LTS: Tạo thói quen đọc sách cho con là yếu tố quan trọng trong việc phát triển tư duy, kiến thức và óc sáng tạo từ khi còn nhỏ. Đây không chỉ là việc giúp trẻ phát triển kỹ năng đọc viết mà còn là một cách nuôi dưỡng sự tò mò, sự hiểu biết về thế giới xung quanh và giúp trẻ xây dựng mối quan hệ tương tác tích cực với sách. VietNamNet tổ chức tuyến bài "Làm thế nào để con thích đọc sách" cho các phụ huynh chia sẻ kinh nghiệm tạo thói quen đọc sách như một cách giúp con phát triển toàn diện và trở thành người đọc thông thái.
Hiện nay, Internet đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, mang lại nhiều tiện ích trong việc tiếp cận và trao đổi thông tin. Tuy nhiên, sự phổ biến rộng rãi của công nghệ, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ, lại đặt ra những thách thức và quan ngại về mặt phát triển cá nhân và sức khỏe tinh thần.
Trẻ em đang sử dụng thiết bị công nghệ quá nhiều
Việt Nam nói riêng và toàn thế giới nói chung, trẻ em đang đọc ít và sử dụng công nghệ quá nhiều. Việc tiếp xúc với thiết bị công nghệ từ quá sớm có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển của trẻ.
Não bộ của trẻ nhỏ, đặc biệt từ 5 - 10 tuổi vẫn trong giai đoạn hoàn thiện, chưa sẵn sàng để xử lý một lượng lớn thông tin đến một cách nhanh chóng và liên tục như môi trường online cung cấp.
Những hình ảnh và video trực tuyến thường được thiết kế nhằm thu hút sự chú ý bằng cách kích thích mạnh mẽ các giác quan, đặc biệt là thị giác, có thể gây quá tải thông tin cho trẻ, ảnh hưởng đến khả năng tập trung và sự phát triển của não bộ.
Hơn nữa, việc sử dụng quá mức các thiết bị điện tử sẽ hạn chế khả năng sáng tạo, khả năng tương tác và giao tiếp của trẻ với thế giới xung quanh. Hậu quả là trẻ trở nên ít quan tâm đến môi trường sống thực tế và có nguy cơ cao mắc phải những vấn đề về cảm xúc như lo lắng và trầm cảm.
Lợi ích của việc đọc sách với trẻ em
Ngược lại, đọc sách mang lại những lợi ích sâu rộng và lâu dài cho sự phát triển của trẻ. Qua việc đọc, trẻ được tiếp cận với ngôn từ ở một tốc độ tiếp thu chậm hơn, giúp não bộ có thời gian xử lý và lưu trữ thông tin một cách hiệu quả.
Quá trình này tạo điều kiện cho sự phát triển của khả năng đọc hiểu, tư duy và kỹ năng ngôn ngữ, bao gồm từ vựng và ngữ pháp. Đọc sách cũng thúc đẩy sự sáng tạo và khả năng tưởng tượng, khi trẻ được mời gọi tưởng tượng ra những thế giới, nhân vật và tình huống mình đọc.
Điều này không chỉ giúp cải thiện kỹ năng sáng tạo mà còn là cơ sở cho sự phát triển của kỹ năng giải quyết vấn đề và tư duy logic. Đọc sách cùng với việc trao đổi về những gì đã đọc cũng giúp các độc giả nhí phát triển kỹ năng giao tiếp và biểu đạt ý tưởng rõ ràng, mạch lạc - là những kỹ năng quan trọng cho học tập và phát triển trong tương lai.
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Pediatrics năm 2019, trẻ em được đọc sách hằng ngày từ sớm có khả năng ngôn ngữ và từ vựng phát triển mạnh mẽ hơn so với những trẻ không có trải nghiệm tương tự.
Nghiên cứu này chỉ ra rằng việc đọc sách cho trẻ thường xuyên giúp kích thích sự phát triển của các vùng não liên quan đến ngôn ngữ và khả năng tư duy phê phán.
Ngoài ra, một nghiên cứu từ Đại học Emory năm 2013 phát hiện việc đọc tiểu thuyết có thể gây ra những thay đổi lâu dài trong bộ não, bao gồm tăng cường khả năng cảm thụ và hiểu biết về xã hội. Các nhà nghiên cứu gọi đây là “hiệu ứng Flynn”, nói về sự tăng cường của khả năng nhận thức thông qua đọc sách.
Khuyến khích trẻ đọc sách như thế nào?
Theo kinh nghiệm của người viết, có 3 yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành thói quen đọc của trẻ: môi trường, không gian và sự tự do trong việc đọc.
Muốn khuyến khích con cái đọc sách, cha mẹ nên trở thành tấm gương và có thói quen đọc trước tiên. Việc đọc sách mỗi ngày không chỉ hạn chế thời gian sử dụng thiết bị công nghệ mà còn tạo ra những liên kết về cảm xúc cũng như xây dựng một môi trường lý tưởng giúp bé sớm có được thói quen đọc.
Thứ hai, hãy thiết kế và dành ra một không gian nhỏ trong nhà thành một góc đọc sách phù hợp. Góc đọc sách phải tạo ra sự thoải mái và thú vị, được trang trí bằng các hình ảnh sinh động, ánh sáng tiêu chuẩn sẽ khiến trải nghiệm đọc sách trở nên hấp dẫn hơn.
Thứ ba, chọn sách phù hợp với độ tuổi của bé. Các bậc phụ huynh đừng giới hạn hay tự mình chọn sách cho con. Hãy để trẻ tự khám phá những thể loại sách khác nhau, cảm thấy hứng thú với loại nào và cho trẻ tự do mua sách theo sở thích. Như vậy, các em sẽ có nhiều niềm vui và hứng khởi hơn.
Đọc sách không chỉ là hoạt động giải trí mà còn là nền tảng quan trọng cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Các dẫn chứng khoa học và ví dụ thực tiễn cho thấy lợi ích của đọc sách vượt xa so với việc tiếp xúc sớm và thường xuyên với thiết bị công nghệ.
Độc giả có thể gửi ý kiến xoay quanh chủ đề "Làm thế nào để con thích đọc sách?" về địa chỉ: [email protected]. Xin trân trọng cảm ơn!