Giữa lòng thành phố hiện đại, lần đầu tiên “lớp học không mặt trời” được tái hiện một cách chân thực.
Đoạn video này nhanh chóng thu hút sự chú ý và được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội. Những hình ảnh đối lập giữa lớp học của những đứa trẻ thành thị và vùng cao khiến nhiều người không khỏi xúc động.
Khoác lên mình chiếc áo trắng tinh vẫn còn thơm phúc mùi nước xả vải được ba mẹ chuẩn bị sẵn sàng để tới lớp. Nhưng sân trường hôm nay thật khác, con đường dẫn vào lớp không phải là đoạn đường xi măng như mọi khi mà thay vào đó là một đoạn đường đất, lấm tấm bùn. Dù đôi giày xinh đẹp mọi ngày đã được thay bằng những đôi ủng đen nhưng nó cũng chẳng thể giúp các em chạy tung tăng vào lớp nữa, ai nấy đều lầm lũi, tập trung bước để không bị té. Trên những gương mặt trẻ thơ rạng kia bắt đầu nhăn nhó chỉ vì con đường hôm nay tới lớp dường như khó khăn nhiều.
Những đứa trẻ bước vào lớp học với ánh nhìn ngơ ngác không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Cái bảng “Lớp học Tri Lễ” trước lớp thật lạ. Những tưởng, lớp vẫn có đầy đủ bàn ghế, đèn điện như mọi khi nhưng hôm nay lớp học thật khác. Ngoài chiếc bảng đen, bàn giáo viên, lớp học dường như chẳng có gì: không ánh điện, không kệ tủ, không vách xi măng kiên cố…
Lớp học thân quen cũng hóa xa lạ, dù vẫn đang bỡ ngỡ nháo nhác không hiểu chuyện gì diễn ra thì lớp học vẫn bắt đầu. Giờ tập đọc hôm nay, những đứa trẻ phải mò mẫn từng con chữ trong sách giáo khoa bằng thứ ánh sáng yếu ớt hắt vào từ cửa sổ. Không điện, không có cả quạt, cái sự nóng nực khiến chúng không thể nào tập trung vào bài giảng của cô giáo.
Lớp học bỗng tối lại, đoạn video về “lớp học không mặt trời” được phát, những ánh mắt ngơ ngác, ngạc nhiên đều hướng về phía màn hình. Không khí lớp học trùng xuống, chính sự tương phản giữa trường lớp của các bạn vùng cao đã thu hút sự chú ý của cả lớp. Trên màn hình là một thế giới thật khác, các bạn nhỏ đều đến trường học nhưng chẳng có đồng phục trắng tinh, chẳng có lớp học sáng sủa, trường học giữa đồi núi trùng điệp chứ không phải là những ngôi nhà cao tầng như ở thành phố. Nhưng ở đó vẫn có tiếng ê a đọc bài, những nụ cười giòn giã trong giờ giải lao.
Những đứa trẻ thích thú khi được đeo vào chiếc kính thực tế ảo Gear VR do Samsung mang đến. Thật kỳ diệu, mọi thứ như ở ngay trước mắt, gần gũi và chân thực tới nỗi cứ ngỡ rằng chỉ cần đưa tay ra là chạm tới. Từng bước chân, từng gương mặt, từng nụ cười của những bạn học sinh mà các em chưa từng gặp mặt trở nên gần gũi hơn bao giờ hết. Dù đường đến trường chẳng phải bê tông, dù lớp học tối đèn và thiếu thốn đủ thứ, nhưng có lẽ niềm vui đến trường luôn là cái chung của tất cả những đứa trẻ.
Lớp học đặc biệt hôm nay cũng khiến những đứa trẻ có những suy nghĩ thật khác: “Xem video con thấy các bạn rất là khó khăn không giống như con, các bạn phải đi đường lầy, mang giày bình thường thì không thể đi được” hay “Cái lớp học tối này, mấy bức tường phải màu trắng, phải cần thêm đèn, quạt”. Những mong ước chân thành của các em khiến nhiều người phải suy ngẫm và tự đặt ra câu hỏi: “Liệu rằng sẽ xuất hiện ánh đèn trong những “lớp học không có mặt trời” này chứ?”
Được biết, clip đặc biệt này được dựng bởi nhóm thực hiện dự án “Mặt trời mơ ước” - Thắp sáng hy vọng và tương lai cho Tri Lễ. Dự án này nằm trong chương trình Wedo, một hoạt động thuộc khuôn khổ WeChoice Awards 2018, giải thưởng tôn vinh những con người, kể lại những câu chuyện đầy cảm hứng, hướng cộng đồng đến những giá trị tốt đẹp. Đồng hành cùng dự án, Samsung sẽ mang đến 1.000 chiếc đèn năng lượng mặt trời thắp sáng ngàn mặt trời ước mơ cho trẻ em nơi vùng cao Tri Lễ. Và hơn thế nữa là một ngôi trường khang trang cùng thư viện hiện đại, hỗ trợ lắp đặt máy vi tính, để các em nhỏ có điều kiện tiếp cận với công nghệ hiện đại, có thể khám phá thế giới xa hơn ngọn núi của buôn làng.
Lệ Thanh