Ngày 28/11, tại buổi phát động chiến dịch "24 giờ bên con" do Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em, Bộ Y tế, tổ chức, Tiến sĩ tâm lý Phạm Văn Tư - Phó Trưởng khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội cho biết việc nuôi con tưởng chừng dễ nhưng lại mang đến nhiều áp lực cho cả cha mẹ. Ông Tư từng tiếp nhận trị liệu cho trường hợp cả mẹ và con đều gặp vấn đề về tâm lý.
Điển hình như trường hợp trẻ hơn 3 tuổi chỉ nói được 1-2 tiếng. Người mẹ làm cho công ty nước ngoài. Sau khi con được 2 tháng tuổi, bà mẹ đã chạy theo các dự án kiếm tiền, để con ở nhà với ông nội. Ông chỉ mải xem điện thoại và cho cháu xem tivi. Trẻ không được giao tiếp, không tương tác với bên ngoài, xa cha mẹ.
Thấy con chậm nói bất thường, bà mẹ đưa con tới một bệnh viện khám, bác sĩ tại đây cho rằng trẻ tự kỷ. Người mẹ rất sốc, lo lắng con không phát triển bình thường nên tìm tới Tiến sĩ Phạm Văn Tư để tâm lý trị liệu. Khi tiếp xúc với trẻ, vị tiến sĩ cho rằng trẻ bị chậm ngôn ngữ, không phải tự kỷ.
Trường hợp khác là một người mẹ từng làm giáo viên hiện ở nhà chăm con do thu nhập của chồng ổn định. Dù ở cạnh mẹ cả ngày nhưng trẻ vẫn đập tivi, vẽ lên tường, không ngoan như đứa trẻ khác. Cả nhà chê trách, mẹ làm giáo viên mà không biết chăm con nên người phụ nữ càng áp lực, tổn thương.
Tiến sĩ Tư cho rằng ba mẹ tạo không gian an toàn sẽ giúp trẻ phát triển tốt về mặt giao tiếp, dễ dàng kết bạn. Trẻ cần có quyền được trưởng thành, mắc lỗi, được “cãi”.
Theo Tiến sĩ Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, trong những năm qua, ngành y tế thực hiện tốt các chính sách, chương trình dành cho trẻ em với cách tiếp cận dựa trên các quyền cơ bản của trẻ em. Đó là chăm sóc thiết yếu trẻ sơ sinh, dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời cho phụ nữ mang thai và trẻ em, khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi; tiêm chủng mở rộng phòng các dịch bệnh nguy hiểm; phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; phẫu thuật tim bẩm sinh cho trẻ em nghèo. Đặc biệt, việc cha mẹ đồng hành bên con sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần.