Lưới tản nhiệt là một bộ phận quen thuộc trên ô tô, sinh ra có nhiệm vụ trước hết là bảo vệ dàn két nước làm mát phía trước động cơ, sau là giúp lưu thông gió, không khí để giảm nhiệt cho buồng máy.
Lưới tản nhiệt - chi tiết quyết định thẩm mỹ chiếc xe
Vào năm 1903, chi tiết lưới tản nhiệt lần đầu tiên xuất hiện với thiết kế hình vòm và trở nên phổ biến trong nhiều năm sau đó. Đến năm 1923, kiểu lưới tản nhiệt "chia đôi" xuất hiện lần đầu tiên trên mẫu xe thể thao Alfa Romeo.
Trong những năm 1930 đến 1940, các nhà sản xuất ô tô đã trở nên sáng tạo với thiết kế lưới tản nhiệt, như hình chuông (hãng Buick, Chevrolet và Pontiac ), tạo nhiều nếp gấp (Mercedes-Benz, Mercury, Oldsmobile 1946), hình chữ thập (các mẫu Studebaker Champion trước chiến tranh, Cadillac 1941, Ford 1942)...
Lưới tản nhiệt lớn trên xe Buick 1930 |
Sau Thế chiến thứ hai, lưới tản nhiệt đã có sự thay đổi mạnh mẽ, kết thúc thời kỳ chuộng kích thước lớn. Các mẫu xe của Buick, Studebaker và Kaiser ra đời sau năm 1947 đã tạo hình các tấm lưới trở giảm chiều cao nhưng rộng hơn để phù hợp với sự thay đổi trong thiết kế.
Lưới tản nhiệt thường được làm từ nhôm máy bay, dạng thanh rắn gia công từ một tấm nhôm nguyên khối, hoặc bằng nhựa kết hợp công nghệ sơn mạ hợp kim bao phủ lên trên bề mặt của tấm lưới làm tăng độ bền khi hoạt động ở môi trường nhiệt độ cao.
Theo thời gian, lưới tản nhiệt trở thành một trong những chi tiết quan trọng nhất trên mặt trước của xe, quyết định làm cho một chiếc xe trở nên hấp dẫn và định hình bản sắc của nó gắn liền với danh tiếng hãng xe.
Tản nhiệt 7 thanh dọc đã trở thành biểu tượng nhận diện thương hiệu Jeep hơn là logo chữ |
Có thể lấy ví dụ hãng Jeep đã đăng ký nhãn hiệu cho phong cách lưới tản nhiệt 7 thanh của mình thay vì logo bằng chữ đơn giản. Rolls-Royce nổi tiếng với kiểu sắp xếp các thanh lưới tản nhiệt thẳng đứng trông như một ngôi nhà với dàn cột vững chãi. Bugatti với tản nhiệt kiểu móng ngựa, quả thận chẻ đôi của BMW, thang ngang lớn của Dodge, thanh gạch chéo của Volvo...
Thế kỷ 21 trở lại với xu hướng tản nhiệt “mũi to”
Những thập niên đầu của thế kỷ 20 chứng kiến sự sôi động của những hãng xe tiên phong trong ngành công nghiệp ô tô thế giới như Ford, Mercedes-Benz, Alfa Romeo, Rolls-Royce..., cùng với đó là kích thước tản nhiệt dạng “siêu to, khổng lồ”.
Lý giải cho thiết kế lớn của cụm tản nhiệt là vì thời kỳ này động cơ thường có dung tích lớn, nhưng công suất không cao. Như chiếc Mercedes 35 sản xuất năm 1901 dùng động cơ 4 xi-lanh dung tích tới 6.0L, công suất cao nhất của nó là 35 HP ở tốc độ 950 vòng/phút và cần tới két nước làm mát giải nhiệt dung tích 9L (ở các xe đời mới thường chỉ khoảng 3.5L). Do đó động cơ cần đối lưu không khí lớn cũng như bảo vệ két nước quá to dẫn đến lưới tản nhiệt phải lớn.
Càng về sau, công nghệ làm mát động cơ có nhiều bước tiến, giúp giảm kích thước két làm mát, làm mát thông minh và hiệu quả hơn nhờ cải tiến về vật liệu ống dẫn, các van điều áp điện tử. Ngoài các hãng xe lấy biểu tượng lưới tản nhiệt làm giá trị nhận diện thương hiệu thì giai đoạn thập niên 80, 90 của thế kỷ 20 đã xuất hiện trào lưu giảm kích thước chi tiết lưới tản nhiệt, tăng độ lớn của cụm đèn chiếu sáng.
Sự tiến hóa "mũi to" của mẫu BMW X5 theo năm tháng. Đồ họa: Đình Quý |
Câu chuyện tản nhiệt “mũi lớn” được bàn tán xôn xao trở lại khi hãng BMW ra mắt dòng X7 vào năm 2018 với “quả thận” phía trước tăng hẳn kích cỡ. Nhiều người mỉa mai rằng “lỗ mũi” của BMW ngày càng to ra như để tỷ lệ thuận với độ ô nhiễm môi trường. Thế nhưng, giải thích của Adrian van Hooydonk, giám đốc thiết kế hãng BMW lại đơn giản là vì hãng xe Đức chạy theo thị hiếu của thị trường Mỹ và Trung Quốc, nơi người dân lại thích thú với các chi tiết bên ngoài gây sự chú ý. Sau đó BMW tiếp tục thiết kế “mũi to” trên sedan series 7, xe thể thao Z4.
Mặc dù tranh cãi nhiều nhất đối với kiểu thiết kế lưới tản nhiệt mới trên BMW, đặc biệt đối với khách hàng châu Âu, nhưng xu hướng này thực tế đã xuất hiện trước đó trên các hãng xe châu Á, điển hình như Hyundai và Kia.
"Mũi" to dần đều theo năm tháng trên mẫu Hyundai Santa Fe. Đồ họa: Đình Quý |
Có thể lấy ví dụ để thấy rõ điều này qua các mẫu xe bán chạy của Hyundai như Santa Fe, Elantra, i10 qua các thế hệ. Ở thập niên đầu thế kỷ 21, xe Hyundai có mặt lưới tản nhiệt khiêm tốn trong khi cụm đèn chiếu sáng lớn. Sang đến thập niên thứ 2, xu hướng này đảo ngược, và thấy rõ nhất trên chiếc Hyundai Santa Fe 2021.
Xe điện BYD Han cũng sở hữu mặt tản nhiệt lớn mang ý nghĩa tăng sự chú ý hơn là làm mát phía trước. |
Để thấy rõ xu hướng thiết kế “mũi to”, không đâu rõ nhất chính là thị trường Trung Quốc. Các mẫu xe nội địa đang tạo thành xu thế điển hình trong những năm gần đây như: BAIC, Zotye, Dongfeng, Hongqi, Brilliance, BYD... Thậm chí xu hướng này còn lan sang các mẫu ô tô chạy điện tại triển lãm ô tô Thượng Hải 2021, vốn là loại xe không cần phải có lưới tản nhiệt. Tất cả đều hướng đến thị hiếu “nhìn” của người dùng hơn là công năng thực sự.
Đình Quý (theo Wikipedia, BMW, Getty Images)
Mời bạn đọc cộng tác, gửi tin bài về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!
Lưới tản nhiệt quả thận của BMW thay đổi ra sao sau gần 90 năm
Lưới tản nhiệt hình quả thận được xem như chi tiết nhận diện đặc trưng trên mẫu ôtô của BMW.