Chuyện trẻ con chê tiền mừng tuổi, suy cho cùng chính là vì người lớn. Cha mẹ dạy như thế, hoặc người lớn vô tình nói chuyện để con cái nghe được.
Trẻ con ảnh hưởng từ người lớn chuyện mừng tuổi
Người lớn cứ hay trách vì sao trẻ hư, trẻ hỗn, nhưng người lớn lại không nghĩ, tất cả những gì trẻ học được cũng chính là từ người lớn. Đi lớp cô giáo dạy thế nào, về trẻ rất dễ bắt chước theo. Ở nhà các cụ, ông bà nói gì, trẻ cũng học theo rất nhanh. Lắm lúc người lớn cứ bảo mình có dạy trẻ nói vậy bao giờ đâu, nhưng không cần dạy nhé, chỉ cần là mình làm, mình nói, trẻ sẽ nói theo liền. Trẻ con vốn thông mình là vậy.
Nói bóng gió xa xôi như vậy là để muốn bàn đến vấn đề tiền mừng tuổi, vì sao trẻ con lại hay thích tiền mới, tiền đẹp, hay thích tiền nhiều. Chuyện này, người lớn hoặc là vô tình hay cố tình sẽ khiến trẻ học được những điều không hay. Và những điều ấy vô tình lại làm ảnh hưởng tới uy tín của người lớn.
… Vì người lớn hay bóc phong bao lì xì ra rồi chê bai là ‘sao bác A lại mừng tuổi cháu có 10 nghìn. Mang tiếng bác ấy giàu có, ở trên tỉnh về, nhà thì to mà lại lèo tèo thế này. Đúng là người ki bo’.
Câu nói ấy tưởng chỉ là cửa miệng nhưng trẻ nhỏ nghe được và trẻ nghĩ, 10 nghìn chẳng giá trị gì và như vậy thì đồng tiền ấy là ít. Lần sau, có ai mừng tuổi đồng ấy, ắt hẳn trẻ không thích đâu nhé. Vì căn bản, bố mẹ cũng có tư tưởng trọng tiền mừng tuổi. Nhiều bậc phụ huynh chỉ thích mang con đi chơi tết cũng chỉ vì chuyện tiền mừng tuổi. Cái này nói không điêu tí nào.
Thật ra, chuyện nói ra có vẻ hơi buồn cười, nhưng nhiều người nghĩ thế là chắc. Vì trong thâm tâm họ luôn nghĩ, Tết thì phải có tiền lì xì, không có không được. (ảnh minh họa) |
Có gia đình, đi một xe máy mà cố tình, chồng đèo cả vợ, đèo thêm cả 2-3 đứa con nữa, chật cứng xe nhưng phải đi như thế, vì đi còn xin tiền mừng tuổi các cụ chứ. Có người còn tính toán dạng như mua cái này cái kia thì các cụ cũng mừng tuổi lại, thì có khi lại lãi.
Thật ra, chuyện nói ra có vẻ hơi buồn cười, nhưng nhiều người nghĩ thế là chắc. Vì trong thâm tâm họ luôn nghĩ, Tết thì phải có tiền lì xì, không có không được. Và tiền lì xì thì phải dành cho trẻ con, nên dù có xa xôi cũng phải mang trẻ con đi cùng. Tất nhiên, đó chỉ là một vài cá nhân tính toán như vậy, còn đa phần là muốn cho các cháu đi chơi Tết, vui là chính…
Nhưng chính những kiểu tính toán của bố mẹ và những lời dặn dò rất ‘bình dân’ như ‘đi chơi tí bác mừng tuổi cho nhé’ đã khiến trẻ bị ảnh hưởng. Có nhiều bậc cha mẹ bóc phong bao lì xì ra thì mặt ỉu xìu chê bai, thế nên con cái mới hiểu rằng, chuyện lì xì cũng phải nhiều, ít là ông ấy, bà kia ki bo, keo kiệt… Nên nhắc nhở cha mẹ, đừng nói như vậy trước mặt trẻ con, sẽ làm chúng bị ảnh hưởng và suy nghĩ sai lệch đi từ chuyện tiền mừng tuổi.
Trẻ chưa biết tiêu tiền nhưng cũng biết đồng to, đồng bé
Có khi có những đứa trẻ rất nhỏ, tiền thì chẳng biết tiêu đâu nhưng nó đã biết đồng nào là đồng to, đồng nào là đồng nhỏ. Tiền giấy nhé, chúng không lấy đâu. Tiền polime thì cứ tờ nào xanh là thích… Vì bố mẹ đã nói, tiền polime mà màu xanh và càng to là giá trị lớn. Còn lại, tiền giấy thì bây giờ chỉ có tờ 5 nghìn mà mấy ai mừng tuổi 5 nghìn thời đại này nữa. Mừng tuổi 5 nghìn thì quá là dở hơi, tèm nhèm. Đó là do bố mẹ luôn nói với con trẻ như vậy. Thế nên, dù trẻ chưa biết tiêu tiền thì cũng biết chọn tờ nào là to, tờ nào nhỏ.
Có khi có những đứa trẻ rất nhỏ, tiền thì chẳng biết tiêu đâu nhưng nó đã biết đồng nào là đồng to, đồng nào là đồng nhỏ. (ảnh minh họa) |
Và thế là có chuyện hay khi mỗi lần đưa con đi chơi Tết nhà người khác. Có phen con làm bố mẹ ‘chín mặt’ vì ngượng. Rồi người khác sẽ lại nghĩ, chắc là người lớn dạy con trẻ như vậy.
Có lần con chị H cũng bĩu môi dài khi bác họ mừng tuổi 10 nghìn làm chị sái mặt. Bác đưa phong bao lì xì, con lập tức bóc ra xem ngay. Chị ngại quá nhưng không cản được con. Con cứ bảo ‘để con bóc, để con bóc xem có nhiều tiền hay không’. Lôi ra một tờ chục nghìn, con bặt bí xị, khó chịu bảo mẹ là ‘con không thích tiền này đâu, tiền này không phải tờ xanh, nhỏ quá, tờ này không to’. Nghe con nói, chị H được phen mất mặt với người nhà, vì chẳng có đứa trẻ nào nhỏ vậy lại biết được giá trị đồng tiền nếu không có bố mẹ dạy.
Tại mọi lần chị cũng căn ke chuyện mừng tuổi cơ. Cứ dạy con là tiền nào to, tiền nào nhỏ, các bác mừng tuổi tờ nào mới thích nên bây giờ thành ra thế này, có phải là xấu hổ với thiên hạ không.
Chuyện trẻ con chê tiền mừng tuổi, suy cho cùng chính là vì người lớn. Cha mẹ dạy như thế, hoặc người lớn vô tình nói chuyện để con cái nghe được. Tiền bạc với trẻ nhỏ chưa thực sự cần thiết, đừng dạy trẻ biết tiêu tiền quá sớm, là hại chứ không hề có lợi. Thế nên, cha mẹ dù là chuyện tiền lì xì hay bất cứ chuyện gì cũng nên ý nhị trước mặt trẻ nhỏ, vì trẻ học lỏm rất nhanh. Có thể những hành động vô thức của chị em sẽ làm hư con mình.
(Theo Khám phá)