Ngày 5/10, tại Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam và sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản tổ chức sự kiện tổng kết chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Giảm nhẹ rủi ro thiên tai 13/10/2024.
Chủ đề Ngày Quốc tế Giảm nhẹ rủi ro thiên tai năm nay là "Trao quyền cho thế hệ trẻ vì một tương lai an toàn trước thiên tai".
Hơn 1 tháng qua, hưởng ứng ngày này, nhiều hoạt động ngoại khóa về chủ đề phòng, chống thiên tai đã diễn ra tại 45 trường THCS ở các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng.
Chuỗi hoạt động tại TP Đà Nẵng diễn ra từ ngày 1-5/10 gồm nhiều hoạt động, trong đó, lấy trẻ em làm trung tâm nâng cao nhận thức về giảm nhẹ thiên tai, như thi sáng tác tranh "Góc nhìn trước thiên tai"; cuộc thi rung chuông vàng "Cùng em phòng chống thiên tai - kiến tạo tương lai bền vững"; vẽ tranh tường "Sẵn sàng trước thiên tai và biến đổi khí hậu"; tập huấn "Hướng dẫn tổ chức hoạt động ngoại khóa về chủ đề phòng, chống thiên tai trong trường học"…
Cuộc thi sáng tác tranh “Góc nhìn trước thiên tai” thu hút học sinh trong độ tuổi từ 6 đến 10 tuổi tại 16 trường tiểu học trên địa bàn quận Thanh Khê tham gia.
Những bức tranh truyền tải thông điệp ước mơ của các em về một mái trường, xã hội an toàn hơn trước thiên tai, đồng thời là những bài học ý nghĩa giúp các em ghi nhớ và nâng cao nhận thức, chủ động trong phòng chống thiên tai.
Tại trường THCS Nguyễn Đình Chiểu diễn ra hoạt động ngoại khóa vẽ tranh tường “Sẵn sàng trước thiên tai và biến đổi khí hậu”, Cuộc thi Rung chuông vàng “Cùng em phòng chống thiên tai - Kiến tạo tương lai bền vững”.
Em Nguyễn Bảo An, học sinh lớp 9, Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu chia sẻ, các hoạt động này giúp em biết thêm kiến thức, kỹ năng phòng tránh thiên tai cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Theo Bảo An, miền Trung mưa lũ rất nhiều, khi tham gia những chương trình như thế này, giúp em biết thêm nhiều thông tin về các mức độ của mưa bão, cách phòng, chống thiên tai, khi bão đến thì những trang web nào để mình có thể cập nhật tin tức kịp thời, các biện pháp khi thiên tai đến...
Phát biểu tại chương trình tổng kết, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết, thế hệ trẻ, trong đó có trẻ em là một trong những nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất trước thiên tai và biến đổi khí hậu do tính dễ tổn thương về thể chất và tâm lý xã hội.
Với chủ đề trên, chương trình tạo điều kiện, cung cấp kiến thức, kỹ năng và khuyến khích, tạo cơ hội cho các em được đóng góp ý kiến, phát triển các giải pháp sáng tạo và tham gia vào các hoạt động bảo vệ cộng đồng.
“Các em cũng là chủ nhân tương lai của đất nước, sau này sẽ chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai. Các em truyền đạt kỹ năng ứng phó cho cộng đồng, gia đình để đảm bảo xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai”, ông Tiến nhấn mạnh.
Ông Maharajan Muthu, Trưởng chương trình Vì sự sống còn, Phát triển trẻ em và Môi trường, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF Việt Nam cũng chia sẻ: "Tại UNICEF, chúng tôi tin tưởng rằng giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tương lai, vì trường học không chỉ là nơi học tập mà còn là trung tâm của sự an toàn, chuẩn bị và nhận thức. Trẻ em chính là tác nhân của sự thay đổi với khả năng đóng vai trò chuyển đổi trong việc thúc đẩy giảm nhẹ rủi ro thiên tai và hành động vì khí hậu".
Nhân dịp này, để thực hiện có hiệu quả hơn nữa phối hợp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống và giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong ngành GD-ĐT giai đoạn 2024-2029 được ký kết giữa 2 Bộ NN&PTNT và Bộ GD-ĐT, TP Đà Nẵng là địa phương tiên phong trong việc cam kết thực hiện các hoạt động phối hợp trong thời gian tới.
Cũng tại sự kiện, các đại biểu đã trao quà cho các em học sinh xuất sắc đoạt giải tại hai cuộc thi "Rung chuông vàng: Cùng em phòng, chống thiên tai - kiến tạo tương lai bền vững", cuộc thi sáng tác tranh "Góc nhìn trước thiên tai".