- Chở con bằng xe máy, nhưng nhiều bậc cha mẹ vô tâm chỉ mang mũ bảo hiểm cho mình. Khi gặp sự cố trên đường, trẻ em lại là người hứng chịu hậu quả nặng nề.
Bảy ngày nghỉ Tết âm lịch, Khoa Răng Hàm Mặt Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM tiếp nhận 11 trường hợp trẻ chấn thương hàm mặt. Trong đó có tới 9 ca trẻ bị tai nạn giao thông.
Ngay đêm mùng 1 Tết âm lịch 2017, khi đang đi xe đạp điện với bạn về nhà, cậu học sinh lớp 4 ở Phú Yên bị tài xế nhí lớp 10 chạy xe máy tông trúng khiến ngã nhào xuống đường.
Em được mọi người đưa vào bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên cấp cứu trong tình trạng bất tỉnh, máu chảy ra nhiều ở vùng mũi. Sau 1 tuần chữa trị, gia đình đã đưa em vào TP.HCM.
BS Đẩu kiểm tra tổn thương cho bệnh nhi |
Theo BS Nguyễn Văn Đẩu - Trưởng khoa Răng Hàm Mặt BV Nhi Đồng 1, bệnh nhi vào khoa trong tình trạng rách môi, máu tụ ở mắt, răng cắn hở.
Qua hình ảnh CT, bác sĩ nhận thấy tình trạng tổn thương khá nặng khi bị vỡ xương chính mũi, gò má, ổ mắt, vỡ xoang hàm. Sau nhiều ngày được điều trị nội khoa, dự kiến ngày mai bệnh nhi sẽ được phẫu thuật tái tạo lại các phần xương bị gãy.
"Ca mổ của cậu học sinh lớp 4 không hề đơn giản khi xương hàm và xương gò má vỡ, rời ra, ảnh hưởng tới các bộ phận khác ở mặt" – BS Đẩu nói và cho biết, ca mổ kéo dài ít nhất là 3 giờ đồng hồ.
Ngoài tai nạn giao thông, thời điểm Tết, trẻ gặp chấn thương trong sinh hoạt cũng chiếm tỷ lệ khá cao.
Trong lúc chơi đùa với bạn vào ngày mùng 6 Tết, bé 9 tuổi ở Lâm Đồng bị té ngã và va đập mạnh trụ sắt.
Bé được đưa tới viện trong tình trạng rách môi, trầy xước má, gãy răng hàm dưới. Qua kiểm tra, gia đình tá hỏa khi bác sĩ thông báo bé bị gãy cành ngang xương hàm dưới, gãy xương cẳng chân trái.
Theo BS Đẩu, thời gian nghỉ Tết, các bé có nhiều thời gian chơi ở nhà, và cha mẹ ít khi quan tâm do bận công việc, một số bé khác thì được phụ huynh đưa đi chơi nhiều, dẫn tới các tai nạn về tổn thương hàm mặt.
"Nhiều bậc cha mẹ chở con tham gia giao thông nhưng vô tâm khi không cho các bé đội mũ bảo hiểm (đi xe máy), hay thắt dây an toàn (đi ô tô). Khi gặp sự cố, trẻ bị các chấn thương rất nặng và kéo dài" - vẫn lời vị Trưởng khoa Răng hàm mặt.
BS Đẩu nói thêm, chấn thương hàm mặt để lại di chứng nặng nề. Các vết thương thường để lại sẹo, không chỉ ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ mà còn tác động tới chức năng các bộ phận khác ở vùng mặt như kéo xệ mắt, mũi…
Ngoài ra, chấn thương cũng làm xương vùng mặt phát triển không được như lúc bình thường. Răng vĩnh viễn bị gãy cũng không thể mọc lại, phải trám răng giả vào, vừa tốn kinh phí, vừa để trẻ gánh chịu nỗi đau.
"Điều quan trọng là các bậc làm cha làm mẹ phải quan tâm tới sinh hoạt của con khi ở nhà, hay lúc ra đường, phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho trẻ" - BS Đẩu khuyến cáo.
Văn Đức