TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) thông tin, quá trình thăm khám, bác sĩ gặp không ít trường hợp phụ huynh nuôi con với chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý.
Điển hình là trường hợp một người mẹ 21 tuổi, ở Hà Nội. Chị có con gái 24 tháng, cân nặng lên đến 20kg. Trẻ phải đến bệnh viện thăm khám vì lo ngại bị thừa cân béo phì.
Trước đó, dù con có biểu hiện thừa cân, béo phì nhưng bố mẹ của bé rất tự hào với quan niệm “béo khỏe, béo đẹp”. Mẹ bé gái chia sẻ: “Hằng ngày, cháu uống sữa không biết chán, ăn không biết no. Từ bánh, kẹo đến thịt xiên, xúc xích, thịt rán… cháu đều ăn được, chỉ có rau xanh là lười ăn”. Khi cân nặng của trẻ tăng nhanh, gia đình mới đưa trẻ đi khám dinh dưỡng.
Qua kiểm tra, bác sĩ kết luận trẻ bị béo phì độ 3. Khi bác sĩ yêu cầu gia đình phải kiểm soát cân nặng, theo dõi chuyển hóa, bố mẹ của bệnh nhi mới dần thay đổi suy nghĩ “béo là khỏe, tốt”.
Cử nhân dinh dưỡng Phan Thị Hoa - Khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Thanh Nhàn) cũng chia sẻ, phòng khám dinh dưỡng của bệnh viện từng tiếp nhận trường hợp người mẹ học theo hướng dẫn trên mạng, chỉ xay hạt óc chó và các loại hạt khác cho con ăn, không bổ sung cân đối các thực phẩm khác.
Kết quả, trẻ tăng cân nhưng lại thiếu nhiều vi chất khác. Trường hợp này sau khi thăm khám, đã được tư vấn điều chỉnh chế độ ăn khoa học, hợp lý hơn.
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng cho biết tình trạng chăm con theo kinh nghiệm truyền tai hay kiến thức trên mạng không phải là mới. Điều này đã được các chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo nhiều lần.
Cụ thể, nhiều phụ huynh học theo phương pháp nuôi con nổi tiếng như của Nhật hay của người Do Thái tuy nhiên việc học công thức này lại “không đến nơi, đến chốn”.
TS.BS Hưng cho biết, phụ huynh Nhật nuôi con rất chú trọng về sự cân bằng, đa dạng các chất trong một khẩu phẩn ăn. Khẩu phần ăn được lên thực đơn, tính toán cụ thể các chất có trong đó sao cho phù hợp với nhu cầu của một đứa trẻ. Ngoài ra, ở Nhật, khi trẻ ăn sẽ được hướng dẫn tập trung tối đa vào bữa ăn, không được xem điện thoại hay các thiết bị điện tử khác.
Tại Việt Nam, không ít phụ huynh nuôi con theo kiểu Nhật nhưng không chú trọng sự đa dạng về thực phẩm. Chất lượng thực phẩm cũng không đảm bảo, chưa kể yêu cầu về hàm lượng dinh dưỡng. “Ngoài ra, nhiều gia đình Việt thường lo lắng, bất an khi trẻ không ăn hoặc ăn ít. Họ sẵn sàng dùng điện thoại cho con xem với mục đích để trẻ ăn được nhiều hơn. Thậm chí, chính bố mẹ cũng tranh thủ vừa cho con ăn vừa lướt mạng, xem phim. Đó là thói quen xấu cần phải thay đổi”, TS.BS Hưng phân tích.
PGS.TS Nguyễn Thi Lâm, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cũng thông tin: “Phương pháp nuôi con theo kiểu Nhật, hay các nước phương Tây có nhiều ưu điểm nhưng khi áp dụng tại Việt Nam, nhiều phụ huynh chỉ học được cái vỏ bọc bên ngoài, không có kiến thức dinh dưỡng cơ bản”.
PGS.TS Lâm phân tích thêm, rất nhiều người nuôi con theo kiểu Nhật nhưng thực đơn không phong phú. Trong khi phương pháp của Nhật là ăn đa dạng từ nhóm rau xanh, củ quả, các loại hạt, đến nhóm thực phẩm từ động vật như cá, thịt… Chế độ ăn hằng ngày họ còn bổ sung phô mai, chất béo, cùng với đó là các loại rong biển, trái cây. Vì thế trẻ ở Nhật nuôi theo phương pháp này thường phát triển cân đối, khỏe mạnh.
“Còn tại Việt Nam, không ít phụ huynh khoe nuôi con theo phương pháp Nhật nhưng bị suy dinh dưỡng, vì không biết sắp xếp, lựa chọn thực phẩm đa dạng”, PGS.TS Lâm chia sẻ.
Cùng quan điểm, TS.BS Hưng phân tích thêm: “Dinh dưỡng, đặc biệt đối với trẻ nhỏ là một quá trình lâu dài, cần phải phù hợp với từng lứa tuổi, không thể nhanh, đi tắt. Dù phương pháp nào, nuôi con cũng phải tuân thủ nguyên tắc như trẻ phải được bú sữa mẹ trong vòng 6 tháng đầu đời và tiếp tục bú cho đến khi đến 2 tuổi”.
TS.BS Hưng nói thêm, bắt đầu thời kỳ trẻ tập ăn, mỗi lứa tuổi sẽ có những hướng dẫn cụ thể để trẻ ăn phù hợp với hệ tiêu hóa còn non nớt, chưa phát triển toàn diện.
Trong quá trình chăm sóc dinh dưỡng, điều phụ huynh đặc biệt lưu ý đó chính là phải cho trẻ ăn đầy đủ, cân đối và đa dạng 4 nhóm chất đường bột, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất.
Ngoài vấn đề trên, phụ huynh cho trẻ ăn đúng giờ, mỗi bữa ăn không kéo dài quá 30 phút, không cho trẻ ăn nhiều trước khi đi ngủ tối. Gia đình không cất giữ các thực phẩm nhiều năng lượng ở nhà như bánh kẹo, kem, nước ngọt, bim bim… để tránh trẻ ăn.
Thêm vào đó, phụ huynh nên khuyến khích và cùng trẻ tập thể dục thể thao, làm việc nhà, đi ngủ đúng giờ… Đồng thời, trẻ cần đến các chuyên khoa dinh dưỡng để thăm khám, kiểm tra định kỳ để đảm bảo sự phát triển hợp lý.