấp. Phải phát huy làm sao tốt nhất tính chủ động sáng tạo, tránh tâm lý trông chờ ỷ lại cấp dưới và cấp trên. Vì vậy cần phân cấp, phân quyền mạnh hơn.

Bao nhiêu phần trăm công chức nâng niu hồ sơ của dân?

Cũng liên quan đến công tác cán bộ, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Ngọ Duy Hiểu đặt câu hỏi: ​“Bao nhiêu phần trăm công chức nâng niu hồ sơ của dân?”.

{keywords}
ĐB Ngọ Duy Hiểu. Ảnh: Hoàng Anh

Theo ông, để tái cơ cấu nền kinh tế và thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thì phải đột phá vào vấn đề con người và thể chế. Đây là những điểm nghẽn, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân kìm hãm, làm chậm quá trình phát triển của đất nước.

ĐB Hiểu cho rằng cần khắc phục sớm việc bố trí, sắp xếp, phân công cán bộ không phù hợp với năng lực, trình độ, kinh nghiệm, sở trường. Một số cán bộ công chức không yếu về năng lực, trình độ, thậm chí so với công chức trong khu vực, nhưng lại kém về phẩm chất đạo đức và tinh thần, trách nhiệm.

“Thử hỏi cả nước có bao nhiêu phần trăm công chức các cấp khi cầm trên tay hồ sơ hành chính của công dân, doanh nghiệp thì nâng niu, trân trọng và coi đó là trách nhiệm của mình?”, ĐB Hà Nội nhấn mạnh.

Ông Hiểu cũng đặt vấn đề, liệu có bao nhiêu phần trăm cán bộ tâm niệm phải tham mưu, xử lý thật nhanh, thật đúng hồ sơ cho người dân và DN, hay là tìm cớ gây khó khăn, nhũng nhiễu, làm cho DN, công dân ngại ngần, sợ hãi khi phải tiếp cận các thủ tục hành chính. 

“Đây là vấn đề không cá biệt ở các cấp, các ngành, các địa phương. QH, CP không có con số thống kê nhưng nhiều công dân, DN không làm nhiệm vụ thống kê, không hiểu về khoa học thống kê lại có thể có những con số khá chính xác về thực trạng này”, ông băn khoăn.

Có văn bản thể hiện lợi ích nhóm

Nói về thể chế, ĐB Hiểu cho rằng còn nhiều văn bản pháp luật chất lượng không cao, hiệu lực ngắn, xung đột, chồng chéo với các văn bản khác, khó đi vào đời sống.

“Một số văn bản khác trói buộc, kìm hãm sự phát triển của DN và sức sáng tạo của nhân dân. Có cả những văn bản, DN và cử tri kêu ca là thể hiện rõ sự trục lợi và lợi ích nhóm, ôm quyền và lợi ích về mình nhưng đẩy khó khăn, trách nhiệm cho địa phương, cơ sở”, ĐB Hà Nội nói.

Theo Phó đoàn ĐB Hà Nội, một xã hội khởi nghiệp, sáng tạo thật khó sinh sôi và phát triển trong một môi trường pháp lý như vậy. Dù nhiều vấn đề về thể chế được Thủ tướng nêu quyết tâm ngay từ những phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhưng ĐB Hiểu cho rằng: “Chúng tôi vẫn không hết nỗi lo về thể chế”. 

Ông nêu thực tế, ở một số bộ, Bộ trưởng quan tâm nhưng cấp dưới không chú trọng việc xây dựng hệ thống thông tư, nghị định. Có bộ chưa chọn những cán bộ giỏi, am tường, nhiều kinh nghiệm trực tiếp tham gia xây dựng văn bản, chính sách. 

Số cán bộ này dành thời gian tham gia các dự án, đi công tác nước ngoài, làm những công việc khác. Họ dành việc xây dựng văn bản, chính sách cho các chuyên viên, thậm chí cho cả những chuyên viên mới về bộ công tác chỉ vài ba năm.

Thu Hằng - Hồng Nhì