Bác sĩ Duy khuyến cáo các cha mẹ thường xuyên quan tâm tới trẻ, giải thích cho trẻ không nên cho trẻ nuôi rắn làm thú cưng trong nhà để tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe người nuôi lẫn người thân của mình.
Theo thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích. Số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích là 6.600 trường hợp/năm, chiếm tỷ lệ 35,5%. Ngoài ra, nhiều trẻ em bị chấn thương phải điều trị tại bệnh viện và thường để lại hậu quả lâu dài về sức khỏe, tâm lý, thậm chí là khuyết tật suốt đời.
Các nguyên nhân thương tích thường gặp đối với học sinh là tai nạn giao thông, té ngã, đuối nước, bỏng, điện giật, ngộ độc do hóa chất, thực phẩm, vật sắc nhọn đâm, cắt, đánh nhau, bạo lực hoặc do tiếp xúc với các vật nổ như pháo và bao gồm cả trường hợp thương tích do hành động tự tử gây ra.

Bên cạnh đó, không ít trẻ bị tai nạn rắn cắn do ngủ dưới nền nhà, đi ra vườn nhà chơi hoặc trên đường đi học về. Thậm chí, có trẻ bị rắn cắn vì coi đây là một "thú cảnh".
Khoa Cấp cứu - Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, từng điều trị cho bé trai 13 tuổi ở Hà Nội bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Con rắn này được chính cậu bé đặt mua trên mạng về làm thú cưng.
Trước khi nhập viện 2 tuần, trẻ giấu người nhà tự đặt mua trên mạng 3 con rắn lục về nhà nuôi. Buổi chiều, khi trẻ thay chuồng cho rắn trong tủ quần áo tại phòng riêng của mình, để di chuyển rắn trẻ có dùng que sắt gắp con vật sang hộp khác. Tuy nhiên trong lúc đóng hộp nuôi rắn lại, trẻ bị rắn cắn vào ngón tay trỏ.
Sau tai nạn, trẻ chạy ra báo người nhà, lúc này gia đình mới biết con nuôi rắn. Gia đình lập tức đưa trẻ nhập viện Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu với bàn tay phải sưng nề, thâm tím và chảy máu ngón trỏ, đau nhức.
Tiến sĩ Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu - Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết bệnh nhi lập tức được truyền huyết thanh kháng nọc rắn lục, chống viêm và kháng sinh phòng nhiễm trùng vết thương…
Mới đây, một bé trai 7 tuổi ở huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn bắt con rắn cạp nia rồi bỏ vào cặp, đến lớp bị rắn độc cắn vào ngón tay út. Cô giáo phát hiện, vội đưa trẻ đi cấp cứu. Sau đó, bé được chuyển từ trung tâm y tế huyện vào bệnh viện đa khoa tỉnh sáng 17/10 ở giờ thứ 3 sau khi bị rắn độc cắn.
Vào bệnh viện tỉnh, bệnh nhi có biểu hiện sụp mi mắt, yếu tay chân, có dấu hiệu yếu liệt cơ hô hấp, thở khó khăn, liệt hầu họng. Các bác sĩ và điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc đã nhanh chóng đánh giá, cấp cứu, đặt ống nội khí quản, thở máy cho bệnh nhi.
Tới sáng 18/10, bệnh nhi vẫn trong tình trạng thở máy, liệt toàn thân, đồng tử giãn, rối loạn điện giải. Do không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia để điều trị đặc hiệu cho bệnh nhi, các bác sĩ ở Lạng Sơn phải chuyển bệnh nhi lên tuyến trên điều trị tiếp.
Theo bác sĩ Duy, rắn lục đuôi đỏ cắn bé trai 13 tuổi ở Hà Nội là một trong số các loài rắn có nọc độc cực mạnh, chỉ đứng sau loài rắn hổ mang chúa.
Ở nước ta, loài rắn cảnh rất đa dạng và phong phú được bán tại các cửa hàng thú nuôi trên mạng. Hướng dẫn cách nuôi rắn tại các cửa hàng cũng khá đơn giản. Tuy nhiên, khác với chó, mèo, chim là những loài thú cưng quen thuộc, rắn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ.
Theo các bác sĩ, trẻ nhỏ, nhất là các bé trai rất hiếu động, trong khi chưa hiểu biết về các loài vật có độc. Do vậy, các bậc phụ huynh cần chú ý cung cấp cho trẻ những kiến thức, kỹ năng, đảm bảo an toàn cho trẻ và kịp thời phát hiện khi trẻ có những hành động nguy hiểm để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Sơ cứu khi trẻ bị tai nạn rắn cắn
Khi trẻ bị rắn độc cắn hoặc nghi ngờ rắn độc cắn, cần thực hiện các biện pháp sơ cứu ban đầu đúng cách. Đầu tiên, nếu bị rắn độc cắn, cần ngay lập tức gọi số khẩn cấp cho bệnh viện gần nhất để được cấp cứu bằng huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu, đặc biệt khi thấy vết thương có dấu răng nanh hoặc dấu hiệu đổi màu, bắt đầu sưng đau.
Trong thời gian chờ sự trợ giúp của nhân viên y tế, nên thực hiện các bước sơ cứu khi bị rắn độc cắn để làm chậm và hạn chế nọc độc xâm nhập vào cơ thể như:
- Di chuyển nạn nhân xa ra khỏi tầm hoạt động của con rắn; giữ bình tĩnh và hạn chế cử động, tốt nhất là bất động chi bị cắn bằng nẹp, để làm chậm sự lây lan của nọc độc;
- Tháo bỏ đồ trang sức và nới lỏng quần áo chật nhằm tránh gây chèn ép khiến vết thương bắt đầu sưng lên; điều chỉnh tư thế sao cho vùng bị cắn nằm thấp hơn mức tim, chẳng hạn như nằm xuống, kể cả trong lúc được vận chuyển đến bệnh viện;
- Làm sạch vết thương bằng xà phòng và nước muối sinh lý; dùng một miếng gạc khô và sạch để băng kín vùng bị cắn.
Chú ý: không nên sử dụng băng garo chặt vùng bị cắn, cách này vừa làm đau nạn nhân, vừa cản trở máu lưu thông đến các chi gây hoại tử. Không tùy tiện chườm lạnh, bôi hóa chất, đắp lá cây… lên vết thương. Ghi nhớ màu sắc con vật để bác sĩ có thể dễ dàng nhận biết loại rắn để điều trị.